Hoạt động nhiều hơn giúp làm giảm nguy cơ mắc ung thư vú

10:30 | 09/09/2022;
Ung thư vú là một trong những loại ung thư phổ biến nhất trên thế giới. Một nghiên cứu mới đây đã chứng minh rằng, hoạt động thể chất nhiều hơn và giảm lối sống tĩnh tại có thể giúp làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.

Theo các nghiên cứu quan sát từng được thực hiện, hoạt động thể chất và thời gian tĩnh tại ít hơn có mối liên hệ đối với việc làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Tuy nhiên, hầu hết trong số này chỉ chú ý nhiều đến vấn đề hoạt động thể chất, nhưng lại có ít nghiên cứu quan tâm, làm rõ mối quan hệ giữa nguy cơ mắc ung thư vú và thời gian tĩnh tại.

Hơn nữa, phần lớn các nghiên cứu về mối quan hệ giữa hoạt động thể chất, thời gian tĩnh tại và nguy cơ mắc ung thư vú đều là những nghiên cứu quan sát. Do đó, thay vì chỉ ra một mối quan hệ nhân quả giữa các vấn đề trên thì chúng chỉ có thể chỉ ra những mối tương quan nhất định. Và điều này có thể dẫn tới những sai lệch trong kết quả.

Để khắc phục hạn chế này, một nghiên cứu mới được thực hiện gần đây đã tiến hành tổng hợp dữ liệu từ 76 nghiên cứu từng được thực hiện trước đó. Từ đó xem xét liệu có tồn tại một mối quan hệ nhân quả giữa vấn đề hoạt động thể chất với nguy cơ mắc ung thư vú. Nghiên cứu cụ thể được công bố trên Tạp chí Y học Thể thao Anh.

Kết quả phân tích cho thấy, tăng cường hoạt động thể chất và giảm thời gian tĩnh tại có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.

Theo Tiến sĩ I-Min Lee đến từ Trường Y Harvard, những phát hiện của nghiên cứu này bổ sung thêm bằng chứng cho các khuyến nghị hiện tại về lợi ích mà hoạt động thể chất mang lại cho sức khỏe. Chẳng hạn có thể kể đến chính là việc làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.

Còn Tác giả của nghiên cứu - Tiến sĩ Brigid Lynch thuộc Hội đồng Ung thư Victoria thì cho rằng, kể cả khi hoạt động thể chất chỉ được gia tăng một cách khiêm tốn, điều này cũng sẽ làm giảm số trường hợp ung thư vú được chẩn đoán mới mỗi năm.

Hoạt động nhiều hơn giúp làm giảm nguy cơ mắc ung thư vú - Ảnh 1.

Ung thư vú là một trong các bệnh lý ung thư thường gặp nhất - Ảnh: Internet

Đọc thêm: 

Cảnh giác với bệnh ung thư vú ở phụ nữ trẻ

Uống thứ này mỗi ngày có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú

1. Nghiên cứu mới về hoạt động thể chất và ung thư vú

Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu của 130.957 phụ nữ Châu Âu từ nguồn dữ liệu của Hiệp hội Ung thư vú. Trong đó có 69.838 trường hợp mắc ung thư vú đã di căn, 6667 trường hợp bị ung thư vú chưa di căn và 54.452 trường hợp không mắc ung thư vú.

Sau đó, phương pháp thống kê ngẫu nhiên Mendel đã được sử dụng để xem xét quan hệ giữa nguy cơ ung thư, loại ung thư, yếu tố di truyền với hoạt động thể chất và hành vi tĩnh tại.

Các nhà khoa học phát hiện rằng, nguy cơ mắc bệnh ung thư vú xâm lấn thấp hơn đến 41% khi có mức độ hoạt động thể chất cao liên quan đến di truyền. Mối quan hệ này bất kể giai đoạn, mức độ bệnh, loại khối u và tình trạng mãn kinh của người bệnh.

Những người phụ nữ có mức độ hoạt động thể chất từ 3 ngày trở lên trong một tuần có nguy cơ mắc ung thư vú ở giai đoạn trước và tiền mãn kinh thấp hơn 38% so với những người ít hoạt động thể chất.

Đồng thời, nguy cơ ung thư giai đoạn 3 ở các loại khối u không liên quan đến hormone ở những phụ nữ có thời gian tĩnh tại tăng lên đến 104% so với bình thường. Tuy nhiên, những bằng chứng để chứng minh mối quan hệ này là rất yếu.

2. Mối quan hệ giữa hoạt động, hormone và bệnh ung thư

Tiến sĩ I-Min Lee đã chia sẻ ý kiến của mình về cơ chế của việc hạn chế lối sống tĩnh tại làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Theo bà, hoạt động thể chất nhiều hơn và giảm thời gian tĩnh tại làm giảm tích tụ mô mỡ trong cơ thể, ảnh hưởng tốt đến nồng độ hormone giới tính, cải thiện trao đổi chất, kháng viêm, ... Từ đó giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.

Còn theo Tiến sĩ Brigid Lynch, cơ chế chính giúp hoạt động thể chất làm giảm nguy cơ ung thư vú là thông qua giảm nồng độ hormone steroid sinh dục. Bởi nồng độ estrogen và androgen thấp hơn có được xác định có liên hệ với nguy cơ mắc ung thư vú thấp hơn.

Bà cho biết, những phát hiện trái chiều từ các nghiên cứu đã từng được thực hiện khiến vai trò của thời gian tĩnh tại lên nguy cơ mắc bệnh ung thư vú trở nên ít chắc chắn hơn. Tuy nhiên nghiên cứu mới này đã cho thấy, ngồi trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư vú. Kết quả này giúp tập trung nhiều hơn vào tăng cường hoạt động thể chất và giảm hoạt động tĩnh tại để kiểm soát bệnh ung thư.

Hoạt động nhiều hơn giúp làm giảm nguy cơ mắc ung thư vú - Ảnh 2.

Tăng cường hoạt động thể chất làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú - Ảnh: Internet

3. Những điểm còn hạn chế của nghiên cứu

Nghiên cứu mới đã đạt được một số thành tựu, chỉ ra mối quan hệ nhân quả giữa mức độ hoạt động thể chất với nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Nhưng vẫn có những điểm còn hạn chế vẫn tồn tại và cần được khắc phục.

Tiến sĩ Brigid Lynch cho biết, tất cả các nghiên cứu đều có những hạn chế nhất định của mình, bao gồm cả phương pháp ngẫu nhiên Mendel. Những công cụ di truyền được sử dụng ước tính rằng có sự biến đổi nhỏ của hoạt động thể chất trong thực tế. Tuy nhiên, sự chênh lệch yếu này được mong đợi rằng không làm ảnh hưởng đến kết quả.

Theo bà, kết quả của nghiên cứu ngẫu nhiên Mendel này tương tự với báo cáo của các nghiên cứu quan sát khác, hoặc thậm chí có thể là mạnh hơn. Do đó có thể tin tưởng rằng tồn tại một mối quan hệ nhân quả giữa hoạt động thể chất và bệnh ung thư vú.

Tiến sĩ I-Min Lee bổ sung thêm, nghiên cứu này mới chỉ đề cập đến một số lượng nhỏ các gen có liên quan đến vấn đề hoạt động thể chất và hành vi tĩnh tại. Trong khi đó vẫn còn có rất nhiều các gen khác chưa được đề cập đến. Đây là một điểm còn hạn chế của nghiên cứu.

Nhưng bà không phủ nhận kết quả của nghiên cứu này.Thậm chí những phát hiện có thể còn có thể phong phú hơn nếu có sự hiểu biết rõ ràng hơn nữa về gen.

Nguồn dịch: Breast cancer: Less sitting, more physical activity may lower risk


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn