Những dấu hiệu nhận biết:
- Thường xuyên làm việc ngoài giờ;
- Luôn cảm thấy làm không đủ, ngay cả khi bạn hoàn thành công việc nhiều hơn số lượng được giao;
- Chỉ muốn hoàn thành các công việc có mục tiêu cụ thể;
- Không dành nhiều thời gian cho bản thân;
- Thường xuyên lo lắng và bị trầm cảm;
- Rơi vào tình trạng kiệt sức.
Áp lực công việc và các suy nghĩ tiêu cực dễ dẫn đến năng suất làm việc không cao và gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của người lao động. Khi phải làm việc trong môi trường cạnh tranh, nhiều khó khăn, sợ bị sa thải, họ luôn ở trong trạng thái căng thẳng và hay cáu gắt.
Bên cạnh đó, việc mang những tâm trạng xấu về nhà có thể gây ra các ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khoẻ của bản thân. Đau đầu, mất ngủ, đau lưng, đau mắt, suy giảm thể chất, thiếu dinh dưỡng là các triệu chứng bệnh phổ biển và dễ nhận thấy nhất.
Không nên để bản thân rơi vào tình trạng "năng suất độc hại" bởi những nguy hiểm vừa kể trên. Dưới đây là những cách để vượt qua tình trạng này.
Tập trung vào những điều quan trọng: Bạn hãy lập bảng kế hoạch các việc cần làm và xác định mức độ quan trọng của từng loại công việc. Điều này sẽ giúp bạn dễ dàng sắp xếp công việc và hoàn thành đúng tiến độ, không cần lúc nào cũng ở trong trạng thái khẩn cấp.
Xây dựng khung thời gian làm việc: Thời gian trong một ngày của mỗi người là như nhau. Nhưng nếu bạn biết cách phân bổ thời gian làm việc phù hợp thì một điều chắc chắn là hiệu quả công việc sẽ cao hơn. Một số cách để sắp xếp thời gian làm việc như lập thời gian biểu rõ ràng, thực hiện công việc quan trọng nhất vào buổi sáng, không dành nhiều thời gian để lướt mạng xã hội…
Xây dựng mục tiêu dựa vào thực tế: Việc có quá nhiều kỳ vọng và mục tiêu phi thực tế sẽ dẫn đến tình trạng "năng suất độc hại". Nó sẽ khiến bạn cảm thấy áp lực nếu tốc độ hoàn thành công việc tụt lại phía sau. Do đó, hãy đặt các mục tiêu mà bạn có thể hoàn thành được một cách hợp lí trong một khoảng thời gian nhất định.
Dành thời gian thư giãn: Khoa học đã chứng minh, một trong những cách tốt nhất để đạt được năng suất làm việc lâu dài là có những khoảng nghỉ giải lao trong giờ làm việc. Sau đó, bạn sẽ có khả năng tập trung và sáng tạo tốt hơn.
Học cách đối diện với nỗi sợ: Một số ví dụ điển hình về nỗi sợ như sợ thất bại, so sánh bản thân với đồng nghiệp hay căng thẳng về các vấn đề liên quan đến cá nhân và gia đình…
Để có thể khắc phục được tình trạng này, trước tiên, bạn phải xác định được những suy nghĩ, cảm xúc của bản thân mình là gì. Điều này không thể làm giảm nỗi sợ hãi trong con người bạn. Nhưng đây là cách tốt nhất để đối diện, kiểm soát và điều chỉnh nỗi sợ.
Hạn chế sử dụng mạng xã hội: Mạng xã hội được ví như một con dao hai lưỡi. Bên cạnh việc giúp bạn giải trí sau giờ làm việc thì đây cũng là nơi mà bạn nhận được các thông báo liên quan đến công việc, nhiệm vụ mà bạn không thể bỏ qua ngay cả khi đang nghỉ lễ.
Sau đây là một số biện pháp giúp bạn có thể hạn chế sử dụng mạng xã hội: Bật chế độ không làm phiền, chế độ rung, chế độ máy bay hoặc tắt thông báo các ứng dụng trong điện thoại; cất điện thoại vào túi hoặc ngăn kéo bàn làm việc; làm việc ở những nơi không trang bị nhiều thiết bị công nghệ…
Chăm sóc bản thân: Có thể nói chăm sóc bản thân là kim chỉ nam hướng chúng ta đến một cuộc sống cân bằng và hạnh phúc. Và theo các chuyên gia tâm lý, việc này nên được thực hiện như một thói quen hàng ngày.
Bạn có thể chăm sóc bản thân bằng bất kỳ hoạt động nào mang đến cho bạn sự nuôi dưỡng, thư giãn và thoải mái. Đó có thể là du lịch, bơi lội, đi bộ đường dài, thiền định, dành thời gian cho gia đình và bạn bè, tập thể dục, ngủ đủ giấc, ăn thực phẩm bổ dưỡng, đọc sách, trồng cây hoặc nấu ăn…
"Hôm nay tôi không muốn làm gì cả": Thay vì cố gắng làm nhiều việc nhất có thể, đôi lúc bạn cũng cần lên lịch để "không phải làm gì". Hãy dành một ít thời gian mỗi ngày để cách ly khỏi thiết bị thông minh, "detox" tâm trí và dành cho mình một khoảng lặng.
Học cách "tắt công tắc" khi cảm thấy quá tải, bạn sẽ thấy tâm trí nhẹ nhàng hơn và giúp khơi dậy nguồn cảm hứng khi quay trở lại làm việc.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn