Ranh giới là một giới hạn cá nhân nhằm bảo vệ bạn. Nó cũng xác định mức độ bạn cho phép người khác bước vào cuộc sống của mình và mức độ bạn mở rộng ý thức về bản thân khi nói đến các mối quan hệ. Thiết lập ranh giới cá nhân là điều quan trọng đối với sức khỏe tinh thần và cảm xúc của bạn.
Mọi mối quan hệ đều cần một không gian riêng cho phép bạn là chính mình và bảo vệ giá trị của bản thân. Tuy nhiên, thường thì một số người có thể xâm phạm không gian cá nhân của bạn và đẩy bạn đến giới hạn của mình. Những người này tin rằng họ có quyền làm như vậy và nhu cầu của họ quan trọng hơn nhiều so với nhu cầu cảu bạn.
Ranh giới của bạn thể hiện danh tính, giới hạn, giá trị, nguyên tắc và kỳ vọng mà bạn đã phát triển để bảo vệ bản thân không chỉ về thể chất mà còn cả tinh thần, cảm xúc. Những ranh giới lành mạnh cho phép chúng ta trở thành con người thật nhất của mình. Đó cũng là một hình thức giao tiếp nhằm xác định bạn là ai, bạn ủng hộ điều gì và bạn sẽ hoặc không chấp nhận điều gì.
Ranh giới lành mạnh giúp bạn xác định niềm tin, giá trị và giới hạn cá nhân của mình. Đó là một biên giới bất khả chiến bại, nơi những người khác không được phép vào mà không có sự cho phép của bạn. Ranh giới này bảo vệ sức khỏe tinh thần và cảm xúc của bạn, đồng thời đảm bảo rằng cá nhân bạn không bị ảnh hưởng bởi hành động hay cảm xúc của người khác. Ranh giới lành mạnh cũng thông báo cho người khác về mức độ họ có thể tiếp cận bạn hoặc cách họ có thể đối xử với bạn. Nó mang lại cho bạn cảm giác kiểm soát được các hành động, cảm xúc, cơ thể và không gian vật lý của chính bạn. Về bản chất, các ranh giới truyền đạt các giới hạn của bạn.
Tôn trọng ranh giới của người khác và thiết lập ranh giới cho chính mình là điều rất quan trọng để có các mối quan hệ lành mạnh cũng như trạng thái tinh thần và cảm xúc ổn định. Tuy nhiên, điều đó thường nói dễ hơn làm.
Cho dù bạn muốn trở nên quyết đoán hơn trong công việc hay thiết lập ranh giới lành mạnh với vợ/chồng hoặc các thành viên trong gia đình, bạn phải đặt ra các quy tắc lành mạnh và truyền đạt nó.
Trong cuộc sống, chúng ta có thể chọn đặt ranh giới cho những điều sau:
- Không gian cá nhân của tôi
- Suy nghĩ của tôi
- Cảm xúc của tôi
- Nhu cầu tình cảm của tôi
- Của cải vật chất của tôi
- Thời gian, công sức và năng lượng của tôi
- Niềm tin, đạo đức, văn hóa, chính trị và tôn giáo của tôi
Trước khi thiết lập ranh giới cá nhân, bạn cần xác định chính xác những gì bạn muốn bảo vệ nhất và thiết lập các ưu tiên của mình. Mặc dù bạn cần đặt ra những ranh giới lành mạnh cho mọi khía cạnh trong cuộc sống của mình, nhưng việc sắp xếp thứ tự ưu tiên cho chúng sẽ giúp bạn xác định đâu là nơi bạn muốn nghiêm khắc và đâu là nơi bạn có thể linh hoạt.
- Ranh giới tinh thần: Bao gồm kiến thức, trí tuệ, suy nghĩ, nguyên tắc và giá trị của bạn. Những điều này thường khó giải thích hoặc làm rõ cho người khác vì chúng vô hình.
- Ranh giới tình cảm: Bao gồm cảm xúc, tình cảm, phản ứng, phản hồi và tinh thần của bạn. Đây cũng là những thứ vô hình và cần được cảm nhận thay vì được xác định.
- Ranh giới vật lý: Bao gồm cơ thể vật lý của bạn và mức độ người khác được phép tiếp xúc với bạn thông qua việc bắt tay, đụng chạm, vuốt ve, ôm, hôn… Đây là những quy tắc thiết lập không gian cá nhân của bạn.
Mỗi ranh giới đều có thể khác nhau với mỗi người vì tất cả chúng ta đều có những trải nghiệm, mối quan hệ và khoảng thời thơ ấu độc đáo, riêng biệt. Ranh giới của mỗi người cũng có thể thay đổi theo thời gian khi bạn có nhiều kinh nghiệm và trải nghiệm hơn trong cuộc sống, trở nên trưởng thành và có những thay đổi trong quan điểm của mình.
Mục đích của việc thiết lập ranh giới lành mạnh là cho phép người khác bước vào cuộc sống của bạn đồng thời yêu cầu họ tôn trọng không gian cá nhân, niềm tin, giá trị và giới hạn của bạn. Bằng cách truyền đạt ranh giới của mình một cách rõ ràng, bạn giúp người khác hiểu cách họ cần đối xử với bạn, điều gì được bạn chấp nhận và cách họ có thể khiến bạn thoải mái khi ở gần bạn hơn.
Một người lạ hoặc một người bạn mới có thể không biết ranh giới cá nhân của bạn và bạn có thể cũng không biết ranh giới của họ. Do đó, truyền đạt các giá trị và niềm tin của bạn là một bước quan trọng để tạo ra các ranh giới lành mạnh. Ranh giới là dấu hiệu của sự tôn trọng và trách nhiệm. Nó cho thấy rằng bạn không chỉ tôn trọng người khác mà còn tôn trọng bản thân, kỹ năng, thời gian và nỗ lực của bạn.
- Bạn hiểu rõ nhu cầu và mong muốn của mình và truyền đạt chúng thành công cho người khác trong các mối quan hệ.
- Bạn từ chối chấp nhận sự thiếu tôn trọng và lạm dụng.
- Bạn thoải mái nói “có” hoặc “không” khi bạn cảm thấy thích và dễ dàng chấp nhận khi người khác nói như vậy với bạn.
- Bạn có trách nhiệm, tận tâm và quyết tâm khám phá cũng như đạt được tiềm năng tối đa của mình.
- Bạn có ý thức mạnh mẽ về lòng tự trọng và bản sắc riêng
- Bạn cảm thấy có trách nhiệm với thành công, thất bại, hạnh phúc và nỗi buồn của chính mình.
- Bạn có thể dễ dàng lựa chọn chia sẻ quyền lực và trách nhiệm.
- Bạn mong đợi các mối quan hệ của mình có đi có lại và hỗ trợ lẫn nhau.
- Bạn không bao giờ thỏa hiệp niềm tin, tính chính trực hoặc giá trị của mình để thu hút sự chú ý hoặc tránh bị từ chối.
- Bạn không gặp vấn đề gì về việc yêu cầu giúp đỡ khi cần thiết.
- Bạn hiểu giới hạn của chính mình và không cho phép người khác xác định giới hạn cho bạn.
- Bạn tôn trọng cảm xúc và ý kiến của chính mình cũng như của người khác.
- Bạn dần dần chia sẻ thông tin thân mật trong một mối quan hệ tin cậy và chia sẻ lẫn nhau.
- Bạn có thể xác định khi nào đó là vấn đề của bạn và khi nào không.
Nếu bạn gặp khó khăn trong việc thiết lập các ranh giới, thì đây là một số bước giúp bạn bắt đầu và xây dựng các ranh giới lành mạnh cho chính mình.
1. Nhận biết về các quyền của bạn
Thiết lập ranh giới là một phần của quyền con người cơ bản của bạn. Khi bạn biết các quyền của mình, bạn sẽ nhận ra rằng nói “không” không phải là một điều sai trái. Quyền của bạn nên được xem xét đầu tiên và quan trọng nhất khi thiết lập ranh giới.
2. Lắng nghe chính mình
Lắng nghe tâm trí, cơ thể, trái tim và linh hồn của bạn. Nếu bạn thấy một người đang vi phạm quyền và không gian cá nhân của bạn, thì bạn cần phải lên tiếng và có lập trường. Mỗi khi bạn cảm thấy không an toàn khi ở gần một số người trong một tình huống cụ thể, hãy cố gắng thoát ra khỏi không gian đó một cách an toàn.
3. Hiểu giá trị của bạn
Việc xác định các giá trị cá nhân của riêng bạn có thể giúp ích đáng kể cho bạn trong việc thiết lập các ranh giới cá nhân. Các giá trị của bạn có thể giúp bạn không bị phân tâm và giúp bạn quyết định loại hành vi nào được chấp nhận hoặc không được chấp nhận.
4. Xác định những gì bạn phải thay đổi
Sau khi bạn đã xác định các quyền và giá trị của mình, hãy xác định những thay đổi cụ thể nào bạn cần thực hiện để duy trì ranh giới của mình. Xác định các ranh giới đang bị vi phạm và thực hiện các bước để truyền đạt những thay đổi mà bạn yêu cầu từ người khác. Bạn có thể yêu cầu họ tôn trọng ranh giới của bạn.
5. Nói về nó
Bất cứ khi nào bạn bước vào một mối quan hệ mới, dù là cá nhân hay nghề nghiệp, điều quan trọng là bạn phải sớm thông báo ranh giới lành mạnh của mình. Thảo luận về ranh giới cá nhân của bạn với người khác một cách tử tế và tôn trọng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn