Học sinh gặp sự cố ở trường, hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm

14:45 | 25/10/2017;
Dư luận nhiều ngày qua bức xúc với nhiều vụ việc liên quan đến tính mạng của học sinh do tắc trách của lãnh đạo trường học hoặc cố tình trốn trách nhiệm khi xảy ra sự cố.

Trốn tránh trách nhiệm

Những ngày qua dư luận đặc biệt quan tâm tới việc một cháu bé 3 tuổi bị chấn thương nặng vùng đầu sau khi gia đình gửi cháu tại trường Mầm non xã Thái Hưng (huyện Hưng Hà, Thái Bình). Gia đình cháu cho biết, thời điểm xảy ra sự việc là lúc cháu đang học tại trường mầm non của xã.

Mặc dù cô giáo cho biết cháu bé bị ngã, nhưng với vết chấn thương sọ não quá nặng phải mổ, gia đình của cháu mong muốn nhà trường làm rõ vụ việc, thậm chí với những thông tin thu nhận được, bố mẹ bé nghi ngờ vết thương ở đầu của cháu là do bị cô giáo đánh.

Một học sinh mầm non bị chấn thương sọ não tại trường đang gây bàng hoàng dư luận 

Theo gia đình, sau khi mổ, cháu bé sẽ phải trải qua giai đoạn trị liệu phức tạp, đặc biệt sau 1 năm phải đi phẫu thuật lấy nẹp ra để cố định lại xương sọ. Trong 3-6 tháng mới xem việc xuất huyết não, tụ máu 1/4 sọ não có để lại di chứng hay không.

Điều đáng nói là trong khi gia đình bé đề nghị nhà trường hợp tác làm rõ vụ việc do tính nghiêm trọng, ảnh hướng lớn đến sức khỏe của cháu, thì nhà trường vẫn khăng khăng cho rằng, cháu bé này chỉ bị ngã khi đang đứng đợi mẹ đón.

Ngay sau khi cháu phải nhập viện cấp cứu và mổ não, phía nhà trường và giáo viên chủ nhiệm có đến thăm hỏi và có mong muốn “giải quyết tình cảm”. Tuy nhiên, khi cháu xuất viện được 1 tuần thì phía nhà trường và cô giáo chủ nhiệm đã phủ nhận trách nhiệm, khiến gia đình rất bức xúc.

Hiện tại gia đình cháu bé nói trên đã làm đơn gửi lên Công an xã Thái Hưng và Công an huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình) với mong muốn cơ quan chức năng điều tra, làm rõ vụ việc.

Trước đó, một học sinh tiểu học tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc bị cánh cổng sắt do hoen gỉ và hỏng hóc nặng bất ngờ đè vào người, khiến cháu gãy xương vai, phải nhập viện điều trị. Hiệu trưởng của trường ngay sau vụ việc đã thẳng thừng chối bỏ trách nhiệm của mình khi cho rằng ông không có nghĩa vụ phải… tới thăm học sinh.

Lý do vị hiệu trưởng này đưa ra là việc thăm hỏi học trò không phải là trách nhiệm của ông, vì cả trường có gần nghìn học sinh. Thậm chí, vị này còn chất vấn lại chính phụ huynh khi cho rằng, khi thầy cô giáo ốm, phụ huynh phải có nghĩa vụ đến thăm hay không?

Những vụ việc như trên đang khiến dư luận phẫn nộ. Không chỉ bởi thái độ, hành xử thiếu tình người của những thầy cô giáo, lãnh đạo trường, mà còn liên quan đến tính mạng, sức khỏe của học sinh. Liệu khi xảy ra sự cố, trách nhiệm của lãnh đạo trường, của thầy cô giáo đến đâu? Nếu họ chối tội, họ phải chịu mức phạt như thế nào?

Có thể đối mặt với án hình sự

Trao đổi với Báo Phụ nữ Việt Nam sáng 24/10, Luật sư Võ Công Hạnh, Giám đốc Công ty Luật Công Khánh (Đoàn luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, trách nhiệm của trường học cấp mầm non là chăm sóc, giáo dục và đảm bảo sự an toàn tuyệt đối cho trẻ - đối tượng dễ bị tổn thương và không nhận thức đầy đủ hành vi của mình. Khi xảy ra sự cố, theo pháp luật, trách nhiệm pháp lý đối với các chủ thể liên quan được đặt ra như sau:

Trường hợp các chấn thương do sự bất cẩn của giáo viên chăm trẻ, trách nhiệm dân sự về bồi thường thiệt hại phải được đặt ra với Nhà trường. Bởi vụ việc xảy ra ngay trong thời gian Nhà trường phải có trách nhiệm giám sát và bảo đảm sự an toàn đối với học sinh mà Nhà trường tiếp nhận.

Điều này được quy định tại Điều 597 Bộ luật dân sự 2015: “Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật”. Cơ chế bồi thường này được quy định rõ tại Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP.

Trường hợp trẻ bị xâm hại đến sức khỏe, tính mạng hay những tổn thương tâm lý nặng nề thì trách nhiệm hình sự phải được áp dụng ngay đối với cá nhân đã có hành vi gây ra hậu quả, tương xứng với tính chất và mức độ xâm phạm đến trẻ.

Nếu do cá nhân gây ra thì căn cứ vào các yếu tố cấu thành tội phạm, cá nhân đó có thể bị xử lý theo quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự 1999 (Sửa đổi, bổ sung 2009) về hành vi “Cố ý gây thương tích” với tình tiết tăng nặng là phạm tội đối với trẻ em; hoặc Tội hành hạ người khác theo Điều 110 Bộ luật hình sự 1999 (Sửa đổi, bổ sung 2009).

“Những hành vi này cần phải được xử lý nghiêm bởi cá nhân đó vi phạm nghiêm trọng quy định Khoản 2 Điều 6, Khoản 6 Điều 7 và Điều 14 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004. Trường hợp này xảy ra tại Nhà trường, chủ thể là thầy cô giáo, nhân viên của Nhà trường thì vấn đề trách nhiệm dân sự về bồi thường thiệt hại cũng được đặt ra đối với pháp nhân như đã nói ở trên”- Luật sư Võ Công Hạnh cho hay.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn