Hoang mang con tiêm đủ 3 mũi vaccine vẫn mắc ho gà

18:20 | 29/03/2017;
Trong số gần 270 trẻ bị ho gà, có 4,3% bệnh nhi tiêm đủ 3 mũi vaccine theo khuyến cáo nhưng vẫn mắc bệnh. Thông tin này khiến không ít phụ huynh hoang mang.
Báo cáo của Dự án Tiêm chủng mở rộng (TCMR) năm 2016 cho thấy, trong năm qua, số ca mắc ho gà trong cả nước là 267 ca, giảm so với năm 2015 là 309 ca. Số trường hợp mắc rơi vào nhóm trẻ dưới 2 tháng - chưa đến lịch tiêm - hoặc trẻ trong độ tuổi tiêm chủng chưa được tiêm đầy đủ các mũi vaccine phòng bệnh ho gà. Tuy nhiên, ghi nhận có 4,3% số ca đã tiêm chủng 3 mũi vaccine nhưng vẫn mắc bệnh. Hà Nội là địa phương có số ca mắc ho gà cao nhất cả nước. 
tiem.jpg
Tiêm đủ các mũi vaccine vẫn là cách phòng bệnh ho gà hiệu quả nhất cho trẻ
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế: Không có vaccine nào đạt hiệu quả 100%, tiêm đủ 3 mũi có hiệu quả bảo vệ 90-95%, số còn lại vẫn có nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên, tiêm vaccine vẫn là cách phòng bệnh ho gà hiệu quả nhất. Hiệu quả phòng bệnh sẽ giảm theo thời gian, vậy nên trẻ cần được tiêm nhắc khi 18 tháng tuổi.

Đối với phần lớn vaccine sau khi tiêm đủ liều cơ bản, hiệu quả kháng thể bảo vệ có được sau tiêm sẽ giảm dần theo thời gian. Đến một lúc nào đó cơ thể không đủ sức chống lại sự tấn công của mầm bệnh và do vậy có tỉ lệ nhất định sẽ mắc bệnh. Với nhiều loại vaccine, nếu không tiêm nhắc lại, mặc dù đã được tiêm đủ các mũi, có thể bị mắc bệnh sau vài năm.

Nhiều loại vaccine cần được tiêm nhắc như vaccine phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, thủy đậu, viêm não Nhật Bản, bại liệt, phế cầu, não mô cầu... Đây là các vaccine tạo được kháng thể bảo vệ khoảng 3-4 năm, nếu không tiêm nhắc lúc trẻ trên 4 tuổi, khi phơi nhiễm với mầm bệnh vẫn có thể bị mắc bệnh. Vaccine bạch hầu, ho gà, uốn ván chỉ tạo được miễn dịch bảo vệ khoảng 3 năm sau khi tiêm đủ 3 liều lúc trẻ dưới 1 tuổi, trong khi trẻ dưới 15 tuổi, thậm chí lớn hơn vẫn có nguy cơ mắc bệnh. Vì vậy, mũi tiêm nhắc là rất cần thiết để tiếp tục bảo vệ trẻ lúc ngoài 4-5 tuổi và nên tiêm trước khi trẻ được 4 tuổi. 

"Các bậc phụ huynh nên đưa con đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi, không trì hoãn việc tiêm phòng cho trẻ trong giai đoạn hiện nay. Để phòng bệnh ho gà, ngoài việc tiêm chủng đầy đủ cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng thì phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên tiêm chủng vaccine trước khi mang thai để có kháng thể bảo vệ cho trẻ sơ sinh, giai đoạn bé chưa đến tuổi tiêm ngừa", PGS.TS Trần Đắc Phu cho hay.

Do thời tiết se lạnh, độ ẩm cao nên mùa xuân là mùa bùng phát mạnh các bệnh hô hấp, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, trong đó có bệnh ho gà. Đây là căn bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, phổ biến ở trẻ nhỏ. Bệnh có thể lây truyền do tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp có các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng bệnh nhân khi ho, hắt hơi. Bệnh có tính lây truyền rất cao, nếu chưa có miễn dịch sẽ dễ mắc bệnh, diễn biến nặng, có thể dẫn đến tử vong. 

Để phòng bệnh trẻ em, vấn đề cốt lõi là trẻ phải được tiêm vaccine đúng lịch, đủ liều: Cần tiêm mũi đầu tiên ngay khi trẻ được 2 tháng tuổi, mũi 2 lúc 3 tháng tuổi, mũi 3 lúc 4 tháng tuổi và tiêm nhắc lại lúc trẻ 18 tháng. Mũi nhắc lại lần 4 khi trẻ được 18 tháng rất quan trọng trong việc kéo dài miễn dịch sau này để truyền cho con.
 
Vaccine ngừa ho gà được khuyến cáo tiêm cho phụ nữ mang thai ngoài 20 tuần. Tuy nhiên, tốt nhất là tiêm ngừa trước khi mang thai. Trường hợp phụ nữ mang thai cần thực hiện việc tiêm phòng theo hướng dẫn của cơ quan y tế, đặc biệt đối với phụ nữ mang thai sống tại vùng dịch.  

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn