Hội chứng 'con vịt' của du học sinh tại Mỹ

08:25 | 18/12/2016;
Quản lý thời gian khi đi du học, đặc biệt là ở ngôi trường nổi tiếng thế giới Stanford (Mỹ), là điều đầu tiên cần học khi tới đây - Huyền chip, tác giả cuốn 'Xách ba lô lên và đi', chia sẻ.

Chiều 17/12 tại Hà Nội, Huyền Chip - tác giả của cuốn sách đình đám một thời “Xách ba lô lên và đi”, ra mắt tác phẩm mới “Giấc mơ Mỹ - đường đến Stanford”. Tại đây, Huyền đã chia sẻ nhiều câu chuyện thú vị trong môi trường Stanford. Cô đang học Thạc sĩ ngành Khoa học Máy tính, chuyên ngành trí tuệ nhân tạo.

 Huyền chip giao lưu với độc giả tại buổi ra mắt sách chiều 17/12. Ảnh: D.H

Trong cuốn “Giấc mơ Mỹ - Đường đến Stanford”, Huyền có kể, cô học tối đa tất cả các tín chỉ mà sinh viên năm thứ nhất được học. Thậm chí sang năm thứ hai, cô còn xin học vượt số tín chỉ tối đa để có thể được học thêm. Bạn bè cô học trung bình 60 tiếng mỗi tuần thì Huyền học đến 80 tiếng.

“Quản lý thời gian là kỹ năng vô cùng quan trọng. Nếu ở Việt Nam, mọi người alo cho nhau liên tục để “tám” chuyện thì ở Mỹ không có thói quen này. Ở Stanford, gặp nhau tán dóc uống cà phê là chuyện phù phiếm. Rất hiếm, chúng tôi chỉ gặp nhau 30 phút tranh thủ trong bữa ăn hoặc vừa học vừa cà phê” - Huyền cho biết.

Cô nói về hội chứng “con vịt” mà mọi người vẫn gán cho sinh viên ở đây. “Con vịt bơi trên mặt hồ thì thấy ai cũng ung dung thong thả, nhưng bên dưới nước thì chân vịt đạp điên cuồng. Sinh viên ở trường tôi cũng như thế. Phòng chăm sóc tâm lý rất đông người, muốn gặp bác sĩ phải hẹn trước 2 tuần” - Huyền nói.

Với rất nhiều áp lực, Huyền cho biết, rất buồn, nhiều khi suy sụp. Thời gian dành cho bạn bè rất ít, gặp nhau chỉ nói chuyện vui, không dám nói chuyện buồn vì sợ ảnh hưởng đến nhau. Cô chia sẻ: “Sự cô đơn là do chính bản thân mình gây ra chứ không phải do người khác thiếu quan tâm. Nếu tôi chia sẻ, họ sẵn sàng giúp đỡ và dành thời gian cho mình nhưng tôi tự hỏi rằng liệu có ích kỷ quá không khi lấy mất thời gian quý báu của họ”.

 Cô tự nhận vững vàng hơn sau 3 năm lùm xùm với "Xách ba lô lên và đi". Ảnh: NVCC.

“Các bạn hỏi tôi làm sao để vào được Stanford? Rất khó để nói. Không đơn thuần là bộ hồ sơ. Điểm chung mà tôi cảm nhận là ai cũng có đam mê và theo đuổi đến cùng với ước mơ đó” - Huyền chip chia sẻ.

Sau 3 năm, Huyền chip tự nhận rằng bản thân đã vững vàng và trưởng thành hơn rất nhiều sau lùm xùm của “Xách ba lô lên và đi”. Cô tự nhận, đó là quãng thời gian vô cùng khó khăn. “Không phải là vượt qua. Đơn giản chỉ là cuộc sống. Tôi tự nhủ, cứ tập trung làm tốt những dự định của mình, thì một ngày nào đó sẽ là quá khứ. Cố gắng sửa sai để trở thành người tốt hơn, nỗ lực không ngừng, một ngày nào đó sẽ được mọi người công nhận” - Huyền nói.

Dự định của Huyền chip là tiếp tục theo học ngành Trí tuệ nhân tạo bậc tiến sĩ. Bên cạnh đó, 1 trong 6 điều quan trong nhất được cô lên danh sách, đó là tiếp tục viết. Năm 2017, cô sẽ ra mắt cuốn sách về văn hóa Việt Nam bằng tiếng Anh, với tên gọi How to not get your ass kicked in Vietnam: The native’s guide (Tạm dịch: Làm sao để không gặp rắc rối khi ở Việt Nam?).

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn