Tối 6/8, vở kịch Di họa do CLB Life's So Drama của trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam đã được ra mắt tại rạp Tuổi trẻ (Hà Nội). Với thông điệp đề cao hạnh phúc và quyền tự do cá nhân, chương trình đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả.
Vở kịch Di họa lấy bối cảnh miền Bắc Việt Nam những năm 1930 -1945 thời kỷ thực dân nửa phong kiến, khi xã hội ngày ngày xoay vòng giữa vô vàn áp bức bất công.
Nhân vật trung tâm của câu chuyện là Hòa, một cô gái nuôi trong lòng mối thù cho người mẹ bất hạnh khi lão Đại giàu có vì muốn chiếm đoạt mẹ cô nên tìm cách hãm hại người bố. Cô đổi từ Hòa - một cái tên bình yên sang Họa - đẹp như một bức tranh nhưng lại đem đến nhiều tai họa, để thể hiện quyết tâm báo thù của mình.
Mở đầu vở kịch là cảnh đám cưới linh đình của Họa và lão Đại, một hôn lễ long trọng với khôn kể những sính lễ đắt đỏ bậc nhất thời bấy giờ. Đám cưới linh đình mà ai nấy vẻ mặt đều đượm buồn sầu não. Khung cảnh ấy đã dấy lên trong tâm trí người xem vô vàn nghi vấn, mà quan trọng nhất: “Cuộc hôn nhân này rồi sẽ đi về đâu?”
Bước về làm dâu nhà lão Đại, những tưởng cuộc sống của Họa sẽ không một ngày yên ổn vì bị bà cả Yến săm soi, tị nạnh nhưng cô được chồng hết mực chiều chuộng, nâng niu với hy vọng sẽ hạ sinh cho lão một cậu quý tử. Từ việc lão Đại nghe lời Họa mà trở nên rộng lượng với người nông dân cho đến chuyện lão ta bênh vực lời vu khống của Họa đối với bà Yến đều đã cho thấy niềm mong mỏi con trai của lão Đại kia lớn lao đến thế nào.
Quân, con trai của lão Đại và bà Yến, đã vô tình phát hiện ra âm mưu trả thù của Họa nhưng vẫn đồng ý giúp cô vạch trần tội ác của bố. Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi cô hạ sinh một đứa trẻ dị dạng. Lão Đại lập tức lộ bộ mặt thật - tàn nhẫn không từ bất cứ thủ đoạn nào và chỉ muốn giết chết đứa con ruột mới sinh vì hình hài khác người.
Đối với Hòa, ban đầu, đứa bé là công cụ để trả thù, thế nhưng, về sau cô bất chấp tất cả để con được sống sót. Mặt khác, Họa bày mưu để Yến bị đẩy vào ngục tối để dễ dàng hơn trong việc tìm ra bằng chứng buộc tội lão gia. Quân từ chối nhận lời lão Đại giết con của Họa để trả về sự tự do cho người mẹ của mình. Sau một hồi giằng co, chính anh đã đỡ cho Hoạ nhát dao từ lão Đại, người mà cuối cùng cũng bị pháp luật trừng trị. Quân chết nhưng bố Họa vẫn còn sống, niềm an ủi duy nhất của Họa. Cuộc ân oán kết thúc trong cảnh Họa quỳ khóc dưới mộ Quân và được bố khuyên nhủ "Về nhà đi con".
Lão Đại cuối cùng cũng phải trả giá cho những tội ác của mình thế nhưng đây cũng là lúc Hòa bừng tỉnh. Cô nhận ra, lấy sự hận thù để trả thù thì vòng luẩn quẩn này sẽ còn kéo dài không có hồi kết.
Vở kịch Di họa qua sự thể hiện của các học sinh trường Ams đã đưa khán giả trải qua các cung bậc cảm xúc trong cuộc đời không may mắn của cô gái Họa. Dù không phải là diễn viên chuyên nghiệp, nhưng các em vẫn chạm được tới cảm xúc của người xem bằng lối diễn dung dị và góc nhìn riêng, mang đến những thông điệp đầy ý nghĩa và nhân văn. Cùng với sự góp mặt của CLB Glee Phan Đình Phùng với những bản nhạc du dương, sâu lắng, đi vào lòng người trong phần mở màn, vở Di họa càng trở nên ám ảnh với người xem.
Di họa là vở kịch thuộc dự án LSD On Stage 2019 của CLB Kịch nghệ Life’s So Drama - trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam. CLB này được được thành lập từ năm 2014 với sự bảo trợ của thầy giáo Mai Thanh Sơn. Các em đã tự đứng ra tìm kiếm kinh phí để dàn dựng và biểu diễn các vở chính kịch, hài kịch, bi kịch và các dự án phim ngắn. CLB đã tổ chức nhiều sự kiện ý nghĩa và có sức hút mạnh mẽ tới cộng đồng, đặc biệt là đối với học sinh trên toàn thành phố Hà Nội. Trước đó, CLB cũng đã thực hiện nhiều vở diễn gây chú ý như Frollo (năm 2016), Đoạn tuyệt (năm 2018).
Hiện nay, nhận được sự chú ý của nhiều bạn trẻ, CLB đã mở rộng phạm vi hoạt động ra các trường THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội.