Học cách 'nhóm lửa'

15:56 | 26/10/2015;
Khổ cùng chịu, sướng cùng hưởng, đó là nền tảng gia đình mà tôi mong muốn. Đừng hỏi vì sao chúng tôi lấy nhau hơn 10 năm rồi mà vẫn háo hức đi hưởng tuần trăng mật mỗi năm 1 lần.
Nhiều người thắc mắc về chuyện tôi chả sắc nước hương trời gì mà lại chồng vẫn cưng chiều như bà hoàng. Có kẻ ác khẩu còn nói tôi bỏ bùa mới giữ được một ông chồng đẹp trai lâu như thế bên cạnh mình.

Họ ngạc nhiên về tôi, cũng như tôi ngạc nhiên về họ vậy. Tôi không thể hiểu tại sao họ lại coi cuộc sống bất bình đẳng của họ là chuyện bình thường, còn sự bình đẳng giữa vợ chồng tôi là chuyện bất thường? Những người tin “hôn nhân là nấm mồ của tình yêu” luôn hỏi tôi bí quyết để giữ lửa hôn nhân. Tôi chỉ có một câu trả lời cho tất cả những thắc mắc ấy, rằng: Anh/chị từng “nhóm lửa” hôn nhân chưa, mà đòi giữ lửa?

Tôi có một gia đình đáng mơ ước như ngày hôm nay, bởi ngay khi bước chân vào cuộc sống vợ chồng, tôi đã học nhóm lên một ngọn lửa. Tôi luôn được mẹ dặn về khi về nhà chồng phải làm thế này, thế kia để chứng tỏ mình là vợ hiền, dâu thảo. Mẹ dặn nhiều đến mức tôi không tài nào nhớ hết, chỉ nhớ một kết luận: Thấy việc gì cũng giành lấy để làm thì sẽ nhanh chóng được lòng nhà chồng. Miệng vâng dạ nhưng trong lòng tôi nghĩ khác.

Sự ám ảnh lớn nhất của tôi hơn 20 năm qua chính là những giọt mồ hôi và nước mắt của bà ngoại và mẹ. Chúng rơi xuống lặng thầm, cam chịu. Không có bàn tay đàn ông nào đưa xoa dịu và lau chúng. Bà và mẹ và có lẽ là cả cụ kị của tôi nữa, chẳng ai than phiền về việc phụ nữ phải ăn cơm dưới bếp.

Nhưng ngay từ bé, tôi đã khát khao một cuộc sống khác. Tôi thích được cùng ngồi ăn cơm, chia sẻ việc nhà với chồng, con và cùng anh ấy nắm tay đi tới những nơi gia đình tôi thích. Vì vậy, tôi không tin vào chuyện xây dựng hạnh phúc trên nền tảng hy sinh vô điều kiện. Tôi không cãi mẹ nhưng tôi đã làm khác cách mà mẹ làm.

Một câu hỏi của tôi ngay khi bắt đầu cuộc sống hôn nhân: “Anh thử bỏ cái điều khiển tivi ra và cùng em làm nốt việc nhà, sau đó cả hai sẽ xem phim, có được không?”. Trong lúc chồng vẫn đang nhìn thì tôi đặt ngay vào tay anh cái chổi lau nhà: “Anh biết em ngán nhất món gì ở nhà em không? Là món “chân giò gác bàn” của bố! Bố thường trách mẹ không biết thời cuộc diễn ra như thế nào, cũng bởi mẹ không bao giờ có thời gian rảnh để xem chương trình thời sự”. Chồng tôi cười rồi đứng dậy hăng hái giúp tôi lau nhà.

“Đừng bắt anh phải xem kiểu phim lúc nào cũng được giải quyết bằng bệnh ung thư thế này!”, chồng tôi kêu lên khi tôi chuyển kênh phim HBO yêu thích của anh để xem phim Hàn Quốc. “Anh chịu đựng một hôm xem phim dở đến cỡ nào mà hàng triệu người phải rơi lệ thế. Mai em “chịu trận” xem phim hành động cùng anh”, vừa cười, tôi vừa thả vào tay anh ít hạt hướng dương để anh ăn cho đỡ buồn ngủ. Buổi tối xem phim kết thúc trong yên bình, vui vẻ.

Ngay sau ngày cưới, lần đầu tiên tôi nấu bữa sáng cho chồng. Nước mắt tôi giàn dụa khi đã cố ăn thử miếng ớt gắp từ bát mỳ của chồng tôi. Lấy khăn cho vợ, anh mắng yêu: “Vợ thật là, đã yếu còn đòi ra gió”. Còn tôi thì khẽ khàng giải thích: “Em muốn yêu chồng mình bằng việc cảm nhận được hết những gì anh thích”.

Mẹ chồng đã dặn tôi: “Chồng con rất ghét các món tanh, đặc biệt là cá biển, con tránh món đó nhé!”. Sau tuần trăng mật trở về, mẹ chồng tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy con trai bà ăn món cá biển ngon lành. Anh còn tập dần những món ăn truyền thống của quê tôi mà tôi nấu, như cách tôi “thử nghiệm” món ớt trong bát mỳ của anh vậy. 


Khổ cùng chịu, sướng cùng hưởng, đó là nền tảng gia đình mà tôi mong muốn. Đừng hỏi vì sao chúng tôi lấy nhau hơn 10 năm rồi mà vẫn háo hức đi hưởng tuần trăng mật mỗi năm 1 lần.


Chúc mừng bạn, nếu như ngày mai bạn bước lên xe hoa. Tôi tin là thay vì hỏi tôi, bạn sẽ tự biết mình phải làm gì để bước vào cuộc sống mới một cách vui vẻ và hạnh phúc.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn