Đó là trường hợp của chị M. (ở Hà Nam). Chị M. lập gia đình muộn và việc có con khá khó khăn. Đã vậy, đứa trẻ lại bị sinh non nên yếu, thường xuyên bị viêm tai giữa.
Lo con còi cọc, lại phải uống thuốc kháng sinh mỗi lần đi khám, thế là chị M. nghe người hàng xóm mách nước, tự điều trị cho con bằng các phương pháp dân gian và tự ý mua thuốc. Chỉ đến khi dịch mủ chảy ra khá nhiều từ tai của bé, chị M. mới đưa con đến khám.
Qua thăm khác, các bác sĩ cho biết, cháu bé bị viêm tai giữa khá nặng, nguy cơ ảnh hưởng đến thính lực mãi mãi.
PGS. Hoài An cho biết, ở lứa tuổi trẻ dưới 5 tuổi, tỷ lệ trẻ viêm tai giữa lên tới 16-20%. Vào mùa đông, tỷ lệ này còn lên tới 25%. Nguyên nhân là do ở tuổi này, hệ thống miễn dịch của trẻ còn yếu. Tình trạng viêm VA thường xuyên cũng gây ra biến chứng viêm tai giữa.
Nếu không được điều trị sớm và dứt điểm, viêm tai giữa cấp ở trẻ nhỏ có thể gây thủng màng nhĩ, làm tiêu xương, gián đoạn chuỗi xương con... ảnh hưởng đến khả năng thính giác của trẻ. Trẻ bị nghe kém, nhất là từ khi chưa biết nói, có thể dẫn đến rối loạn ngôn ngữ như nói ngọng, nói không rõ âm, từ, thậm chí điếc - câm bẩm sinh... làm giảm sút nghiêm trọng chất lượng giao tiếp xã hội sau này của trẻ.
Nặng hơn nữa là những biến chứng nhiễm trùng, có khi ảnh hưởng đến tính mạng do biến chứng sọ não cực kỳ nguy hiểm như viêm màng não, áp-xe não do viêm tai, viêm tắc tĩnh mạch bên, do viêm nhiễm lan từ trần hòm tai lên não hoặc gây liệt dây thần kinh mặt do dây thần kinh số VII.
PGS.TS Hoài An cho biết, viêm tai giữa cấp là bệnh tái diễn nhiều lần nếu không được điều trị đúng phác đồ, quy trình. Chính vì vậy, việc điều trị dứt điểm là rất quan trọng.
Phụ huynh không được tự ý cho trẻ uống thuốc kháng sinh nếu chưa có đơn của bác sĩ hay chữa bằng những cách truyền miệng. Khi trẻ bị viêm tai giữa cần đưa trẻ tới các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, điều trị.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn