Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương, đại biểu Châu Quỳnh Dao - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang cho biết, hiện nay trên thị trường có khoảng 20.000 loại hương liệu để sản xuất thuốc lá điện tử, trong đó có nhiều loại hương liệu chưa được đánh giá toàn diện về mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe. Những hương liệu này được bày bán công khai như các loại thuốc lá thông thường tại các cửa hàng tạp hóa, các em học sinh rất dễ mua, sử dụng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công Thương và biện pháp khắc phục trong thời gian tới để giải quyết vấn đề này thế nào?
Trả lời chất vấn của đại biểu Châu Quỳnh Dao, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ đã có 2 tờ trình báo cáo việc ban hành nghị quyết thí điểm chính sách quản lý loại hình thuốc lá thế hệ mới, chủ yếu là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng có hương liệu.
Bộ Công Thương và Bộ Y tế đã có 2 lần làm việc, đang rà soát để thống nhất quan điểm hoàn thiện chính sách quản lý thuốc lá thế hệ mới.
Bộ Công Thương dự kiến đưa mặt hàng thuốc lá thế hệ mới vào đối tượng điều chỉnh của Nghị định thay thế Nghị định 67 về kinh doanh thuốc lá để quản lý phù hợp với điều kiện thực tiễn, dự kiến trình Thủ tướng trong quý 4 năm nay.
Ông Diên cho biết, quan điểm của Bộ Y tế yêu cầu là cấm, còn Bộ Tư pháp cho rằng cần đánh giá sự tương thích của thuốc lá thế hệ mới với định nghĩa của thuốc lá hiện nay. Nếu có sản phẩm thuốc lá thế hệ mới nào thuộc phạm trù thuốc lá thì đề xuất đưa định nghĩa thuốc lá thế hệ mới vào nghị định để quản lý.
"Bộ Công Thương đang xây dựng phương án quản lý tiệm cận với quan điểm của Bộ Y tế theo hướng là cấm, để trình Thủ tướng theo hướng phù hợp với các văn bản pháp luật, bảo đảm chặt chẽ, phù hợp chiến lược quốc gia, giảm thiểu tác hại của thuốc lá, an toàn sức khỏe cho người sử dụng và dung hòa quyền lợi của những người liên quan", theo ông Diên.
Tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương, đại biểu Lê Đoàn An Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên cho biết, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn là vấn đề nhức nhối, nhất là qua các kênh bán hàng online. Nhiều vụ việc được người dân phát hiện do chính cộng đồng mạng phát hiện, tẩy chay nhưng không có sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước. Đến bao giờ thì Bộ Công thương mới có giải pháp hữu hiệu giải quyết tình trạng này?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, doanh thu trên thương mại điện tử nước ta đạt 16-19 tỉ USD, tốc độ tăng trưởng 20-25%, là mức tăng trưởng cao trên khu vực và thế giới.
Tuy vậy, thương mại điện tử tồn tại tiêu cực. Lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, phát hiện và xử lý nhiều vụ việc hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ với quy mô lớn, như vụ kiểm tra tại trung tâm mua sắm Sài Gòn, phát hiện hàng nghìn sản phẩm giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng; kiểm tra 3 tổng kho kinh doanh hàng giả, hàng lậu ở Tuyên Quang; kiểm tra xử lý 4 kho hàng tại Sầm Sơn - Thanh Hóa…
Lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 523 vụ, xử lý 497 vụ và xử lý, phạt tiền 7,8 tỉ đồng, giá trị hàng hóa là 3,6 tỉ đồng. Bộ đã thực hiện giải pháp như bổ sung trách nhiệm chủ sàn, gỡ bỏ hàng hóa vi phạm, ngăn chặn hành vi xâm phạm bán hàng điện tử mà không thông báo cơ quan chức năng….
Về giải pháp, ông Diên nói sẽ tập trung việc hoàn thiện các quy định pháp luật, phân cấp phân quyền địa phương, tăng cường quản lý toàn diện, tăng cường quản lý và giám sát trên môi trường mạng, yêu cầu chủ sàn gỡ bỏ thông tin vi phạm, phối hợp với bộ ngành liên quan rà soát vi phạm, đầu mối, thời gian tới tập trung rà soát quy định pháp luật, phân cấp phân quyền địa phương, tăng cường quản lý toàn diện, quản lý giám sát hàng hóa trên môi trường mạng, phối hợp rà soát gỡ bỏ thông tin hàng giả, hàng lậu, kết nối chia sẻ dữ liệu…
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn