Học ngoại ngữ kiểu 'muối dưa chuột'

10:44 | 11/09/2015;
Đó là bí quyết của cô Trịnh Thị Phan Anh, giảng viên ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội), người đoạt giải nhất cuộc thi quốc tế “Giáo viên tiếng Nga và văn học Nga xuất sắc nhất” tổ chức tại Moscow (Nga).

Cô Trịnh Thị Phan Anh (thứ 2 từ phải sang) nhận giải Nhất cuộc thi quốc tế. Ảnh: N.V.C.C

Cô Phương Anh cho biết: “Đơn giản nhất là học theo nguyên tắc “muối dưa chuột” của nhà sư phạm người Ucraina Viktor Salatov. Thả dưa chuột vào vại nước dưa thì sớm muộn nó cũng thành dưa chuột muối”.
Với vị giảng viên này, phương pháp học ngoại ngữ hiệu quả nhất là “vây bọc” mình bằng ngoại ngữ. Vị giảng viên này tự tạo cho mình môi trường tiếng qua nghe băng, đĩa, đài, tivi; đọc sách, báo; viết nhật ký, viết tóm tắt những gì nghe được, đọc được; nói ra những suy nghĩ của mình... bằng tiếng nước ngoài. Theo cô Phan Anh, Internet, công nghệ và các thiết bị hiện đại cùng những nguồn thông tin phong phú hiện nay tuy không thể thay thế hoàn toàn vai trò của người thầy nhưng là phương tiện dạy học ngoại ngữ vô cùng quan trọng trong thế kỷ 21. Nhờ đó, chúng ta có thể tự học bất kỳ loại ngoại ngữ nào.
“Quá trình học ngoại ngữ bao gồm các bước: Đọc - nghe hiểu - phân tích - bắt chước. Theo quan sát của tôi, trẻ em Việt Nam thường coi nhẹ bước thứ 3 (phân tích). Đây là hậu quả của việc phải học thêm quá nhiều khiến học sinh không có đủ thời gian để ngủ và chơi một cách bình thường, chứ nói gì đến tư duy, phân tích. Chính vì thế việc học ngoại ngữ thường mất nhiều thời gian, nhớ chậm, quên nhanh. Đây là điều khiến nhiều học sinh “ngại” và “sợ” học ngoại ngữ. Nếu khắc phục nhược điểm này và tăng cường dạy các kỹ năng giao tiếp cho các em chắc chắn sẽ có hiệu quả tốt”, cô Phan Anh chia sẻ.
Riêng với tiếng Nga ở Việt Nam, cô Phan Anh cho rằng, vấn đề lớn nhất đó là tạo động cơ học tập cho người học. Cơ hội việc làm cho người học tiếng Nga ít, tiếng Nga lại là một ngôn ngữ khó. Đó là 2 lý do chính khiến phần lớn mọi người không hào hứng học ngôn ngữ này. Mặt khác, muốn có trò giỏi nhất thiết phải có thầy giỏi. Theo cô Phan Anh, người thầy dạy tiếng Nga, ngoài việc hoàn thiện kiến thức ngôn ngữ và kỹ năng sư phạm, còn phải là một nhà tâm lý học, một nghệ sỹ tài ba để có thể khơi dậy ở học sinh, sinh viên tình yêu đối với ngôn ngữ và văn hóa Nga, giúp các em cảm nhận được cái đẹp của ngôn ngữ này và sử dụng nó như một chìa khóa mở ra một thế giới mới.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn