Học sinh yêu sớm, giáo viên nên xử sự thế nào?

12:14 | 14/02/2023;
Hiện nay, luật pháp không có quy định về độ tuổi có quyền phát sinh tình yêu nam nữ hay quy định nghiêm cấm các bạn học sinh yêu đương.

Thời gian quan, trên mạng xã hội chia sẻ một số thông tin về việc giáo viên cấm học sinh THPT yêu nhau. Thậm chí, có giáo viên còn có lời lẽ "không hay" với các em. Lý do giáo viên cấm học sinh yêu nhau là sợ ảnh hưởng đến học tập cũng như tâm sinh lý của của các em chưa ổn định. Nhiều học sinh cấp trung học thắc mắc, không biết giáo viên có quyền cấm, miệt thị học sinh yêu nhau không?

Về vấn đề trên, Luật sư Đinh Đức Duy, Văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), cho rằng, quyền được yêu thương là quyền cơ bản của con người. Pháp luật Việt Nam quy định về độ tuổi kết hôn đối với nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên tại Khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân & Gia đình năm 2014. Tuy nhiên, luật pháp không có quy định về độ tuổi có quyền phát sinh tình yêu nam nữ hay quy định nghiêm cấm các bạn học sinh yêu đương.

Nhu cầu được yêu, bày tỏ tình cảm, đáp ứng tỉnh cảm là hoàn toàn bình thường đối với con người. Học sinh ở độ tuổi vị thành niên bắt đầu có những rung động đầu đời nhưng chưa đủ khả năng để xử lý khi rắc rối xảy ra, rất cần sự đồng hành của phụ huynh và giáo viên.

Đây là độ tuổi nhạy cảm, nếu cấm đoán thì các em vẫn sẽ yêu. Trường hợp càng cấm đoán thì các em thường có xu hướng chống đối, cố tình thực hiện bất chấp hậu quả dẫn đến nhiều hệ lụy không đáng có, ảnh hưởng xấu đến việc học tập, tâm sinh lý của học sinh. Giai đoạn này cần nhiều sự quan tâm của phụ huynh, giáo viên để giúp các em đi đúng hướng.

Luật sư Đinh Đức Duy cũng cho biết, xét dưới góc độ pháp luật, giáo viên có hành vi cấm cản học sinh yêu nhau là không phù hợp. Trường hợp giáo viên sử dụng lời lẽ miệt thị, hành đồng xúc phạm danh dự, nhân phẩm của học sinh dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm quy định của pháp luật, vi phạm quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục quy định tại Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT.

Giáo viên cấm học sinh yêu sẽ bị xử lý như thế nào?  - Ảnh 2.

Luật sư Đinh Đức Duy, Văn phòng Luật sư Kết Nối

Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 6 Thông tư này quy định ứng xử của giáo viên đối với học sinh: "Ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu, khen hoặc phê bình phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh; mẫu mực, bao dung, trách nhiệm, yêu thương; tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, tư vấn, lắng nghe và động viên, khích lệ người học; tích cực phòng, chống bạo lực học đường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện. Không xúc phạm, gây tổn thương, vụ lợi; không trù dập, định kiến, bạo hành, xâm hại; không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi vi phạm của người học".

Trường hợp giáo viên xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể học sinh nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Đồng thời, buộc xin lỗi công khai người bị xúc phạm, xâm phạm trừ trường hợp có yêu cầu không xin lỗi công khai.

Căn cứ vào tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm, giáo viên có thể bị khởi tố hình sự về tội "Làm nhục người khác" quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 với khung hình phạt cao nhất là 05 năm tù đồng thời có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Có thể thấy rằng giáo viên với kinh nghiệm, trách nhiệm của mình luôn mong muốn học sinh giới hạn việc yêu đương để tập trung học hành hoặc có những khuyên răn làm sao cho việc yêu đương không đi quá giới hạn của tuổi học trò là thực hiện đúng chức trách của người giáo viên. Tuy nhiên, giáo viên không nên cực đoan ngăn cản các em bày tỏ cảm xúc của mình với một người mình yêu mến mà nên lắng nghe, giáo dục, đưa ra định hướng phù hợp, từ đó sẽ hình thành sự tin tưởng ở học sinh, giúp cho giáo viên dễ dàng nắm bắt và xử lý kịp thời.

Hy vọng rằng giáo viên, phụ huynh sẽ cùng phối hợp với nhau để giáo dục giới tính cho học sinh khi để các em nhận biết cảm xúc giới tính phù hợp với độ tuổi các mình.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn