Học nghề sau THCS: Giải pháp thu hút học sinh học nghề đúng hướng

15:00 | 13/05/2018;
Định hướng giáo dục hướng nghiệp cho học sinh (HS) theo chương trình của Bộ GD&ĐT được thực hiện từ lớp 9 là hướng đi đúng đắn. Vậy làm thế nào để học nghề ngày càng thu hút HS?

Tư vấn cụ thể đến từng học sinh

 Việc tư vấn hướng nghiệp cho HS ở các trường THCS đóng vai trò tiên quyết trong việc định hướng tương lai cho các em. Điều này tạo sự hứng thú để HS tìm hiểu và theo học các ngành, nghề mà địa phương, xã hội đang cần. HS học cách tự đánh giá và kiểm nghiệm năng lực bản thân, sở trường, điều kiện để học nghề và tham gia thị trường lao động một cách tích cực.

a2.jpg
Các học viên nữ khoa Thiết kế thời trang (CĐ Kinh tế Kỹ thuật TPHCM) trình diễn những trang phục tự thiết kế. Ảnh minh họa

Trường THCS-THPT Diên Hồng (Q.10, TPHCM) thực hiện tư vấn hướng nghiệp theo hình thức lồng ghép tư vấn nghề cho cả HS lớp 12 và HS lớp 9. Bên cạnh việc mời các trường ĐH, CĐ, trường còn mời một số trường Trung cấp đến tư vấn thông qua hình thức: Trao đổi ngay tại sân trường, tuyên truyền bằng poster, băng rôn, tư vấn tại lớp...

Hàng năm, trường còn phối hợp với Trường Trung cấp Việt Giao (TPHCM) tổ chức dạy hướng nghiệp cho HS lớp 9. “Tỷ lệ HS của trường đăng kí học nghề sau khi hết lớp 9 những năm gần đây có chiều hướng tăng (khoảng hơn 15% tổng số HS khối lớp 9 của trường).

Đối với những em có học lực yếu, chất lượng đầu vào của HS từ lớp 6 chưa cao, Ban giám hiệu còn yêu cầu giáo viên chủ nhiệm trực tiếp trao đổi, tư vấn cho phụ huynh và HS để định hướng nghề nghiệp cho các em. Giáo viên có thể trao đổi trong tiết sinh hoạt chủ nhiệm, trong giờ chơi hoặc sẵn sàng giải đáp thắc mắc thông qua kết nối facebook với các em”- bà Vũ Thị Kim Chung, Phó hiệu trưởng trường THCS -THPT Diên Hồng, cho biết.

Theo thông tin từ Phòng GD-ĐT quận 8, TPHCM nhiều năm qua, địa phương này đã liên kết với các trường như Trung học kỹ thuật nghiệp vụ Nam Sài Gòn, trường CĐ Kỹ thuật nghiệp vụ Phú Lâm (TPHCM), trường Trung cấp công nghiệp Lương thực - Thực phẩm (TPHCM)… đào tạo HS hệ Trung cấp kỹ thuật theo chỉ tiêu ký kết đào tạo hàng năm.

Bà Nguyễn Xuân Mai, Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận 8, cho biết thêm: “Những năm gần đây tỉ lệ HS sau THCS quận 8 tham gia học nghề tăng. Năm học 2015-2016: 17,64%; 2016-2017: 20,8%. Công tác hướng nghiệp được lãnh đạo Phòng GD-ĐT đặc biệt quan tâm.

Chúng tôi hướng dẫn giáo viên chủ nhiệm, giáo viên hướng nghiệp tăng cường tư vấn hướng nghiệp, cung cấp thông tin đào tạo và nhu cầu việc làm cho HS lớp 9 trước kỳ thi tốt nghiệp THCS. Đây là đội ngũ tiếp cận trực tiếp giúp HS hiểu rõ về khả năng của bản thân và điều kiện gia đình trong việc lựa chọn hướng đi sau khi tốt nghiệp THCS”.

Có thể thấy, các trường THCS cần liên kết với cả trường nghề, trung tâm dạy nghề để xây dựng lực lượng tư vấn tuyển sinh chuyên nghiệp, sẵn sàng cung cấp thông tin và hỗ trợ định hướng cho người muốn học nghề, không nên để các em “tự bơi” trong muôn vàn hướng đi sau khi tốt nghiệp.

“Đặt hàng” đào tạo

TPHCM đang là trung tâm kinh tế đi đầu trong cả nước, đây cũng là nơi nhu cầu về lao động cao và có các cơ sở dạy nghề, trường nghề chiếm số lượng lớn. Điều đó cho thấy, việc học nghề hiện nay đang được quan tâm.

Để HS thấy học nghề cũng là một con đường rộng cửa đến tương lai thì nhà trường và doanh nghiệp cần có mối liên kết mật thiết trong đào tạo. Tức là, phía doanh nghiệp và cơ sở dạy nghề tăng cường liên kết trong việc “đặt hàng” đào tạo, cung ứng lao động có chất lượng cao và sự phối hợp trong công tác đào tạo.  

hoc-nghe_qfrz.jpg
Học nghề tại Trường Nghiệp vụ Nhà hàng TPHCM. Ảnh minh họa
 

Về phía doanh nghiệp, bên cạnh việc hỗ trợ nhà trường trong vấn đề thực tập, thực hành cho HS, sinh viên thì doanh nghiệp nên chú trọng đóng góp ý kiến phản hồi về xây dựng chương trình đào tạo để nhà trường có sự điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu thực tế của doanh nghiệp. Về phía nhà trường cần khắc phục nhược điểm khảo sát nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp chưa chính xác vì vậy liên kết đào tạo theo yêu cầu chưa cao.              

Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu  nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM cho rằng: “Nhà trường và doanh nghiệp đều cần có hệ thống thông tin về thị trường lao động, những nhận định đánh giá định kỳ về cơ cấu đào tạo, nhu cầu việc làm và những chính sách của nhà nước đối với HS học nghề nhằm khuyến khích và phân luồng HS sau khi tốt nghiệp THCS.

HS học lý thuyết vài tháng tại trường, sau đó thực hành tại doanh nghiệp vài tháng theo chương trình luân phiên hiện nay có thể nói là mô hình được nhà lãnh đạo, doanh nghiệp và cơ sở dạy nghề cho là khả thi và có hiệu quả nhất”.

Bài sau: 3 ưu điểm của học nghề

Theo thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu  nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM: Năm 2017, tại TPHCM có 48 trường Cao đẳng chuyên nghiệp, 21 trường Cao đẳng nghề, 68 trường Trung cấp, 65 trường sơ cấp nghề, trung tâm dạy nghề và 323 cơ sở dạy nghề thường xuyên ngắn hạn. Quy mô đào tạo trên địa bàn thành phố tập trung ở hệ cao đẳng, trung cấp. Hằng năm tại TPHCM, hệ thống đào tạo  giáo dục nghề nghiệp bậc cao đẳng, trung cấp tuyển sinh bình quân đạt 80% (100.000 người trong đó cao đẳng: 60.000 sinh viên, trung cấp: 40.000  học viên).

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn