Sự kiên nhằm hưởng ứng ngày Quốc tế trẻ em gái 11/10 với chủ đề 2020 là "An toàn cho trẻ em gái trên mạng", Tháng hành động vì Bình đẳng giới và Phòng chống bạo lực trên cơ sở giới từ 15/11 - 15/12 với chủ đề năm 2020 "Chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới".
Tại buổi truyền thông, bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch thường trực Hội LHPN Hà Nội đề nghị các cấp Hội Phụ nữ một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo môi trường lành mạnh, an toàn cho phụ nữ, trẻ em gái nói riêng và nhân dân nói chung:
Một là, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng chủ đề, thông điệp truyền thông Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2020, Đề án "Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn Thành phố".
Hai là, đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, vận động.
Ba là, chủ động tham gia giám sát việc thực hiện luật pháp về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, hôn nhân gia đình và trẻ em... và kiến nghị với cơ quan chức năng các vấn đề phát hiện; hỗ trợ, can thiệp kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.
Bốn là, tăng cường các hoạt động phối hợp với các ngành liên quan phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em; phối hợp chính quyền địa phương và các ban, ngành chức năng xử lý các vụ việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em.
Bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Hội LHPN quận Đống Đa, khẳng định, các cấp Hội phụ nữ quận Đống Đa sẽ cụ thể hoá tinh thần chỉ đạo của Thành hội bằng những việc làm cụ thể, thiết thực và hiệu quả.
Tại buổi truyền thông, các em học sinh trường THCS Tô Vĩnh Diện đã được hướng dẫn một số động tác phòng chống bạo lực. Lãnh đạo phòng giáo dục quận Đống Đa, thầy và trò trường THCS Tô Vĩnh Diện đều đánh giá đây là một buổi truyền thông cung cấp nhiều kiến thức, kỹ năng phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em và phụ nữ rất thiết thực.
Theo báo cáo của Chính phủ, từ ngày 1/1/2015 đến 30/6/2019, cả nước đã phát hiện, xử lý về hình sự và xử lý hành chính 8.442 vụ xâm hại trẻ em với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Trong đó, xâm hại tình dục có 6.432 trẻ em, chiến 73,85% tổng số trẻ em bị xâm hại; Bạo lực trẻ em có 857 trẻ em, chiếm 9,84% tổng số trẻ em bị xâm hại; Mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em có 106 trẻ em, chiếm 1,22% tổng số trẻ bị xâm hại. Ngoài ra, trẻ em bị xâm hại bởi các hình thức khác như: 790.518 trẻ em lao động không đúng quy định của pháp luật; 156.932 trẻ bị bỏ rơi, bỏ mặc và khoảng 13.489 trẻ em 15 tuổi tảo hôn.
Ở Hà Nội, theo Báo cáo của UBND thành phố, cũng trong thời gian này, đã phát hiện 655 trẻ em bị xâm hại, bạo lực, trong đó trẻ em gái là 419 em, chiếm 64%. Trẻ em bị xâm hại tình dục có 268 em, trong đó 94,4% là nữ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn