Học tiếng Anh bằng tai

21:56 | 13/01/2016;
Để nghe và nói tiếng Anh tốt, người học cần nhớ nguyên tắc: Học tiếng Anh bằng tai, không phải bằng mắt.

Với kinh nghiệm thực tiễn 20 năm, tác giả Vũ Hoàng Sơn, chuyên gia đào tạo tiếng Anh xuất sắc, vừa xuất bản cuốn “Phương pháp học tiếng Anh siêu đẳng”, giúp cho việc học tiếng Anh trở nên dễ dàng và hiệu quả.

Tác giả Vũ Hoàng Sơn cho biết, suốt những năm học THPT hay học ĐH chuyên ngành tiếng Anh (ĐH Ngoại ngữ Hà Nội), ĐH Ngoại thương Hà Nội  (văn bằng II), môn tiếng Anh của anh lúc nào cũng đạt điểm tuyệt đối.

Vậy mà, khi làm việc với người nước ngoài, anh hoàn toàn mất tự tin vì tiếng Anh trong môi trường công việc thực tiễn của mình còn rất kém. Anh bị chê là “bài dịch ngây ngô, trình độ tầm thường”, hay cảm thấy xấu hổ khi đối tác nước ngoài không hài lòng vì anh dịch yếu hơn bên đối tác.

Nhiều người trẻ không tự tin giao tiếp với người nước ngoài. Ảnh minh họa

Để khắc phục hạn chế, Hoàng Sơn miệt mài đọc sách, tài liệu tham khảo liên quan tới mọi khía cạnh công việc. Không chỉ nâng cao kỹ năng dịch, anh còn có thể trao đổi với đối tác mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội một cách thoải mái.

Sự nỗ lực đã được đền đáp, trình độ tiếng Anh của anh nhanh chóng được cải thiện. Vũ Hoàng Sơn đã đảm nhiệm nhiều vị trí như tư vấn doanh nghiệp, giám đốc phát triển kinh doanh, trợ lý Tổng giám đốc, quản lý dự án, chuyên gia đào tạo. Hiện nay, anh là Chủ tịch sáng lập GoldenPeak Skills Academy.

“Để làm chủ tiếng Anh, cần phải làm chủ tam giác ngôn ngữ: Ngữ âm, ngữ nghĩa, ngữ pháp. Ngữ âm chính là bí quyết nghe hiểu và nói tiếng Anh xuất sắc. Ngữ âm cần chuẩn trước, từ vựng học sau. Nguyên tắc học tiếng Anh là học bằng tai, không phải bằng mắt. Phải sử dụng từ điển có cả hai chức năng phiên âm và phát âm. Nên học ngữ âm từ giáo viên bản xứ”, anh Vũ Hoàng Sơn chia sẻ.

chứ không bằng mắt. Ảnh minh họa

Bí quyết phát âm chuẩn, nghe tốt của tác giả là nghe tiếng Anh 1-2 tiếng mỗi đêm, trước khi đi ngủ và cả trong giấc ngủ, để tiếng Anh lặp đi lặp lại và đi vào tiềm thức.

Về ngữ nghĩa, cần khôn khéo lựa chọn học những từ thiết thực nhất phục vụ công việc và cuộc sống của cá nhân. Cần mở rộng vốn từ để phát triển tư duy về ngôn ngữ. Còn về ngữ pháp, phải nắm được ngữ pháp căn bản, không nên sa đà vào các trường hợp ngữ pháp phức tạp bởi những cấu trúc ấy chỉ phục vụ mục đích nghiên cứu.

Tác giả Vũ Hoàng Sơn ký tặng sách cho độc giả. Ảnh: NVCC

Theo kinh nghiệm của tác giả, để tiếng Anh không nhàm chán, người học phải có sự yêu thích, đam mê. Cần gắn tiếng Anh với các hoạt động mà mình yêu thích: Xem một bộ phim hay, các chương trình ca nhạc nước ngoài... Khi tiếng Anh gắn với cuộc sống thì sẽ là động lực rất tốt cho người học.

Với kinh nghiệm thực tiễn của Vũ Hoàng Sơn, cuốn sách mong muốn truyền cảm hứng học tiếng Anh cho những người sợ tiếng Anh, từng thất bại với việc học tiếng Anh.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn