Với tôi, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm là người đọc thơ mê đắm nhất xứ sở này. Với bất cứ ai đã nghe ông đọc thơ dù chỉ một lần cũng không bao giờ quên được niềm đắm mê không bờ bến của ông khi giọng đọc ông vang lên.
Xin vĩnh biệt ông, vĩnh biệt một tình yêu vô tận với thơ ca.
Nhà thơ Vương Trọng cho biết, theo kế hoạch của Thư viện Quân đội, tối 20/4, Hoàng Nhuận Cầm cùng ông sẽ có cuộc giao lưu với một đơn vị Công binh đóng ở tỉnh Ninh Bình. Xe sẽ đón Hoàng Nhuận Cầm trước rồi đến đón Vương Trọng lúc 13h30.
"Gần đến hẹn, cô Cúc, cán bộ thư viện, báo với tôi rằng anh Cầm bị ốm không đi được, hiện cô đang tìm người thay thế. Sau đó không lâu, cô báo cuộc giao lưu lùi lại 2 ngày. Tôi nghĩ rằng chắc chờ cho Cầm khỏi bệnh. Thế mà chập tối, cô Cúc vừa khóc vừa báo tin anh Cầm mất rồi!
Tôi hết sức đột ngột. Hoàng Nhuận Cầm và tôi cùng giao lưu với bộ đội không biết bao nhiêu buổi. Có khi đi với nhau mấy ngày liền, nói chuyện nhiều buổi với nhiều đơn vị, đêm về nhà khách nghỉ cùng nhau. Cầm ăn yếu, ngủ ít, hay hút thuốc lào, người gầy... nhưng lên sân khấu thì hoạt bát, tiếng sang sảng, lính rất thích. Anh không chỉ đọc thơ hay, mà kể chuyện làm phim hấp dẫn lắm!
Lẽ ra thì buổi tối 20/4, chúng ta đứng cùng trên sân khấu! Thế mà... Vĩnh biệt rồi, Cầm ơi!", nhà thơ Vương Trọng bày tỏ.
Năm 2002, tôi có dịp làm việc với Hoàng Nhuận Cầm, không với vai trò nhà thơ, cũng chẳng với vai trò là một "diễn viên" khá ấn tượng của Gặp nhau cuối tuần đình đám khi đó - bác sĩ Hoa Súng, mà là một nhân chứng của chiến tranh, một người trong cuộc.
Vì tôi đã từng nhìn thấy anh uống rượu mộc với bạn bên mộ bạn, đọc thơ cho bạn nghe, nghèn nghẹn những câu thơ "Vào mặt trận lúc ve đang kêu", mới thấy cái giá của tuổi trẻ đã dàn hàng gánh đất nước trên vai là như thế nào.
Những lời thơ khan khản vang vảng trong không gian nghĩa trang chiều Quảng Trị, nơi của tuổi hai mươi bất tử và nỗi buồn nhớ không hồi kết mang theo cho người được sống tiếp.
Cầm trong tôi khoảnh khắc ấy, đẹp hơn thơ nhiều.
Chàng sinh viên văn khoa, tháng 9/1971 nhập ngũ, nướng mình trong những ngày tháng mùa hè đỏ lửa 1972, đã bao lần úp mặt xuống đất nhìn máu mình ngấm xuống, hai tiếng "Mẹ ơi" được cất lên như cuối cùng. Biết bao chàng trai như Cầm, 20 tuổi chảy tan vào đất mẹ cùng tiếng gọi cuối cùng ấy...
Cầm may mắn hơn, trở về, mang theo thời hoa lửa bi tráng.
Anh chỉ cho tôi khá nhiều địa chỉ để đi, khá nhiều con người để gặp trong 5 năm tôi viết về hậu chiến tranh ở cả hai miền. Ngày họp báo ra sách cuốn Có tuổi hai mươi thành sóng nước của tôi, anh cùng một số đồng đội có tham dự.
Cuốn sách ấy anh có mang theo đốt cho đồng đội mình khi về lại Quảng Trị, để thực hiện phim Mùi cỏ cháy.
Anh cũng là một nhân vật của tôi trong cuốn tiếp theo, Khúc bi tráng một thời, xuất bản 2005, với bìa là một bức tranh Thành cổ của hoạ sĩ Lê Trí Dũng.
Sau những cuốn sách, anh em chúng tôi hay gặp gỡ quán bia Vân Hồ cạnh nhà anh. Vài cốc bia, đĩa lạc luộc, nói trên trời dưới đất. Cầm nói nhiều, nói nhanh, nói hay và nói trúng.
Khi đến Huế, viết về Ngô Kha và Trần Quang Long, tôi gọi điện cho anh và nói rằng tôi đã thực sự bị ám ảnh dù tôi sinh sau chiến tranh; và tôi sẽ giã từ đề tài hậu chiến. Anh lặng đi tầm 5 phút, rồi nói nhẹ: "Dừng đi, em ạ. Anh hiểu".
Sau đó, tôi giã từ quân ngũ, bao nhiêu băng ghi âm, máy ảnh, quân phục, sổ sách, ảnh..., tôi đóng kín lại trong một chiếc hòm và chưa từng mở ra từ ngày ấy.
Ngày rời Hà Nội, tôi đến chào anh. Tôi đi, 15 năm qua chưa một lần gặp lại.
Và giờ, không thể gặp lại nữa.
Anh là một phần trong ký ức tôi, một ký ức cũng có chút bi tráng phía sau bi tráng mang theo trong đời các anh. Nó mãi mãi là quá khứ, mãi mãi là tuổi hai mươi, mãi mãi đẹp và mãi mãi ám ảnh.
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến nhớ kỷ niệm viết kịch bản với Hoàng Nhuận Cầm, khi hai người cùng biên chế ở Phòng Nội dung 1, Hãng phim Truyện Việt Nam. Ông cho biết: "Đạo diễn Khải Hưng rất thích truyện ngắn Khắc dấu mạn thuyền của nhà văn Bảo Ninh. Khải Hưng đề nghị tôi và Hoàng Nhuận Cầm chuyển thể truyện ngắn này thành kịch bản phim 1 tập.
3 chúng tôi căng các chi tiết lên chiếc bảng treo trong phòng đạo diễn Khải Hưng. Dần dà khung một kịch bản vâm váp về chiến tranh hiện ra. Lúc làm kịch bản, Hoàng Nhuận Cầm tỏ ra đầy cảm xúc, lúc cười lúc khóc. Có chi tiết nào tâm đắc ông dẫn giải rất hăng hái mê say như thể đang nói chuyện thơ ở một hội trường nào đó. Ông là thế.
Bắt tay vào viết tôi chia đôi kịch bản và bảo Hoàng Nhuận Cầm viết khúc nào. Ông nói "tôi viết khúc cuối, Tiến sung sức dẫn đề đi". Hai chúng tôi chấp bút. Bấy giờ năm 1998 bản thảo còn viết tay. Hoàng Nhuận Cầm có lối viết chữ rất to và luôn tô xanh đỏ các đề mục hoặc những từ ông cho là quan trọng. Chưa kể còn chen vào đấy hoa lá rất vui mắt.
Xong kịch bản, tôi đề nghị giữ nguyên tên truyện ngắn nhưng Hoàng Nhuận Cầm say đắm đòi đổi tên là Ký ức một thời. Cuối cùng đạo diễn Khải Hưng quyết định dùng tên này. Ký ức một thời là phim chiến tranh về những ngày tháng bom đạn của không quân Mỹ đánh xuống Hà Nội.
Kỷ niệm một thời làm phim hôm nay hiện về khi nghe tin ông ra đi đột ngột ở tuổi 69. Âu đó là số phận".
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, đột ngột qua đời vào chiều 20/4/2021 ở tuổi 69. Hoàng Nhuận Cầm sinh năm 1952 tại Hà Nội, ông là con cả của nhạc sĩ Hoàng Giác. Ông từng theo học khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội), rồi nhập ngũ chiến đấu ở mặt trận Quảng Trị từ năm 1971 đến khi đất nước thống nhất.
Sau ngày đất nước thống nhất, ông trở lại học nốt chương trình đại học và đến năm 1981 làm việc tại Hãng Phim truyện Việt Nam. Sau đó, ông chuyển sang làm việc tại Đài Truyền hình Việt Nam nhưng rồi lại quay về Hãng Phim truyện Việt Nam.
Hoàng Nhuận Cầm là tác giả của nhiều bài thơ tình được độc giả trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên yêu thích vì nó gắn với những kỷ niệm của tuổi trẻ, tình yêu như Chiếc lá đầu tiên, Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến, Viên xúc xắc mùa thu...
Ông đoạt giải nhất cuộc thi thơ Báo Văn nghệ năm 1972-1973, giành Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam với tập thơ Xúc xắc mùa thu năm 1993.
Bên cạnh thơ, ông cũng là một biên kịch nổi tiếng. Ông là tác giả tác phẩm của nhiều kịch bản về đề tài chiến tranh, lịch sử đã được dựng thành phim như Hà Nội mùa đông năm 46, Mùi cỏ cháy, Nhà tiên tri… Ông đã giành giải thưởng Biên kịch xuất sắc nhất tại LHP Việt Nam lần thứ 17 (năm 2011) và Giải Cánh Diều năm 2012 cùng với kịch bản phim điện ảnh Mùi cỏ cháy.
Với khán giả truyền hình, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm còn quen thuộc với vai diễn Bác sĩ Hoa Súng trong chương trình Gặp nhau cuối tuần.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn