'Học bổng yêu thương' của các anh chị họ

09:10 | 17/03/2018;
Sau này khi đã tốt nghiệp và có một công việc ổn định, nghĩ lại những ngày đó, tôi thấy mình thật may mắn nhận được khoản "học bổng yêu thương" đúng lúc.
Trước đây, nhà tôi rất nghèo. Bố tôi là lao động tự do nên công việc chẳng mấy khi ổn định, còn mẹ tôi có tiền sử bệnh tâm thần phân liệt. Bệnh của mẹ tôi khởi phát năm mẹ 21 tuổi và càng ngày, tần suất tái phát bệnh càng dày hơn.

Những lúc khỏe mạnh, mẹ là một người phụ nữ tuyệt vời. Mẹ chăm sóc chồng con rất khéo, mẹ làm ruộng cũng rất giỏi. Thế nhưng mỗi khi phát bệnh, mẹ dường như biến thành một người khác, hoàn toàn không kiểm soát được hành vi của mình.

anh12.jpg
Ảnh minh họa

Bình thường, mẹ yêu thương chồng con là thế song những lúc bệnh, mẹ có thể lao vào đánh đấm bố con tôi túi bụi hoặc quát tháo, la hét om sòm. Mẹ cũng có khi đem những tấm ảnh kỷ niệm của gia đình tôi ra xé nát hay lấy kéo cắt vụn. Để rồi sau khi “tỉnh” lại, mẹ ôm mặt khóc nấc.

Hồi anh em tôi còn nhỏ, mỗi lần mẹ tôi phát bệnh là bố lại bế lần lượt 3 anh em lên xe đạp để chở về quê ngoại gửi. Vì chưa hiểu chuyện nên mỗi lần thấy bố dựng chiếc xe thồ cũ và chất đồ lên đó, anh em tôi lại háo hức vui mừng nghĩ rằng mình sắp được đi chơi xa. Nhưng kỳ thực đó là những cuộc “di tản” bất đắc dĩ.

Tôi vẫn còn nhớ như in vẻ mặt đượm buồn của bố mỗi lần vẫy tay tạm biệt anh em tôi. Sau này, khi chúng tôi đi học, bố chẳng thể gửi anh em tôi ở nơi yên bình đó nữa vì quê ngoại quá xa. Vậy là chúng tôi sang ở nhờ nhà ông nội, sát vách với nhà tôi.

Mỗi lần mẹ tôi phát bệnh, mọi người ở quê ngoại đều lên thăm. Ai cũng buồn, cũng thương nhà tôi. Đó là những cuộc ghé thăm nhiều nước mắt nhất mà tôi từng biết. Trước khi về, mỗi người đều dúi vào tay bố tôi vài đồng để thêm vào chi phí thuốc men cho mẹ. Những lần như thế, gia đình tôi sống bằng sự hỗ trợ mọi mặt từ quê ngoại.

Đến khi anh em tôi nhận thức được mọi việc, chúng tôi không làm những “cánh chim di trú” nữa mà tình nguyện cùng bố mẹ chống chọi với bệnh tật. Vài năm một lần, gia đình tôi lại co cụm trong ba gian nhà ọp ẹp nghe tiếng mẹ la hét, để dỗ dành mẹ, để trấn an mẹ và để ru mẹ vào những giấc ngủ say.

Năm tôi thì đỗ vào cấp 3, cả họ nội khuyên tôi nên nghỉ học. Vì, thứ nhất là nhà tôi nghèo nên việc học của tôi sẽ thành gánh nặng, thứ hai là con gái làng tôi, học xong lớp 9 đều đi làm công nhân kiếm tiền chứ hiếm người học cấp 3. Nhưng bố mẹ nhất quyết cho tôi đi học.

Rồi tôi thi đỗ đại học, lại thêm một cuộc đấu trí giữa việc tiếp tục học hay dừng lại để đi làm công nhân. Cuối cùng tôi vẫn nhập trường. Tôi học đến năm thứ ba thì mẹ lại phát bệnh. Lần này mẹ phát bệnh khá nặng. Bố và anh trai tôi phải nghỉ việc để ở nhà trông mẹ.

Nhà đã nghèo lại không ai làm ra tiền, vì vậy tôi không muốn xin thêm một đồng nào cho việc học của mình nữa. Tôi ra sức làm thêm, vẫn chẳng đủ chi phí ăn ở học hành, cộng với nỗi lo về mẹ, tôi thực sự muốn bỏ học. Biết được suy nghĩ của tôi, hàng tháng, anh chị họ đều góp tiền cho tôi ăn học.

Lúc đầu tôi ngại nên từ chối nhưng bằng mọi lý lẽ, anh chị đã thuyết phục tôi nhận nó và gọi đó là “học bổng” của yêu thương. Tôi tự dặn mình phải nỗ lực học hành. Thế là mỗi kỳ tôi đều đạt được học bổng của nhà trường, cộng với khoản tiền nho nhỏ từ việc làm thêm, tôi không những trang trải được chi phí cho việc học mà còn có chút tiền gửi về cho bố mẹ.

Sau này khi đã tốt nghiệp và có một công việc ổn định, nghĩ lại những ngày đó, tôi thấy mình thật may mắn nhận được khoản học bổng yêu thương đúng lúc.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn