Tạo môi trường cho con phát huy khả năng thực sự của mình

20:21 | 10/08/2020;
Cho con kiếm sống theo sở trường hay bắt con học có bằng cấp? Đó vẫn là vấn đề gây tranh cãi của không ít bậc phụ huynh. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, cuộc đua điểm số vẫn đang phổ biến ở nhiều gia đình, bởi quan điểm địa vị xã hội gắn với bằng cấp vẫn khó xóa bỏ.

Anh Mạnh Hùng (Q.Ba Đình, Hà Nội) cho biết, vợ chồng anh đang bất nhất trong quan điểm nuôi dạy con, đặc biệt là việc định hướng nghề nghiệp cho con đang bị "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược". Anh Hùng kể: "Tôi có bằng tiến sĩ, vợ tôi thạc sĩ nhưng cô ấy lại cho rằng con không cần phải có bằng cấp cao mới tốt. Tôi thì muốn các con phải học giỏi, thi trường tốt, có bằng cấp, cho nên đứa lớn nhà tôi được cho đi học thêm, thi thố các kiểu, cháu ham học, học giỏi.

Đứa bé nhà tôi năm nay lớp 5 thôi nhưng từ nhỏ đã không thích học, bài vở chỉ làm cho có. Tuy cháu cũng thông minh, năm nào cũng học sinh khá giỏi nhưng lại không thích học thêm bất cứ cái gì, chỉ thích chơi. Khi tôi nói vợ bắt con đi học thêm thì vợ tôi phản đối. Cô ấy bảo thế này: "Đứa nào thích học, ham học thì cho học, đứa nào không thích thì học hết cấp 3 sẽ cho học nghề. Con mình không thích học nhưng lại rất nhanh nhẹn, giỏi giao tiếp, lại thích mỹ phẩm, bé tí mà đã biết trang điểm cho chị, như vậy sau này sẽ dành khoản tiền đầu tư học hành ấy cho con mở shop mỹ phẩm, theo đam mê và năng khiếu của nó".

Cô ấy không cho con đi học thêm nhưng lại hay mua cho con son, nước hoa, túi xách nhỏ, rồi còn sắm nguyên cái tủ đựng mấy thứ đồ đó. Còn con bé mặc dù chưa được dùng son phấn nhưng nó rất thích bày ra, rồi tự lên mạng tìm hiểu các hãng mỹ phẩm, giá cả, công dụng, xem clip trang điểm nữa.

Tôi rất lo lắng chẳng biết con đường mà vợ tôi chọn cho con có đúng không. Theo quan điểm của tôi thì cứ có bằng cấp cái đã, sau muốn làm gì thì làm. Vợ tôi lại bảo học mà không làm, làm mà không đúng đam mê, thì chỉ lãng phí tiền bạc, công sức mà cuộc sống cũng chẳng vui vẻ gì".

Học cách tạo môi trường cho con phát huy khả năng thực sự của mình - Ảnh 1.

Con hứng thú khám phá thiên nhiên (Ảnh minh hoạ)

Băn khoăn của anh Hùng không phải là hiếm bởi cho đến nay, cuộc đua vào các trường chuyên và các trường đại học lớn vẫn đang nóng từng ngày. Nhiều ông bố bà mẹ tuy có tư tưởng thông thoáng nhưng khi thấy "hàng xóm" cho con học này học nọ lại trở nên hoang mang, tự hỏi con mình nếu không học thì liệu có bị xã hội "bỏ lại phía sau" không?

Chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn Thị Kim Liên - Công ty Hạnh phúc cộng đồng (Happycomm) - cho rằng, câu chuyện trên cho thấy quan điểm của cả hai vợ chồng anh Hùng đều đúng và tuy có khác nhau nhưng cùng hướng tới tương lai của con cái, đặc biệt là sự thấu hiểu và theo sát con cái của bố mẹ.

Chuyên gia Kim Liên cũng đưa ra ý kiến, việc học vẫn phải luôn được khuyến khích để tạo cốt nền căn bản giúp các con có nền tảng để tiếp nhận thông tin và kiến thức dễ dàng hơn. Suy nghĩ và cách giáo dục của nhiều gia đình và một bộ phận trong xã hội ngày nay khiến con trẻ cảm thấy chỉ cần học giỏi là đủ. Đó là sự ích kỷ tai hại mà xu hướng giáo dục đã tạo ra cho các thế hệ con cái của mình qua bao năm qua. Hầu hết các bậc phụ huynh thường lấy quyền làm cha mẹ yêu cầu các con làm theo ý mình và theo định hướng của mình. Biết bao đứa con đáng thương bị cha mẹ bắt tham gia các cuộc đua làm thiên tài từ bé và trong suốt quá trình học phổ thông của chúng. Lớn lên, chúng cũng không thực sự hạnh phúc mà rơi vào trạng thái nửa vời trong mọi việc.

"Trong thực tế, vấn đề nào cũng có hai mặt. Hãy tạo môi trường định hướng cho con phát triển trên những mặt mạnh và lợi thế của mình, để trẻ phát huy hết giá trị và cảm nhận ý nghĩa cuộc sống là điều nên làm. Các cặp vợ chồng hãy trao đổi cùng nhau và tìm ra điểm mạnh của con mình, tạo môi trường phù hợp nhất cho sự phát triển của trẻ. Phụ huynh tỉnh táo và điềm tĩnh sẽ biết cách lựa chọn những gì phù hợp nhất với con mình", chuyên gia Kim Liên đưa ra lời khuyên.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn