Giáo viên phải dạy học sinh kỹ năng sơ cứu khi thực hành ở phòng thí nghiệm. Ảnh minh họa. |
Trong vụ bỏng tại phòng thực hành hóa học của trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội, do thiếu kỹ năng xử lý, nữ sinh Đinh Diệp Anh đã bị bỏng nặng, từ cổ lan đến vai, ngực, bụng và tay. Thầy Nguyễn Đình Quyết, Phó Hiệu trưởng trường THPT Phan Đình Phùng, cho biết: Khi lửa theo cồn trong cốc bắn ra đã lan vào em Đinh Diệp Anh khiến em bị cháy áo. Do sợ hãi nên em chạy xuống phòng y tế khiến lửa gặp gió càng cháy mạnh hơn và thương tích của em trầm trọng hơn".
Việc học sinh bị tai nạn khi làm các phản ứng hóa học không nhiều. Tuy nhiên, việc trang bị cho các em kỹ năng sơ cứu là điều vô cùng cần thiết. Theo giáo viên môn Hóa Nguyễn Thanh Thảo (trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Nội), cồn là chất dễ gây cháy và cháy mạnh hơn nếu gặp gió. Nếu ngay lập tức nữ sinh đó được dập lửa bằng khăn, giẻ ướt… thì thương tích của em không nặng như vậy. Sau đó, cần làm mát vết bỏng, tránh cho da không bị rộp bằng cách mở vòi nước cho chảy chầm chậm lên vết bỏng. Xong việc sơ cứu, sẽ đưa nạn nhân đến bệnh viện. Đây là những kỹ năng mà nhất định giáo viên phải dạy học sinh bởi tai nạn luôn đến bất ngờ và không lường trước được.
Cô Nguyễn Thanh Thảo cũng cho biết, nếu học sinh không tuân thủ những nguyên tắc trong phòng thí nghiệm thì rất dễ xảy ra tai nạn. Thế nên, nhất định trong giờ thực hành thí nghiệm, giáo viên phải có mặt để giám sát. Tai nạn thường gặp là bị bỏng axit, cháy nổ… Khi bị bỏng hóa chất, nếu không biết cách sơ cứu sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng bởi hóa chất “ăn sâu” hơn nhiều so với lửa, phá hủy cấu trúc da rất nặng nề. Trong trường hợp này, vẫn phải dùng nước dội vào vết thương để giảm nồng độ hóa chất ngấm vào da.
Việc quản lý nghiêm ngặt phòng thực hành thí nghiệm trong trường học rất cần thiết. Ảnh: T.H. |
Để giữ an toàn cho học sinh trong phòng thí nghiệm, các phản ứng hóa học dễ gây cháy nổ thường không được thực hành. Ngoài ra, giáo viên cũng phải đề ra nguyên tắc với học sinh trong phòng thí nghiệm là phải sử dụng các phương tiện bảo hộ như găng tay, kính bảo hộ, khẩu trang… để phòng chống độc, chú ý cách lấy hóa chất, cách ngửi hóa chất…
Ngoài việc trang bị kỹ năng sơ cứu cho học sinh thì việc quản lý thực hành thí nghiệm rất quan trọng với mỗi trường học. Tuyệt đối không để đông học sinh tự làm thí nghiệm. Cô Lê Thị Phương Dung, Phó hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định), cho biết: Việc quản lý nghiêm ngặt phòng thực hành thí nghiệm trong trường học rất cần thiết. Giáo viên phải thực hiện quy định báo cáo thời gian, kế hoạch thực hành để người phụ trách phòng thí nghiệm chuẩn bị dụng cụ như bài học yêu cầu. Ngoài những thí nghiệm được thực hành trong tiết học, học sinh không được tự ý nghịch các hóa chất khác. Hướng dẫn học sinh thực hành xong, giáo viên bộ môn phải bàn giao dụng cụ, phòng thí nghiệm cho người phụ trách phòng thí nghiệm. Khi không có giáo viên giám sát, buổi thực hành đó không được phép diễn ra.
Cô Lê Thị Phương Dung cũng nhấn mạnh: Phòng thí nghiệm phải được trang bị đủ phương tiện phòng và chữa cháy... Cán bộ phòng thí nghiệm cần nắm vững các nguyên tắc chữa cháy để khi có hiện tượng nổ cháy xảy ra cần nhanh chóng xác định rõ nguyên nhân để có biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả.