Hồi chuông cảnh tỉnh về nạn buôn người sau vụ 39 người tử nạn ở Anh

16:48 | 04/11/2019;
Vụ việc 39 người tử vong trong xe container ở Anh có nạn nhân là người Việt Nam thu hút sự quan tâm của đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận về công tác phòng chống tội phạm ngày 4/11. Theo các đại biểu, đã đến lúc cần siết mạnh tình trạng XKLĐ chui và nghiêm trọng hơn là nạn buôn người bất hợp pháp qua biên giới hiện nay.

Phát biểu trước Quốc hội chiều nay 4/11 về công tác phòng chống tội phạm, đại biểu Nguyễn Văn Hiến (đoàn Lâm Đồng) gửi lời chia sẻ sâu sắc đến các gia đình có người thân tử nạn tại Anh trong vụ 39 người chết thương tâm trong xe container ở nước này. Qua vụ việc, đại biểu cho rằng cần nhìn nghiêm túc về tội phạm liên quan đến các đường dây XKLĐ chui hiện nay.

Đại biểu Hiến cho rằng, thông tin về XKLĐ ở nước ta đang trong tình trạng nhiễu loạn, người dân thiếu thông tin chính xác, trong khi các chi phí cho việc đi nước ngoài XKLĐ rất cao, không minh bạch, hoạt động cấp, đổi giấy phép gặp quá nhiều bất cập. Dù tồn tại nhiều vấn đề, song vì nhu cầu XKLĐ quá lớn nên đại biểu Hiến cho rằng vẫn xuất hiện nhiều tổ chức cá nhân lừa đảo, thừa cơ “đục nước béo cò”, tội phạm đưa người ra nước ngoài trái phép vì thế vẫn có “đất” hoạt động.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiến (đoàn Lâm Đồng). Ảnh: quochoi.vn 

“Tôi đề nghị Chính phủ và các bộ ngành liên quan cần rà soát kỹ và có giải pháp đồng bộ với vấn nạn này, nhất là hoạt động cấp phép, đào tạo, đặc biệt cần cung cấp thông tin đầy đủ cho người dân về XKLĐ. Bên cạnh đó, cần phát hiện sớm và ngăn chặn kịp thời để người dân hiểu rõ việc đưa người ra nước ngoài trái phép là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, đừng để người dân xem đây là thông lệ bình thường trong xã hội” – ông kiến nghị.

Về điều này, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường cũng nhìn nhận, nạn buôn người hay đưa lậu người qua biên giới các nước là vấn nạn của thế giới và là vấn đề không dễ giải quyết. Trong sự việc 39 người tử vong trong xe container, các cơ quan hữu quan của Việt Nam đã kịp thời có những hành động khởi tố, điều tra vụ án hình sự, phối hợp với cơ quan chức năng nước sở tại xử lý các công việc có liên quan, động viên, chia sẻ với gia đình các nạn nhân.

Theo đại biểu, những việc làm này là cần thiết nhưng chưa đủ, cần có sự nhìn nhận, đánh giá tình hình một cách nghiêm túc và rút ra những bài học để những thảm kịch đau lòng tương tự không tái diễn. “Ngoài nguyên nhân do nạn nhân bị dụ dỗ, lôi kéo, còn có hạn chế trong thực hiện vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước. Vụ việc này gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý nhà nước” – ông nói.

Đại biểu Cường dẫn số liệu, 9 tháng đầu năm 2019 là hơn 104.000 người đi XKLĐ, tuy nhiên số lượng thực tế lớn hơn rất nhiều. Ở một số địa phương, nhiều xã có tới hơn 1.000 người lao động ở nước ngoài, có nghĩa là rất nhiều người đi lao động chui ở nước ngoài  theo các con đường khác nhau.

“Tội phạm mua bán người là loại hình tội phạm phức tạp, với thủ đoạn ngày càng tinh vi, đa dạng, khó phát hiện, hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia, chúng cũng sử dụng công nghệ thông tin, trang mạng xã hội để tìm kiếm nạn nhân, môi giới qua nhiều khâu trung gian khác nhau, sử dụng hộ chiếu, giấy thông hành để đưa nạn nhân đi sâu vào nội địa các nước láng giềng hoặc đi qua các khu vực biên giới, các đường tiểu ngạch, lối mòn, gây khó khăn cho công tác quản lý xuất nhập cảnh” – ĐB Cường phân tích.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình). Ảnh: quochoi.vn

Theo ông, đây là hồi chuông cảnh tỉnh, qua đó Chính phủ cần chỉ đạo các cấp chính quyền quan tâm lãnh đạo, tổ chức tốt công tác phòng, chống mua bán người bằng nhiều biện pháp đồng bộ về kinh tế, hành chính, pháp luật. Lồng ghép công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người với chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, tổ chức thực hiện hiệu quả công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là ở các địa bàn khó khăn, khu vực nông thôn.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế, đặc biệt là với các tổ chức quốc tế, cảnh sát các nước, với các nước láng giềng trong khu vực. Tăng cường hoạt động tương trợ tư pháp để phối hợp ngăn chặn hiệu quả tội phạm này. Bảo đảm nguồn kinh phí cho công tác phòng, chống tội phạm, giúp đỡ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng, tạo việc làm để ổn định cuộc sống.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn