GS.TS Hoàng Chí Bảo, chuyên giá cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận TƯ, đã trực tiếp chia sẻ những câu chuyện về đời thường, về quê hương và về các đấng sinh thành của Bác, đặc biệt là cuộc đời của bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu sinh ra Bác; những tình cảm đặc biệt của Bác đối với phụ nữ Việt Nam và của phụ nữ Việt Nam đối với Bác.
Những câu chuyện kể xúc động đã giúp cán bộ, đảng viên hiểu sâu sắc hơn, để nhận thức rõ hơn những giá trị tư tưởng, những phẩm chất cao quý Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho đất nước, cho Nhân dân. Những giá trị, phẩm chất đó được tôi rèn, hun đúc và đặc biệt là được trao truyền, ảnh hưởng sâu sắc từ tình yêu quê hương, đất nước, truyền thống gia đình, dòng họ. Đặc biệt là Làng Sen, Nam Đàn, Nghệ An - quê nội của Bác và Làng Vân Nội, xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên - quê ngoại - nơi có Nhà thờ bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng cách đây gần 20 năm.
Được biết, thôn Vân Nội không chỉ là vùng quê có truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm mà còn là nơi phát tích của dòng họ Hoàng nổi tiếng có bề dày lịch sử trên 600 năm. Tổ tiên dòng họ Hoàng đã tham gia việc xây dựng quê hương, giúp đỡ người hoạn nạn, nghèo khó. Kể từ đời thứ 5 trở đi, họ Hoàng đã trở thành một dòng dõi công thần thế phiệt. Cụ Hoàng Thế Ánh (1509-1552) là người đầu tiên của dòng họ được phong tước Quận công. Kể từ đây, con cháu họ Hoàng đều phò vua trị quốc, xông pha trận mạc, gìn giữ bờ cõi giang sơn. Đến nay, họ Hoàng ở Vân Nội có 15 vị tổ được phong tước quận công, 59 vị được phong tước hầu, 4 người tước bá, 1 người tước nam, 8 người đỗ tạo sĩ, 9 người là hoàng hậu, cung nữ, phi tần…
Những đóng góp to lớn của dòng họ Hoàng đúng như lời truyền: "Khoái Châu đất tốt. Lạ nhất Hoàng Vân. Mạch xuyên hơi tuyết. Huyệt kết đan kề. Phía tả có trống chiêng. Phía hữu có cờ quạt. Nước quanh đai ngọc. Núi hiện mày ngài. Trai có tước lộc. Gái giữ cung phi. Vinh hoa phú quý. Phúc lộc dài lâu. Sống cầm tiết việt. Thác hiển uy linh. Thờ làm phúc thần. Đời nào cũng có".
Theo gia phả của dòng họ Hoàng, cụ Hoàng Xuân Đường, thân sinh ra bà Hoàng Thị Loan là đời thứ 22 tính từ đời cụ Tổ họ Hoàng ở thôn Vân Nội, xã Hồng Tiến.
Bà ngoại Bác là Nguyễn Thị Kép là người rất đặc biệt, có tấm lòng bao dung, độ lượng và giàu lòng nhân ái. Bà được sinh ra trong một gia đình Nho giáo. Khi ông ngoại Bác nhận cậu bé Nguyễn Sinh Sắc là trẻ mồ côi cả cha và mẹ về nuôi, cho ăn học rồi gả con gái là Hoàng Thị Loan thì bà đã cùng chồng cắt đất, làm nhà cho ở riêng ngay trong vườn. Thấy con rể học hành, thi cử vất vả, bà nói: "Ruộng không đẻ ra chữ nhưng chữ thì đẻ ra ruộng. Bán bớt ruộng cho con rể ở Huế ăn học". Nhưng khi con rể công thành danh toại thì bà ngoại và cả mẹ Bác không còn nữa.
Cụ Nguyễn Sinh Sắc - thân phụ của Bác - còn được gọi là Nguyễn Sinh Huy, nhân dân còn gọi tắt là cụ Phó bảng. Với quan niệm học để làm người chứ không phải học để làm quan, vả lại, trong hoàn cảnh đất nước bị thực dân Pháp thống trị, sau khi đỗ đạt, cụ đã 2 lần từ chối lời kêu ra làm quan của triều đình. Cụ sống thanh đạm bằng nghề dạy học, nghiên cứu tân thư, kết bạn với các sĩ phu yêu nước như Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý, Phan Chu Trinh… và đặc biệt chú tâm dạy dỗ con cái. Cụ cũng là người có trí nhớ mẫn tiệp và sống trọn tình vẹn nghĩa.
Đối với phụ nữ, Bác luôn dành sự quan tâm đặc biệt từ những việc rất nhỏ hàng ngày đến những việc hệ trọng của đất nước. Trong ngày Quốc khánh 2/9/1945, Bác đã chọn phụ nữ là người kéo cờ trong giờ phút thiêng liêng và trọng đại của đất nước. Vinh dự đó đã thuộc về hai người: Bà Lê Thi (tên thật là Dương Thị Thoa), con gái GS Dương Quảng Hàm, khi đó đang ở trong Đoàn Phụ nữ Cứu quốc và bà Đàm Thị Loan, sau này trở thành phu nhân của Đại tướng Hoàng Văn Thái.
Phát biểu tại sinh hoạt chuyên đề, đồng chí Đỗ Thị Thu Thảo, Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam, khẳng định buổi sinh hoạt chuyên đề có ý nghĩa thực sự sâu sắc. Đồng chí Bí thư Đảng ủy mong muốn toàn thể cán bộ, đảng viên cơ quan TƯ Hội LHPN Việt Nam cần thể hiện tình yêu thương, tôn kính Bác bằng những việc làm cụ thể, thiết thực: Đăng ký thi đua "Hai tốt", học theo Bác từ những việc làm nhỏ nhất nhằm góp phần xây dựng hình ảnh người cán bộ Hội ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả, đảm bảo công tâm, khách quan, công bằng trong công tác Hội và phong trào phụ nữ.
Các chi, đảng bộ cần nghiêm túc triển khai thực hiện Cam kết thi đua với 7 nội dung đã đề ra, tập trung xây dựng Chi bộ Bốn tốt, đẩy mạnh phong trào thi đua "Hai tốt"; hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn năm 2023. Từng chi, đảng bộ tổ chức sinh hoạt chuyên đề học tập, làm theo Bác để truyền lửa cho cán bộ, đảng viên, quần chúng với những hành động đẹp, đoàn kết, nhân ái, nghĩa tình và bao dung. Đồng thời chủ động đánh giá, tổng kết Đợt thi đua, biểu dương đảng viên có thành tích xuất sắc vào dịp kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống của Đảng bộ Khối các cơ quan TƯ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn