Học cách kiềm chế cảm xúc xấu

14:35 | 05/01/2024;
Biết cách kiềm chế những cơn cáu giận sẽ giúp chúng ta thực hành chế ngự cảm xúc xấu, mang lại sự bình yên trong thân tâm. Sau đây là một số cách mà bạn có thể tham khảo.

Hình thành nếp nghĩ: Cáu giận là xấu

Khi chúng ta cáu giận, những người xung quanh chẳng ai muốn lại gần chúng ta. Điều đó càng khiến chúng ta trở nên cô đơn, cau có hơn. Nếu chúng ta luôn ghi nhớ mà mặc định "cáu giận là xấu xí" thì chúng ta sẽ cố gắng để giữ cho mình không phạm phải điều xấu này.

Không thù hận, ác cảm

Trong tâm ta mang thù hận hay ác cảm với ai đó, không những làm tiêu hao năng lượng và thời gian mà còn làm vẩn đục tư tưởng, đẩy ta xuống mức thấp nhất của cảm xúc tiêu cực. Khi ta thù hận, ác cảm với người khác, trong tâm hồn ta sẽ luôn cảm thấy khó chịu, căng thẳng, suy nghĩ theo chiều hướng tiêu cực. Những cảm xúc xấu của ta chưa chắc đã làm ảnh hưởng đến đối tượng mà chúng ta thù ghét, ác cảm mà lại làm ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý của ta và gây phiền toái cho những người thân xung quanh ta. Vì thế, nếu không thích, bất bình trước ai đó thì hãy thẳng thắn phê bình, góp ý để cùng dung hòa, thay đổi; nếu thù hận ai đó thì cố gắng bỏ qua, tha thứ để tâm hồn ta cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái.

Đối diện với khó khăn, đối thoại với đối thủ

Điều đã đến thì không thể thay đổi. Vì thế, nếu biết rằng ta sẽ gặp nhiều khó khăn và thử thách trong thời gian tới, thay vì trốn tránh hãy dũng cảm đối diện. Chỉ có đối diện mới cho chúng ta nghị lực để vượt qua khó khăn; còn trốn tránh sẽ khiến chúng ta chùn bước, thiếu ý chí, lòng quyết tâm. Trong những trường hợp phải đối đầu, hãy bình tĩnh tranh luận/đối thoại, làm chủ cảm xúc của mình. Sự uyển chuyển, khéo léo, sáng suốt và thông minh khi đối thoại sẽ giúp chúng ta chiến thắng.

Xử trí điềm đạm trong mọi tình huống

Tục ngữ Việt Nam có câu "cả giận mất khôn", việc mất bình tĩnh có thể làm ta dễ nổi cáu, cãi nhau, thậm chí đánh nhau với người khác. Vì vậy, khi gặp những thử thách, khó khăn, ta hãy suy nghĩ để tìm cách giải quyết những khó khăn đó. Đặc biệt, cần tỉnh táo để nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện. Đừng bao giờ chỉ nhìn nhận vấn đề theo một hướng, để rồi bạn sẽ chỉ nhận thấy sai lầm ở người khác mà không nhận ra những hạn chế ở chính mình.

5 cách thực hành kiềm chế cảm xúc xấu

- Thường xuyên chia sẻ những cảm xúc của bạn với người bạn thực sự tin tưởng (bố, mẹ, bạn thân, chuyên gia tâm lý…).

- Tập thể dục thường xuyên làm tăng sức lực cho cơ thể và hỗ trợ não bộ tập trung, giúp kiểm soát được cơn nóng giận; đồng thời làm giảm nguy cơ hành động, lời nói, cử chỉ quá mức bình thường.

- Nếu là người mau nước mắt, dễ bộc lộ cảm xúc thì hãy nghĩ đến những câu chuyện hài hước, chuyện vui ta đã từng trải qua; hoặc có thế uống một cái gì đó thật lạnh, ăn một món mình thích, nghe một bài hát, một bản nhạc sôi động… sẽ giúp kiềm chế cảm xúc tốt hơn.

- Thiền định: Stress và lo lắng là nguyên nhân của sự tức giận, thiền định có thể giúp bạn giảm những điều này một cách tối đa.

- Viết nhật ký cũng là cách hay để chúng ta kiềm chế cảm xúc. Nhật ký cá nhân chỉ có ta và trang giấy chứa đựng cảm xúc của ta, nên chẳng việc gì ta phải giữ kẽ, giấu giếm. Đây là nơi tuyệt vời để chúng ta giải thoát các cảm xúc tiêu cực mà không làm tổn thương bất cứ ai. Viết, đọc nhật ký cũng là chúng ta đang đọc và lắng nghe tiếng nói bên trong tâm thức ta, từ đó thấu hiểu và nhận biết sâu sắc hơn nội tâm của chúng ta.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn