Hoàng hậu Bạch Ngọc với khởi nghĩa Lam Sơn

09:09 | 27/08/2016;
Điền trang của Bạch Ngọc Hoàng hậu là nơi nơi tích lũy, cung cấp quân lương và trở thành hậu cứ vững chắc cho cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược của Lê Lợi đến ngày toàn thắng.
Hoàng hậu Bạch Ngọc tên thật là Trần Thị Ngọc Hào, sống vào cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV, là con gái ông Trần Công Thiệu người làng Tri Bản, xã Thổ Hoàng, huyện Hương Khê (thuộc Hà Tĩnh ngày nay).

Khi trưởng thành, là một thiếu nữ xinh đẹp, trí tuệ nên bà được tuyển vào cung năm 1374 và trở thành người vợ thứ 3 của vua Trần Duệ Tông. Bà sinh được một người con gái là Trần Thị Ngọc Hiên, sau được phong là Huy Chân công chúa. Năm 1377, vua Duệ Tông tử trận khi đi đánh Chiêm Thành, từ đó bà sống lặng lẽ trong cung riêng.

Bấy giờ nhà Trần suy yếu, triều chính biến động. Năm 1399, Hồ Quý Ly soán ngôi nhà Trần. Năm 1413, nhà Minh lợi dụng thời cơ đưa quân sang đánh chiếm Đại Việt. Cha con Hồ Quý Ly không chống cự nổi bị bắt đưa về phương Bắc. Giặc Minh tràn vào kinh thành nước ta cướp bóc, bắt bớ.

Không chịu làm tỳ thiếp cho quân Minh, bà và công chúa Huy Chân cùng hơn 500 cung nhân nội thị giả làm người tu hành trốn về quê. Sau 50 ngày vất vả vượt đường sá xa xôi, trải qua bao hiểm nguy, về tới cố hương, số người đi theo bà thất lạc gần hết chỉ còn lại hơn trăm người. Thấy vùng núi Cóc và núi Trà Lập đất đai màu mỡ, bà quyết định dừng lại đó lập trại làm ăn sinh sống.
cha-am-c-th-ni-tu-hnh-v-l-ni-th-t-hong-hu-bch-ngc.jpg
 Chùa Am (Đức Thọ, Hà Tĩnh) là nơi tu hành và là nơi thờ tự Hoàng hậu Bạch Ngọc.
Tại đây, Trang Phụng Công đã được bà cùng công chúa Huy Chân và tùy tùng khai hoang vỡ đất lập ra dưới chân núi. Sau đó bà tiếp tục chiêu tập dân chúng quanh vùng đến sống ở đó, khuyến khích họ khai khẩn đất hoang, lập nên làng xóm. Sau một thời gian, một khu vực rộng lớn được khai phá suốt từ Lâm Thao – Hòa Duyệt – Thượng Hạ Bồng (nay là huyện Vũ Quang), Đông Công và dọc núi Trà Sơn (huyện Đức Thọ), Ân Phú – Sơn Trà – Sơn Long (huyện Hương Sơn) đến Thượng Nga, Lại Thạch (6 xã huyện Can Lộc) đã có trên 3.000 dân và 3.965 mẫu ruộng.

Năm 1425, khi nghĩa quân Lam Sơn mở rộng địa bàn hoạt động vào Hoan Châu, tướng Bùi Bị cùng Đinh Lễ - Đinh Bố tìm được trang trại của bà và công chúa Huy Chân, họ đưa bà cùng công chúa về yết kiến Lê Lợi.

Biết nghĩa quân đang cần lương thực và vũ khí để đánh giặc, bà đã tự nguyện dâng tất cả tiền của, lương thực, khí giới tích lũy được trong nhiều năm cho nghĩa quân. Từ đó nghĩa quân đã dùng trang trại của bà làm hậu cứ.

Trang trại của Hoàng hậu Bạch Ngọc đã thành nơi tích lũy cung cấp quân lương và trở thành hậu cứ vững chắc cho cuộc kháng chiến đánh đuổi quân Minh xâm lược của vua Lê Lợi. Những đóng góp to lớn của bà đã góp phần to lớn vào thắng lợi của nghĩa quân Lam Sơn.
tng-bch-ngc-hong-hu-cha-am.jpg
 Tượng Bạch Ngọc Hoàng hậu ở chùa Am.
Sau khi đất nước thái bình, bà Bạch Ngọc không về Thăng Long mà xuất gia tu hành tại chùa Am (nay thuộc xã Đức Hòa, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh). Sau đó bà lại đứng ra làm hội chủ khởi công xây dựng 2 ngôi chùa lớn ở Tiên Lữ, Mỹ Xuyên (huyện Đức Thọ). Công chúa Huy Chân thì về sống tại Thăng Long. Năm 1435, vua Lê Lợi băng hà, công chúa cũng xin về tu hành tại chùa Am.

Hoàng hậu Trần Thị Ngọc Hào mất khoảng những năm trị vì của vua Lê Thánh Tông (1460-1497), hưởng thọ ước chừng 100 tuổi. Các đời vua Lê thấy công đức lớn lao của bà đã cho tạc tượng bằng đồng thờ tại chùa Am.

Sau khi hoàng hậu Bạch Ngọc mất, nhân dân tưởng nhó công lao của bà đã lập đền thờ bà ở Đức Thọ, Hà Tĩnh. Bà được triều định nhà Lê phong tặng là Trinh thục Hoàng thái hậu.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn