Học sinh 'hì hục thi, hì hục vào Đại học'

15:12 | 02/11/2015;
Các hiệu trưởng muốn Bộ GD&ĐT nâng cấp hệ thống thông tin, phần mềm cơ sở dữ liệu trong kỳ thi THPT quốc gia năm tới, đồng thời cho nhập học quanh năm, bớt thời gian rút hồ sơ và trao thêm quyền tự chủ cho các trường.
Nhập học quanh năm
Đánh giá kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 đã thay đổi cách thức tuyển sinh và trong quá trình đổi mới vẫn còn những hạn chế, ông Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng trường ĐH FPT, cho rằng vẫn cần tiếp tục cải tiến. “Việt Nam thuộc số ít quốc gia mà năm nào kỳ thi cũng trở thành một sự kiện nóng bỏng. Điều đó chứng tỏ kỳ thi còn nặng nề và còn nhiều vấn đề cần bàn cãi, vì vậy cần phải thay đổi”. Theo ông Minh, có thể chưa làm ngay được trong năm 2016 nhưng về lâu dài, 1 năm có thể không nhất thiết chỉ 1 đợt thi. “Ngoài đợt thi tháng 7 như năm nay, có thêm 1 đợt thi muộn hơn để những thí sinh (TS) nào cảm thấy chưa tự tin thì có thể thi trước vài môn ở đợt thi đầu, số môn còn lại thi vào đợt sau để chuẩn bị tốt hơn, giãn được áp lực và sự tập trung của xã hội”.
Về chuyện nhập học ĐH, ông Minh cho rằng không nên quy định một giai đoạn nhập học cố định rất ngắn như hiện nay mà mở rộng việc nhập học cho cả năm. “Người học ở Việt Nam rất khổ, hì hục thi, hì hục vào ĐH và tiếp tục học ngay sau đó mà không có thời gian rảnh sau kỳ thi. Vì quy chế bắt buộc phải theo guồng quay, do đó cần có nhiều thay đổi cởi mở hơn”, ông Minh nhìn nhận.

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2015. Ảnh: QUÝ TRUNG

Các trường tự xác định phương án xét tuyển
Ông Lê Quốc Tiến, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hàng Hải Việt Nam, cho biết: “Thời gian đăng ký xét tuyển cho 4 nguyện vọng quá dài, khiến cả thí sinh, phụ huynh và nhà trường đều mệt mỏi”. Do đó, ngoài kiến nghị nên giảm thời gian cho phép rút nộp hồ sơ, ông Tiến đề xuất Bộ GD&ĐT nên phân cấp cho các trường ĐH, CĐ, tăng tính tự chủ, để các trường tự xác định phương án xét tuyển sau khi có kết quả kỳ thi THPT quốc gia, sau đó sẽ báo cáo kết quả với Bộ.
Ngoài ra, do kỳ thi được tổ chức vào mùa hè nên ông Tiến cho rằng nên đẩy giờ thi các môn vào buổi sáng lên sớm hơn, giãn thời gian cho môn thi chiều để TS và giám thị không quá vội.
Cùng quan điểm, ông Phạm Văn Liên, Phó Giám đốc Học viện Tài chính, cho rằng: Đăng ký xét tuyển nguyện vọng trong 20 ngày hơi dài. Việc cho thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng, nhiều ngành, khoa khác nhau trong cùng một đợt cũng cần xem xét lại. “Đặc biệt, công tác quản lý dữ liệu tuyển sinh của Bộ GD&ĐT cần phải có cải tiến, đừng “ôm” dữ liệu thí sinh như vừa rồi thì sẽ không gây ách tắc, khó khăn cho các trường trong việc lấy dữ liệu đó để phục vụ xét tuyển. Để 1 TS không thể cùng lúc trúng tuyển vào nhiều trường, tránh “ảo” thì chỉ có thể giải quyết bằng kỹ thuật phần mềm”.
Bà Trần Thị Kim Oanh, Phó Hiệu trưởng ĐH Đông Đô, khẳng định, cần tăng cường hỗ trợ về công nghệ để mọi thông tin đến với TS được chính xác và nhanh chóng nhất. Đặc biệt, phần mềm hỗ trợ tuyển sinh cho các trường cần được cập nhập sớm hơn, tránh để các trường rơi vào lúng túng trong cập nhật và xử lý dữ liệu.
Định hướng sớm
Theo ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng trường ĐH Dân lập Hải Phòng, việc đảm bảo quyền lợi của TS không đồng nghĩa với việc trao quyền quá lớn cho các em trong việc lựa chọn nguyện vọng. “Tôi nghĩ, Bộ nên quy định việc chọn khối ngành học ngay từ khi các em đang học phổ thông. Định hướng trước cho các em nên theo khối ngành nào, tùy vào khả năng của từng em nên thi vào trường nào thì phù hợp. Việc này làm trước khi thi sẽ bớt được một công đoạn sàng lọc và tránh chuyện học trái ngành nghề, sở trường do nhiều em chỉ cần đỗ ĐH nên đăng ký vào cả những ngành/trường mình không thích”.
Ngoài ra, theo ông Nghị, nếu được, sau khi có kết quả thi, Bộ GD&ĐT nên đưa ra những ngưỡng cụ thể cho các nhóm các trường, đặc biệt là nhóm trường trọng điểm có sức hút TS mạnh để có thể bớt đi một lượng thí sinh điểm thấp nhưng đăng ký “bừa”. Nếu làm được như thế, chúng ta sẽ đỡ mất công, đặc biệt giảm bớt được chi phí khá lớn cho toàn xã hội trong việc xét tuyển.
"Kỳ thi năm tới phải kế thừa những cái được của năm nay, khắc phục những cái chưa được để có một kỳ thi công bằng, trung thực, nghiêm túc hơn" - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
"Bộ GD&ĐT cần chỉ đạo các Sở tiến hành thăm dò trước thi số lượng TS có nguyện vọng dự thi để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ. Kết quả này là căn cứ để các trường ĐH, CĐ có cơ sở lập kế hoạch tổ chức kỳ thi" - Phó GĐ Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn