Học tiếng Anh như chơi đàn piano

17:46 | 10/06/2016;
Không phải là người mẹ siêu tiếng Anh nhưng chị Nguyễn Thu Trang (Duy Tân, Hà Nội) có phương pháp dạy tiếng Anh cho con rất hiệu quả.
tienganh3.jpg
Cho trẻ tiếp xúc với ngoại ngữ sớm để trở thành ngôn ngữ tự nhiên của trẻ. Ảnh minh họa internet.

Chị Thu Trang chia sẻ: Tôi cho con tiếp cận ngoại ngữ sớm với mong muốn ngoại ngữ trở thành ngôn ngữ tự nhiên với con.

4 tuổi, con bắt đầu đi học tiếng Anh ở trung tâm. Quan sát camera, tôi thấy bé rất hào hứng với các trò chơi. Về nhà, bé bi bô hát tiếng Anh dù không thuộc hết hoặc hát không rõ từ. Tôi thấy phương pháp học mà chơi, chơi mà học rất hay. Bởi ở lứa tuổi này tạo cho con niềm đam mê với tiếng Anh mới là điều quan trọng.

tienganh2.jpg
Học theo kiểu vừa học vừa chơi để ngoại ngữ ngấm vào trẻ nhanh nhất. Ảnh minh họa internet.

Không ít cha mẹ yêu cầu con học tiếng Anh ở nhà phải ngồi nghiêm chỉnh,  không được vừa học vừa chơi, dạy từ cho bé kiểu dịch “word by word”: "Apple là quả táo", "banana là quả chuối"… Học ngoại ngữ cũng giống như khi đứa trẻ bắt đầu tập nói. Phải dạy trẻ hiểu theo khái niệm, thế nên  tôi thường cầm quả táo và nói với bé “apple”, chỉ chiếc ghế và nói “chair”… Cách này giúp bé tiếp thu ngôn ngữ một cách tự nhiên.

Tôi cũng thường xuyên cho bé nghe băng đĩa tiếng Anh, bé rất thích nghe “magic English” hay “go go adventure with English”… Các bài hát tiếng anh vui nhộn cũng được bé nghe đi nghe lại không biết chán như “finger family”, “5 little monkeys”… 

tienganh4.jpg
Chú trọng vào ưu điểm để khích lệ con chứ đừng bắt trẻ khắc phục ngay khuyết điểm. Ảnh minh họa internet.

Tôi cũng mua những tập flash hình ảnh bằng tiếng Anh, vừa chỉ cho bé hình ảnh vừa nói tiếng Anh với bé. Nguyên tắc dạy của tôi là “hoạt động, hình ảnh hơn lý thuyết”, “nói nhiều hơn nghe viết”, “bắt chước hơn ngữ pháp”, “vui hơn cho điểm”. Thế nên, con vừa học vừa chơi, vừa chơi vừa học, rất thoải mái và hào hứng.

Theo tôi, học tiếng Anh cũng không nên vội vàng. Mỗi đứa trẻ có điểm mạnh, điểm yếu không thể so sánh. Cha mẹ cần chú trọng vào ưu điểm để khích lệ con chứ đừng bắt trẻ khắc phục ngay khuyết điểm. Nếu nhấn mạnh vào ưu điểm thì đến một ngày nào đó ưu điểm sẽ che lấp được khuyết điểm. Vì nghe, nói và viết trong tiếng Anh là một quá trình có mối liên hệ logic.

Việc học tiếng Anh như người ta chơi đàn piano - đó là một quá trình dài. Vẫn bài đó nhưng ngày qua ngày đứa trẻ học đàn sẽ chơi từ chỗ còn chưa thuần thục đến hay và cuối cùng là sáng tạo. Tuy nhiên, điều đó đòi hỏi phải có thời gian. Nếu chỉ tập trung soi mói vào khuyết điểm sẽ làm đứa trẻ lo lắng, hoang mang, cảm thấy khó và đôi khi phản tác dụng. Lúc đầu, kiến thức thu được chẳng là bao nhưng chắc chắn đến lúc ngấm đủ lượng trẻ sẽ bứt phá về chất.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn