Học THCS, THPT theo tín chỉ sẽ khai phá tối đa tiềm lực của học trò

11:27 | 09/01/2018;
Đề xuất học sinh học theo tín chỉ thay vì học đủ 9 tháng/năm của ngành giáo dục TPHCM đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhiều chuyên gia giáo dục và giáo viên cho rằng, đây là xu hướng tất yếu của giáo dục mở, khai phá tối đa tiềm lực của học trò.

Học THPT theo tín chỉ: Có thể vào ĐH từ 16 tuổi

Báo cáo gửi Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội mới đây về việc thi hành luật giáo dục, UBND TPHCM đã đề xuất nhiều nội dung liên quan đến việc tạo cơ chế mở cho giáo dục thành phố.

Trong đó, vấn đề đào tạo theo hình thức tín chỉ để rút ngắn thời gian đào tạo đang gây sự quan tâm của dư luận. Cụ thể, thay vì thực hiện cứng nhắc đủ 9 tháng/năm học như hiện nay, các trường có thể rút ngắn, kéo dài hoặc giữ nguyên 9 tháng, tùy từng điều kiện cụ thể. Ví như, học sinh có thể nghỉ hè suốt 3 tháng hoặc chỉ nghỉ 1-2 tháng hè.

1_423063.jpg
Kỳ vọng một thế hệ học trò đầy năng động sẽ được hình thành từ chương trình giáo dục mở của TPHCM. Ảnh minh họa
 

Các em có nhu cầu có thể đăng ký học trong hè để rút ngắn thời gian hoàn thành chương trình bậc học, sớm tiếp cận bậc học cao hơn. Học sinh nào vì điều kiện khó khăn không thể hoàn thành chương trình năm học trong 9 tháng có thể học bổ sung vào thời gian sau đó.

Cơ cấu giờ học, tiết học cũng sẽ theo hướng linh hoạt. Học sinh có thể chọn học 1 buổi hoặc học cả ngày, điều này nhằm giảm tải ùn tắc giao thông, phù hợp đặc điểm của địa phương.

Học sinh có thể học tại trường, nhà, trực tuyến; thời lượng giảng dạy các môn học cũng mở, ít hay nhiều tùy từng trường, từng môn học. Ngoài ra, TPHCM còn đề xuất được đa dạng việc kiểm tra, đánh giá: Đánh giá qua kết quả học tập, các kỹ năng đạt được, kết quả nghiên cứu khoa học…

Tiệm cận giáo dục của các nước tiên tiến

Chia sẻ về điều này, TS Nguyễn Kim Dung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục - ĐH Sư phạm TPHCM, cho rằng, giáo dục mở là khuynh hướng đáng được ủng hộ. Các nước tiên tiến luôn xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mang tính khai phóng. Từ đó, học sinh có thể phát triển tối đa tiềm năng, không có sự gò bó, năng động thể hiện bản thân mình hơn.

Chủ động thời gian, chủ động nội dung môn học mình thích và có nhiều thời gian tham gia các hoạt động ngoại khóa hơn là điều được các chuyên gia đánh giá cao về tính ưu việt của đề xuất trên. Học trò thế kỷ 21 không thể tiếp tục với kiểu dạy học thầy cô đến lớp, dạy gì thì các em tiếp thu điều đó.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội, cũng tỏ ra đồng tình khi cho rằng, đào tạo giáo dục theo tín chỉ là xu hướng chung của thế giới. Việc áp dụng tín chỉ từ cấp THCS chưa phù hợp nhưng ở bậc THPT thì nhiều nước trên thế giới đã thực hiện.

“Muốn thực hiện, các nhà quản lý phải có phương án thật cụ thể, chi tiết về cách tính tín chỉ cho học sinh như thế nào, điều kiện, cơ sở vật chất, cách tổ chức, quản lý thế nào thì mới có thể triển khai”, TS Nguyễn Tùng Lâm nói.

Là giáo viên có gần 20 năm giảng dạy tại ngôi trường uy tín của Thừa Thiên - Huế, cô Dương Huệ - nguyên giáo viên trường THPT Quốc học Huế - cho biết, cô ủng hộ cách làm này của TPHCM. Theo cô Huệ, đây là xu hướng tất yếu của giáo dục hiện đại, tiệm cận với chương trình giáo dục mở của các nước tiên tiến.

“Học sinh hiện đại rất năng động, các em muốn làm rất nhiều việc khác ngoài việc học hành ở lớp như hoạt động ngoại khóa, các kỹ năng sống, hay đơn thuần là tìm hiểu và tiếp cận các ngành nghề mà mình muốn học trong tương lai. Em nào muốn dành nhiều thời gian học tiếng Anh để đi du học thì sẽ có điều kiện để học một cách ra tấm ra món mà không phải quá chật vật xoay sở.

Hai con của tôi cũng từng là thế hệ học trò “mài đũng quần” trên ghế nhà trường nên tôi hiểu cảm giác gò bó ấy. Nếu được chủ động chọn lựa 1 chương trình học phù hợp với bản thân, tôi nghĩ các con tôi sẽ có quãng thời gian học tập hạnh phúc hơn nhiều”, cô Huệ chia sẻ.

Theo nữ giáo viên này, với điều kiện học tập tiên tiến, có sự hỗ trợ của nhiều phương tiện, các em hoàn toàn đủ khả năng để hoàn thành chương trình THPT trước 18 tuổi. Với cách học theo tín chỉ, các em có thể chủ động lựa chọn những môn học mà phù hợp với sở trường của mình. Thậm chí, đây sẽ là điều kiện tốt để các em làm quen với cách học tín chỉ của chương trình đại học.

* TP.HCM cũng đề xuất được tự công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh; rút ngắn thời gian hoàn thành chương trình học phổ thông theo năng lực học sinh. Hiện tại, luật quy định 3 năm là có thể tốt nghiệp đại học (ĐH), 3 năm tốt nghiệp THPT, 4 năm tốt nghiệp THCS nhưng theo khoa học về sư phạm thì có những môn học, có những chương trình học, các em có thể hoàn thành trong 1 - 2 năm, thay vì 3 - 4 năm.

* Theo kế hoạch, khoảng quý II-2018, TPHCM sẽ sẽ trình Ban Thường vụ Thành ủy để quyết chủ trương, đồng thời báo cáo Bộ GD&ĐT để trình Chính phủ xem xét quyết định. Nếu được Chính phủ thông qua sẽ bắt đầu áp dụng từ năm học 2019-2020, thí điểm ở một số trường THCS và THPT có điều kiện, đồng thời theo nguyên tắc học sinh và phụ huynh tự nguyện đăng ký.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn