16h tại THPT Việt Đức, nhiều học sinh hết giờ làm bài thi vẫn túm tụm để trao đổi tình hình làm bài. Hầu hết các học sinh của trường đều kêu đề dài, khó và rất đánh đố.
Mai Hoa – học sinh lớp 12D0 cho biết, đề có 50 câu thì có đến 30 câu đánh đố học sinh. “Đọc đề thi mà em giật mình! Có những câu em loay hoay gần 20 phút mà vẫn chưa giải được. Đề quá khó so với những bài tập, dạng đề mà chúng em ôn luyện trước đó” – Mai Hoa cho biết.
Học sinh THPT Việt Đức hỏi han nhau sau buổi thi thử Toán chiều 20/3. Ảnh: D.H. |
Còn Phương Anh, bạn cùng lớp với Mai Hoa thì tỏ ra lo lắng khi năm nay em thi vào khối D mà môn toán quá khó ăn điểm do nhiều câu hỏi hóc búa. “Kiểu này chắc em phải cày nhiều hơn may ra mới đạt điểm tốt! 50 câu thì khoảng 20 câu em thấy độ khó thể hiện rất rõ, đây là những câu để phân loại học sinh để lấy điểm cao” – Phương Anh nhận định.
Tại THPT Kim Liên, học sinh cũng than thở khi đề khó hơn sự kỳ vọng. Nữ sinh tên Quỳnh Anh thở dài: “Cố lắm, chắc em chỉ đạt được 6 – 7 điểm vì gần như bị “vỡ trận”, dồn thời gian nhiều để giải các câu hóc búa, lo đến toát mồ hôi. Nhiều bạn còn choáng luôn trong phòng thi khi nhận đề trên tay”.
Nhận định về đề, thầy giáo Lê Thảo (giáo viên Toán THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội) cho biết, đề sắp xếp không theo thứ tự dễ đến khó như đề minh hoạ, không chia theo phần nội dung kiến thức nên học sinh sẽ lúng túng trong việc làm bài.
“Các câu hỏi dễ không nhiều để học sinh có thể đạt mức trên trung bình, nhiều câu hỏi yêu cầu học sinh phải vận dụng thành thạo các kiến thức đã học và phải hiểu sâu. Tuy nhiên, đề hạn chế được việc học sinh sử dụng máy tính cầm tay” – thầy Lê Thảo nói.
Theo thầy Lê Thảo, vì đề thi khá khó nên sẽ phù hợp với học sinh khá giỏi, còn với học sinh trung bình thì rất khó để đạt được điểm 5, 6.
“Đề yêu cầu học sinh tính toán nhiều, nên sẽ mất rất nhiều thời gian. Điểm trên 9 sẽ không nhiều” – thầy Thảo cho hay.
Clip nữ sinh Mai Hoa nói về độ khó của đề thi Toán: