Học sinh cần được giáo dục chứ không thể cứ sai thì đuổi học

14:21 | 01/11/2018;
Chia sẻ về việc 7 học sinh trường THPT Nguyễn Trãi (Thanh Hóa) bị đuổi học vì nói xấu giáo viên, thầy Nguyễn Tùng Lâm (nguyên Hiệu trưởng trường THPT Dân lập Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội) cho rằng, việc học sinh có bức xúc với giáo viên nhưng không công khai đăng trên facebook mà chỉ nói chuyện trong nhóm riêng chứng tỏ các em còn tôn trọng giáo viên.
duoi.jpg
Quyết định đuổi học 7 học sinh vì nói xấu giáo viên

 

8 học sinh trường THPT Nguyễn Trãi (Thanh Hóa) nói xấu giáo viên trên group chat và giáo viên đọc được tin nhắn. Ngay sau đó, hiệu trưởng nhà trường đã ra quyết định kỷ luật học sinh. Theo đó, có 3 học sinh bị đuổi học 1 năm, 4 học sinh bị đuổi học 1 tuần và 1 em bị cảnh cáo trước toàn trường.

Trước vụ việc này, thầy Nguyễn Tùng Lâm (nguyên Hiệu trưởng trường THPT Dân lập Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội - ngôi trường vốn có nhiều học sinh "cá biệt" theo học) cho biết, thầy không dung túng việc học sinh nói xấu giáo viên bởi điều đó là vi phạm đạo đức, truyền thống...

Tuy nhiên, thầy Nguyễn Tùng Lâm không đồng tình với trường THPT Nguyễn Trãi trong việc kỷ luật học sinh rất nặng, có những em bị đuổi học 1 tuần, có những em bị đuổi học đến 1 năm. “Nhà trường phải là nơi giáo dục học sinh. Học sinh cần được giáo dục chứ không thể cứ sai là bị đuổi học. Lẽ ra, trong vụ việc này, nhà trường cần lập hội đồng kỷ luật, gọi học sinh lên để kiểm điểm. Nhà trường phải là nơi để học sinh sửa sai, thay đổi theo chiều hướng tích cực chứ không được tước mất cơ hội đó của học sinh”.

 

thy-nguyen-tung-lam.jpg
Thầy Nguyễn Tùng Lâm: "Học sinh có bức xúc và không công khai trên facebook là còn tôn trọng giáo viên"

 

Theo thầy Nguyễn Tùng Lâm, giáo viên khi đọc được tin nhắn của học sinh nói xấu, thay vì báo cáo với nhà trường thì nên gọi học sinh đến để phân tích cho học sinh thấy cái sai, cái đúng, những điều nên làm và không nên làm. Làm điều đó, học sinh sẽ rút kinh nghiệm và phục cách ứng xử của giáo viên. “Trước việc học sinh có những bức xúc về giáo viên, lẽ ra giáo viên phải giải tỏa cho học sinh những bức xúc đó. Hơn nữa, việc học sinh bức xúc giáo viên nhưng không công khai đưa lên facebook mà chỉ nói chuyện trong nhóm riêng chứng tỏ các em vẫn rất tôn trọng giáo viên, tôn trọng nhà trường”, thầy Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.

Là hiệu trưởng của ngôi trường nổi tiếng với những học trò vô cùng cá tính, thường xuyên "nổi loạn", theo thầy Nguyễn Tùng Lâm, cách làm việc của giáo viên trong trường là: “Giáo viên có lỗi thì phải nhận lỗi, phải thay đổi, rút kinh nghiệm chứ không chỉ học sinh. Giáo viên phải tôn trọng học sinh, phải làm gương cho học sinh chứ không chỉ biết đòi hỏi học sinh”.

truong.jpg
Trường THPT Nguyễn Trãi (Thanh Hóa) 

 

Ngày 1/10, em Đ.M.Tr (học sinh lớp 10A5, trường THPT Nguyễn Trãi, Thanh Hóa) sử dụng điện thoại di động trong giờ học nên bị cô giáo bộ môn thu, sau đó giao lại cho cô giáo chủ nhiệm.

Chiều cùng ngày, tại phòng trực giám thị, cô Bích thấy trên màn hình hiện cuộc trò chuyện ở nhóm Facebook có tên “Động Cô Bích”, nội dung nói xấu thầy cô, nhà trường. Thậm chí, nhiều em còn dùng từ thô tục, thiếu văn hóa. Việc này tiếp diễn vào tối cùng ngày.

Sáng 2/10, sự việc đã được cô Bích báo cáo tới lãnh đạo nhà trường và nhà trường đã mời phụ huynh của nhóm học sinh lớp 10A5 lên để trao đổi.

Đến ngày 13/10, lớp họp kiểm điểm, xét kỷ luật học sinh, với sự tham gia của tập thể lớp, giáo viên chủ nhiệm, trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh và phụ huynh của những em vi phạm. Ngày 23/10, hội đồng kỷ luật nhà trường họp, quyết định mức kỷ luật: 3 học sinh bị đuổi học 1 năm, 4 học sinh bị đuổi học 1 tuần và 1 em bị cảnh cáo trước toàn trường. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn