Tôi nhớ có một lần, Ana, cô con gái 2 tuổi của tôi, bị sốt cao lúc giữa đêm. Tôi và Don, chồng tôi, đã cho bé uống thuốc hạ sốt và đặt bé nằm ngủ cùng chúng tôi. Bỗng nửa tiếng sau, bé thức dậy và bắt đầu gào khóc bấn loạn. Tôi cảm thấy bối rối và hốt hoảng thật sự. Không làm chủ được mình, tôi hét to lên giục Don chạy đi lấy nhiệt kế trong phòng tắm, dù anh ấy ở ngay bên cạnh và phòng tắm chỉ cách chúng tôi có 5 bước chân! Trái với mong đợi của tôi, Don từ tốn đi vào nhà tắm và khi quay trở lại, anh điềm tĩnh đo nhiệt độ của con bé. Nhiệt độ không tăng, thật là may mắn! Nhưng tôi lại tức điên lên vì thái độ của anh ấy.
Đợi con ngủ yên trở lại, tôi liền lớn tiếng với Don: "Em không hiểu sao anh lại chậm chạp đến như vậy. Đây là trường hợp khẩn cấp! Anh không thể nhanh hơn khi mà sự an toàn của con gái anh phụ thuộc vào điều đó sao?". Im lặng một lúc, anh ấy trả lời: "Con đang bị kích động còn em thì lại hoảng hốt. Điều tốt nhất mà anh có thể làm là càng bình tĩnh càng tốt. Nếu chạy thì anh cũng không thể lấy cái nhiệt kế nhanh hơn bao nhiêu, mà trái lại còn làm cho mọi người lo lắng thêm. Trong khi thời gian anh đi lấy nhiệt kế lúc này cũng chưa tới một phút".
Tôi nhìn anh. Anh điềm tĩnh nhìn thẳng vào mắt tôi. Còn tôi, tim đập mạnh, người toát mồ hôi và rồi tôi bật khóc nức nở. Mỉa mai thay, một điều hiển nhiên như vậy mà ngay cả đối với một chuyên gia về lòng kiên nhẫn như tôi lại không thể thực hiện được. Với trạng thái bị kích động như của tôi lúc đó, thì rõ ràng giữa hai chúng tôi, Don là người được trang bị tốt hơn nhiều để đương đầu với những tình huống khẩn cấp. Hồi còn tham gia Hội Chữ thập đỏ, tôi cũng đã được dạy cách giữ bình tĩnh thay vì hoảng loạn và làm mọi thứ rối tung lên khi phải xử lý những tai nạn máu me! Nếu không thì cảm giác có thể lấn át lý trí của bạn, nhất là khi bạn cần phải ra một quyết định sáng suốt.
Lúc đó, nếu tôi giữ bình tĩnh và không bị rơi vào trạng thái hoảng hốt, thì tôi đã có thể giúp Ana được nhiều hơn, có thể đưa ra những quyết định chính xác hơn như đưa bé đến bệnh viện hay dỗ cho bé ngủ lại. Thay vì đợi 60 giây để biết một sự thật là nhiệt độ của bé không tăng, tôi đã tự nghĩ ra những tình huống khủng khiếp và bắt đầu cơn khủng hoảng của mình.
Điềm tĩnh giúp chúng ta đưa ra những quyết định đúng đắn hơn vì nó giữ cho óc phán đoán của chúng ta không bị chi phối bởi sự hoảng sợ. Phần cuối bộ phim nổi tiếng "Amelie" có một cảnh hài hước, đó là khi nhân vật nữ chính cuối cùng cũng tìm được người đàn ông mà cô yêu, cô đã gửi cho anh một mẩu tin, hẹn gặp anh tại một địa điểm cụ thể. Nhưng anh đã không đến. Amelie liền nghĩ ra hai giả thuyết, một là, anh đã không nhận được tin nhắn của cô, hai là, anh bị tai nạn xe hơi, hoặc bị bắn, bị bắt cóc và gửi sang Afghanistan và cuối cùng là cô đơn trên một đỉnh núi nào đó. Đó thực sự là khoảnh khắc đáng sợ! Trong lúc chờ đợi, chúng ta có thể tưởng tượng ra mọi chuyện khủng khiếp. Người ta thường tự mình làm cho tình thế trở nên căng thẳng khi tưởng tượng ra những hình huống thảm khốc và cũng vì thế làm hạn chế khả năng đưa ra một quyết định đúng đắn.
Điềm tĩnh suy nghĩ, ta sẽ nhận thấy cuộc sống luôn tồn tại hai mặt: Tích cực và tiêu cực. Tương tự, khi điều gì đó xảy ra thì đều tồn tại hai khả năng: Hoặc là tốt hoặc là xấu. Nhưng dù thế nào, trước sau gì ta cũng phải đối diện với nó. Buồn phiền, lo lắng, than trách chỉ làm tình hình tồi tệ thêm mà thôi. Tôi muốn khuyên bạn hãy làm như Mark Twain: "Điều tồi tệ nhất trong cuộc đời của tôi chưa bao giờ đến". Thật vậy, bất cứ khó khăn, thử thách nào cũng có giải pháp của nó.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn