Học ngoại ngữ cần năng khiếu hay không? Với câu hỏi này, nhiều bạn trẻ băn khoăn không ít. Sở dĩ như vậy vì họ từng quyết tâm học tiếng Anh nhiều lần và cũng bỏ cuộc nhiều lần. Trong khi đó, nhiều người vẫn miệt mài học và ngày càng tiến bộ.
Theo thầy giáo Đỗ Cao Sang, nguyên giảng viên tiếng Anh của một trường đại học trong suốt 15 năm, người viết gần 3.000 bài thơ lịch sử Việt Nam, dịch hơn 100 bài hát tiếng Anh ra tiếng Việt, cho biết: Khi hỏi "Học ngoại ngữ cần năng khiếu hay không?", câu trả lời sẽ là "có" và "không".
Tại sao nói "có"? Nói học ngôn ngữ không phụ thuộc năng khiếu cũng không hẳn đúng. Tại sao cả nước Mỹ đều nói tiếng Anh nhưng năng lực dùng tiếng Anh một cách hùng hồn, thuyết phục và đầy cảm xúc thì cũng chỉ thuộc về số ít người đặc biệt? Ở tiếng Việt cũng vậy, không phải ai viết nhiều, đọc nhiều là trở thành nhà văn xuất chúng.
Theo nghiên cứu chỉ ra, não bộ chúng ta chia thành những vùng năng lực tiềm ẩn. Trong đó vùng tư duy ngôn ngữ phát triển không giống nhau ở từng cá thể. Những vùng khác (thể thao, hội họa, âm nhạc, toán học, thơ ca...) cũng tương tự như vậy. Bởi thế, cũng luyện tập và thực hành nghiêm chỉnh như nhau nhưng kết quả không hề giống nhau ở từng cá nhân.
Điều này diễn ra rất rõ nét ở các lớp học, các gia đình và các nhóm bạn khi luyện chung một bộ môn. Sau một thời gian, sự phân biệt trình độ năng lực sẽ thể hiện ra rõ mồn một.
Tuy nhiên, có học nhiều, có luyện tập nhiều vẫn hơn ít học, ít luyện tập. Chẳng hạn, bạn không giỏi khiêu vũ nhưng có học và bền bỉ rèn luyện thì năng lực khiêu vũ vẫn hơn là lười nhác. Trái lại, có năng khiếu mà lười biếng thì hạt giống sẽ mãi mãi chỉ là hạt giống, tài năng tiềm ẩn mãi mãi chỉ là tiềm ẩn mà thôi. Nếu bạn miệt mài theo đuổi một bộ môn hoặc một công việc nào đó, ít nhất, bạn cũng đỡ kém cỏi hơn so với không kiên trì rèn luyện.
Tại sao nói "không"? Nói học ngôn ngữ không cần năng khiếu cũng đúng. Ở Việt Nam, có ai 10 tuổi với não bộ bình thường mà không biết nói tiếng Việt? Trình độ năng lực ngôn từ có thể khác nhau nhưng sử dụng tiếng Việt ở mức giao tiếp thông thường thì ai cũng làm được (trừ những người có khiếm khuyết bẩm sinh về não bộ hoặc cơ quan cấu âm). Điều này chứng tỏ, ở một ngưỡng trung bình phổ thông, bất cứ ai cũng học được ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng.
Đối với các bộ môn khác cũng vậy. Bất cứ ai cũng có thể chơi đàn, vẽ tranh, bơi lội, khiêu vũ, làm thơ... ở mức độ phổ thông. Khi vươn lên những đỉnh cao vinh quang chói lọi khác thường, bạn cần phải có sự nỗ lực, một đam mê mãnh liệt và một năng khiếu bẩm sinh khác thường.
Nhìn sơ qua, xã hội ta hình thành 2 kiểu học Anh văn nổi bật.
1. Học vì phải học: Họ là những người thông minh, có quyết tâm và ý chí cao độ nhưng không yêu ngôn ngữ và tiếng Anh. Họ coi tiếng Anh là cái cầu phải đi qua, qua rồi thì họ không ham mê say sưa nghiên cứu nữa. Năng lực ngôn ngữ của họ chỉ đủ dùng cho công việc họ theo đuổi với niềm đam mê lớn hơn. Với họ, như thế có thể gọi là thành công rồi.
2. Học vì thích học: Họ là những người yêu ngôn ngữ, yêu tiếng Anh (và cả tiếng Việt). Họ học say sưa và miệt mài theo bản năng sẵn có. Không mục tiêu, không mục đích, không kế hoạch. Đương nhiên, thành tựu của họ về ngôn ngữ sẽ lớn hơn của nhóm 1 nhiều lần. Những người này cũng không bao giờ ngừng việc học tiếng Anh.
Có lẽ, tiếng Anh đối với họ cũng giống như ăn, ngủ, tắm rửa và sinh hoạt hàng ngày. Với họ, học là học, không cần thành tựu, không cần khen, chẳng sợ chê. Cứ chảy hồn nhiên như một dòng sông. Âm thầm và bền bỉ, bất chấp thời tiết và địa hình. Đến kỳ hoa nở, họ không nhằm vào thành tựu nhưng thành tựu của họ thì chẳng mấy ai so bì được.
Tóm lại:
- Ở ngưỡng phổ thông, bạn không cần năng khiếu đặc biệt để học tiếng Anh.
- Nếu hạt giống năng khiếu không được rèn luyện kiên trì và tập trung thì mãi mãi chỉ là hạt giống mà thôi.
- Một người không có năng khiếu ngôn ngữ mà bền bỉ luyện tập thì vẫn hơn hẳn khi anh ta lười biếng.
- Dù bạn thích hay không, tiếng Anh vẫn là cái cầu bạn phải đi qua để đến những miền đất hứa.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn