Học sinh hào hứng với đề Giáo dục công dân ‘mở'

17:45 | 22/03/2017;
Học sinh Hà Nội hào hứng với bài thi thử Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân) diễn ra sáng nay (22/3). Đặc biệt, đề thi môn Giáo dục Công dân ra theo hướng "mở" khiến học sinh thích thú.
 Đi thi Khoa học xã hội không làm khó thí sinh. Ảnh minh họa Quý Trung.
Dù mới "rẽ ngang" sang học Khoa học xã hội, nhưng Trần Phương Trang (trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội) không bị đề thi thử tổ hợp 3 môn Lịch sử, Địa Lý, Giáo dục Công dân “làm khó”.

Trước buổi thi sáng nay, Phương Trang khá lo lắng vì kiến thức không thể bằng những bạn đã theo học ban Khoa học xã hội từ đầu. Kết thúc buổi thi, Phương Trang cho biết, đề thi vừa sức, với những kiến thức chủ yếu trong sách giáo khoa, đa phần học sinh trong phòng thi của em chỉ mất 15-20 phút đã hoàn thành xong một đề.

“Dù khá mệt đầu khi trong một buổi sáng phải vận dụng hết kiến thức của 3 môn học, nhưng chúng em khá phấn khởi và hài lòng với đề thi thử này. Tính ra, em làm được 70-80%. Thời gian tới, em sẽ cố gắng ôn luyện để nắm chắc kiến thức hơn. Nếu đề thi tốt nghiệp THPT Quốc gia ra theo kiểu này, học sinh sẽ không bị căng thẳng. Tuy nhiên, cũng nên có thêm những câu khó để có sự phân loại thí sinh rõ ràng hơn”, Phương Trang cho biết.
Đề thi GDCD với nhiều câu hỏi thực tế khiến thí sinh hào hứng.

Đề thi Giáo dục công dân được nhiều học sinh hào hứng cho biết "rất thực tế" chứ không chỉ có lý thuyết. Trần Hương Ly (trường THPT Hoàng Văn Thụ, Hà Nội) chia sẻ: Thí sinh chúng em rất thích kiểu ra đề này, các câu hỏi đều lấy từ ngoài cuộc sống. Đề thi “sống động” như thế khiến tinh thần của học sinh phấn chấn hơn khi làm bài. Đặc biệt, với dạng đề này, học sinh buộc phải hiểu biết thực sự mới làm được, chứ không phải chỉ có lý thuyết trong sách vở. Hơn nữa, với những câu hỏi thực tế này sẽ có tác dụng nâng cao ý thức pháp luật, đạo đức, lối sống cho học sinh".

Trần Hương Ly cũng khá hài lòng với đề Địa lý khi có nhiều câu hỏi dùng đến Atlat. Tuy nhiên, em cho rằng đề Lịch sử hơi dài khi trong 50 phút phải làm tới 40 câu. “Trong một buổi sáng phải thi 3 môn liền nên việc ra đề thi dài khiến học sinh không thể nhớ hết về các sự kiện, con số, thời gian… nên sẽ rất mệt mỏi và ảnh hưởng đến việc làm bài. Chúng em mong khi thi thật vào tháng 6, đề thi sẽ vừa sức, ngắn gọn hơn, tránh căng thẳng cho thí sinh”, Hương Ly chia sẻ.

Liên quan đến sai sót trong đề thi môn Toán, Hóa trước đó, ông Phạm Hữu Hoan - Trưởng phòng giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Kết thúc 5 môn thi khảo sát Phòng sẽ chuyển đáp án xuống cho các hội đồng chấm thi và có phương án cụ thể khắc phục. Đối với môn Toán có sai sót khi cả 4 phương án của câu 37 - mã đề 015 đều không phải là đáp án đúng, thí sinh sẽ được tính điểm tối đa 0,2 điểm cho câu hỏi này. 

Đối với môn Hóa, mã đề 003, câu số 62, phương án C không hiển thị nội dung. Do phát hiện sớm lỗi đề thi, hội đồng thi đã được thông báo để nhắc nhở thí sinh chỉ chọn 1 trong 3 phương án mà không chọn phương án C ở câu hỏi 62 mã đề 003.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn