Học kinh nghiệm mở homestay ấn tượng, hút khách của cô gái 9x

21:50 | 06/04/2019;
Với nhiều lợi thế trong mô hình kinh doanh, ‘làn sóng’ dân công sở bỏ phố về quê mở homestay đang lan rộng. Để mở một homestay cần chuẩn bị những gì? Chia sẻ của cô bạn 9x sau đây khi xây dựng homestay có thể sẽ hữu ích đối với bạn.
Dù đã tìm được một công việc phù hợp tại Hà Nội nhưng luôn mong muốn phát triển tiềm năng du lịch tỉnh Yên Bái, cô gái 9x Hoàng Thị Xới vẫn quyết tâm gom góp số tiền tiết kiệm, về quê hương mình, tại xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên để mở homestay.
 
 
homestay-2.jpg
Như nhiều bạn trẻ khác, Hoàng Thị Xới quyết định thử sức mình với mô hình kinh doanh homestay

 

Chia sẻ với PNVN, Hoàng Thị Xới cho biết, nếu bạn có niềm đam mê và quyết tâm, mở một homestay không quá khó khăn và tốn kém.
 
Hiện nay, có nhiều homestay là một dạng dịch vụ lưu trú, có nhiều mô hình khác nhau, phổ biến nhất là homestay theo kiểu truyền thống, du khách có thể ba cùng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, trải nghiệm cuộc sống và văn hóa bản địa tại nhà cùng gia chủ. Bên cạnh đó còn có các mô hình house-stay dạng căn hộ riêng biệt; mô hình farmstay…
 
Dù bạn chọn kinh doanh homestay theo mô hình nào, về cơ bản, cũng cần chuẩn bị có các bước sau:
 
Xác định mục đích
 
Việc đầu tiên cần làm trước khi mở homestay là xác định được mục đích là gì. Nếu bạn xác định mục đích mở homestay là để kinh doanh sẽ khác. Còn nếu mục đích của bạn là tạo một không gian để du khách trải nghiệm cuộc sống của gia đình, sẽ khác.
 
 
homestay-3.jpg
Xác định được đúng mục đích, sẽ giúp bạn lên kế hoạch cụ thể khi mở homestay

 

Xác định được đúng mục đích, sẽ giúp bạn lên kế hoạch cụ thể mình cần đầu tư bao nhiêu tiền vào homestay và các phương án kinh doanh trong thương lai như
 
Xác định mô hình homestay  
 
Mô hình homestay sẽ liên quan mật thiết đến đối tượng khách hàng bạn đang hướng tới. Tùy theo đối tượng, bạn muốn đón khách nước ngoài, khách trong nước, dân du lịch “bụi”, hay các gia đình…. Xác định được đối tượng khách hàng tiềm năng, bạn sẽ quyết định được sẽ xây dựng mô hình homestay theo dạng bình dân hay sang trọng, theo phong cách hiện đại hay tối giản, tái chế…, từ đó có phương án thiết kế, bày biện, trang trí homestay cho phù hợp.
 
Lựa chọn địa điểm kinh doanh homestay
 
Địa điểm, vị tri là yếu tố quan trọng để bạn có được sự thành công trong kinh doanh homestay hay không. Một homestay có thể không cần quá cầu kỳ về tiện nghi, nhưng cần phải có vị trí giao thông đi lại thuận tiện, khung cảnh đẹp, trang trí độc đáo với những điểm nhấn đặc biệt để thú hút sự quan tâm của du khách.
 
homestay-1.jpg
Cách bài trí, thiết kế tạo nên điểm nhấn đặc trưng của từng homestay

 

Đầu tư bao nhiêu là đủ?
 
Nếu bạn mở homestay ngay trong không gian sống của gia đình, bạn chỉ cần đầu tư, cải tạo lại cách bài trí, nội thất… là có thể sử dụng được. Trong trường hợp của Hoàng Thị Xới, homestay được thiết kế ngay tại căn nhà sàn của gia đình, nên Xới tiết lộ, các khoảng đầu tư cho homestay vào khoảng 300 triệu đồng. Xới chia sẻ thêm, nếu kinh phí hạn chế, bạn nên tận dụng những cái sẵn có trong nhà hoặc sử dụng đồ dùng tái chế để tiết kiện chi phí.
 
homestay-4.jpg
Nếu kinh phí hạn chế, bạn có thể tận dụng hoặc tái chế những vật dụng có sẵn

 

Nếu phải đi thuê đất hay căn hộ để mở homestay, bạn nên tính toán cả chi phí thuê nhà và các điều kiện chủ nhà đưa ra để dự trù mức chi phí cho phù hợp.
 
Thủ tục pháp lý
 
Để mở một homestay không quá phức tạp. Các giấy tờ cần chuẩn bị là: giấy đăng ký hộ kinh doanh, giấy phòng cháy chữa cháy, giấy an ninh trật tự và bản sơ đồ phòng của homestay. Hồ sơ đăng ký được gửi lên huyện/tỉnh hoặc quận, tùy theo từng khu vực. Bạn có thể hoàn tất các thủ tục pháp lý trong khoảng 1 tháng.
 
Xây dựng các kênh quảng bá
 
Quảng bá homestay là một trong những việc quan trọng cần làm để du khách biết đến và thu hút quan tâm và tham khảo nhu cầu của khách hàng. Việc quảng bá cần thực hiện song song với việc thực hiện các thủ tục mở homestay. Bạn có thể tiến hành trước khi homestay đi vào hoạt động khoảng 6 tháng.
 
Một số kênh quảng bá nên làm trong giai đoạn này là: xây dựng website, fanpage của homestay.
 
homestay-6.jpg
Một số kênh OTA để quảng bá và bán dịch vụ lưu trú homestay

 

Sau khi homestay đi vào hoạt động, bạn có thể  quảng bá trên một số kênh OTA, là các đại lý du lịch trực tuyến như: Agoda.com, Expedia.com, Booking.com, Ivivu.com, Abay.vn, Traveloka… Bên cạnh đó, còn có một số kênh dành riêng cho homestay như Westay, kenhhomestay, Luxstay, Airbnb…
 
Tuy nhiên, bạn cũng đừng quên một số cách quảng bá hiệu quả, mà tốn ít chi phí, đó là trang facebook cá nhân, đi giới thiệu trực tiếp với mọi người và quảng bá thông qua khách hàng sử dụng dịch vụ lưu trú tại homestay của bạn.
 
Mở homestay không khó, nhưng để du khách có ấn tượng tốt khi sử dụng dịch vụ lưu trú tại homestay mới là điều quan trọng. Kinh doanh homestay luôn tiềm ẩn những rủi ro. Đó là gì và kinh nghiệm đối phó với những rui ro như thế nào? Mời bạn tiếp tục theo dõi trên PNVN.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn