Học sinh tiểu học 'hụt hơi' khi lên cấp

12:48 | 24/12/2015;
Việc bỏ chấm điểm ở cấp tiểu học, thay bằng nhận xét đánh giá khiến học sinh nhẹ nhõm hơn, nhưng đang có vấn đề về chất lượng khi các em lên học trung học cơ sở.
Không còn “chạy đua” điểm số
Chị Hoàng Thị Nhung, có con gái lớn đã vào lớp 8 tại trường THCS Tô Hoàng (Hà Nội) nhớ lại, 5 năm con đi học tiểu học, mỗi lần con thi học kỳ là chị lại thấy căng thẳng. Mục tiêu con phải đạt 5 năm HS giỏi để có học bạ đẹp khiến chị liên tục gây áp lực cho con. “Mỗi lần con đi học về, câu cửa miệng của mình là hỏi: Hôm nay con được mấy điểm?”.
Tình trạng trên đã kết thúc khi con trai thứ 2 của chị thuộc lứa HS đầu tiên thực hiện chủ trương bỏ chấm điểm thường xuyên HS tiểu học của Bộ GD&ĐT, bắt đầu áp dụng từ năm học 2014-2015. Năm nay, con trai lên lớp 2, chị Nhung không còn bị nỗi lo con bị điểm kém đeo bám. “Con trai mình đi học rất thoải mái. Bản thân mình cũng nhẹ nhõm bởi mình biết, với khả năng của con thì chắc chắn cuối năm học, con sẽ nằm trong nhóm HS được xếp loại “đạt” và được lên lớp”.
Theo chị Nguyễn Hồng Trang (Q. Hải Châu, Đà Nẵng), lợi ích của bỏ cho điểm thấy rõ khi HS không còn phải cạnh tranh, so bì, ganh đua điểm số với nhau. “Khi quy định chấm điểm, xếp loại vẫn còn, tôi sợ nhất mỗi lần bị các cha mẹ khác hỏi thăm con tôi được mấy điểm thi, đạt HS gì? Nếu tôi nói rằng, con mình bị điểm kém, họ tỏ ra ái ngại và đánh đồng con học dốt. Trong khi điểm số không mang nhiều ý nghĩa ấy”.

Cô và trò trường Tiểu học Hóa Thượng 1 (Đồng Hỷ, Thái Nguyên) trong giờ học. (Ảnh minh họa)

Theo ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, nhiều phụ huynh lo lắng khi bỏ chấm điểm HS tiểu học theo Thông tư 30 sẽ khiến các em mất động lực phấn đấu, phụ huynh cũng không còn thước đo để đánh giá năng lực của con. Tuy nhiên, phụ huynh cần thay đổi quan niệm trước. Cha mẹ đừng quan tâm con đạt điểm bao nhiêu mà hãy xem con học thế nào, tiếp thu bài ra sao?
Thiếu bước đệm giữa 2 cơ chế đánh giá
Việc bỏ cho điểm HS tiểu học đòi hỏi phụ phụ huynh phải đồng hành với con theo một cách khác công phu hơn. Tuy nhiên, ông Trung Thành, giáo viên một trường tiểu học ở Hà Giang, cho biết: “Quy định này có thể được triển khai hiệu quả ở khu vực đồng bằng - nơi mặt bằng dân trí cao. Song, nhiều cha mẹ ở miền núi, trình độ còn hạn chế, thậm chí đọc chưa thông thạo nên rất khó đánh giá việc học của con bằng việc kiểm tra sách, vở ghi. Trong khi, nếu nhìn vào điểm số thì cha mẹ vùng cao sẽ dễ dàng nắm bắt, định lượng hơn”.
Ngay ở thành thị, không phải tất cả giáo viên, phụ huynh đều “thông” với quy định này. Chị Nguyễn Thị Bình (Q.5, TPHCM) chia sẻ: “Năm nay con tôi lên lớp 6. Khi học tiểu học, cháu đạt 4 năm HS giỏi, năm lớp 5 xếp loại “đạt” theo Thông tư 30. Thế nhưng, học kỳ 1 lớp 6 vừa qua, cháu nhận rất nhiều điểm dưới trung bình. Hỏi cô giáo nói có thể do việc bỏ chấm điểm ở bậc tiểu học, nhiều HS không cố gắng học nữa nên kiến thức bị hổng”. Nhiều phụ huynh khác cũng rất ngỡ ngàng vì khi học tiểu học, con toàn được điểm thi cao, nhận xét tốt, đánh giá là đạt vậy mà lên THCS lại bị điểm 2, 3 môn Toán, Ngữ văn...
Lý giải cho việc học sa sút của nhiều HS lớp 6, theo các chuyên gia giáo dục, đó là do chúng ta chưa có bước đệm giữa 2 cơ chế đánh giá HS khác nhau ở hai cấp. Cụ thể, ở cấp tiểu học, đặc biệt là với HS lớp 5 cũng vẫn chỉ được chấm điểm mỗi học kỳ 1 lần với 2 môn Toán, tiếng Việt. Đánh giá thường xuyên các môn học đều bằng nhận xét. Trong khi đó, chỉ sau vài tháng lên  lớp 6, các em ngay lập tức sẽ có 9 môn chấm điểm và chỉ có 3 môn thể dục, nhạc, họa đánh giá bằng nhận xét. Các điểm số (kiểm ra 15 phút, 45 phút, thi...) đều được tính để xếp loại học lực cuối năm. Vì thế, HS sẽ bị “choáng”, chưa bắt nhịp và vẫn quen kiểu “nhận xét mang tính tham khảo” như ở bậc tiểu học...
Nhiều chuyên gia giáo dục đã đề xuất giải pháp để thay đổi tình trạng mỗi cấp học đánh giá một kiểu này. Chẳng hạn, vẫn thực hiện bỏ cho điểm HS tiểu học áp dụng triệt để với HS từ lớp 1 đến lớp 4. Với lớp 5 thì có thể kết hợp nhận xét với cho điểm thường xuyên trở lại để HS làm quen, chuẩn bị cho cách đánh giá bằng điểm số ở bậc THCS. Hoặc là bậc THCS nên xây dựng cơ chế nhận xét, đánh giá linh hoạt đủ để HS có thời gian làm quen với nếp học và áp lực ở bậc học mới.

* Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội: "Nếu nói thông tư 30 làm mất đi niềm vui đạt điểm 9, 10 của HS giỏi thì cũng sẽ không còn HS nào phải buồn tủi khi bị điểm 3, 4 nữa".

* PGS Văn Như Cương (Chủ tịch Hội đồng Trường Lương Thế Vinh, Hà Nội): "Chất lượng HS lớp 6 năm nay của trường có phần không bằng mọi năm. Có những em bị “hổng” kiến thức, kỹ năng làm bài tập nên nhà trường đã phải tổ chức các buổi bổ trợ kiến thức, kỹ năng cho HS".

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn