GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam, cho biết, khi thành lập Hội Khuyến học Việt Nam (năm 1996), cả nước có 21 tỉnh, thành phố có tổ chức Hội. Đến nay, sau 25 năm hoạt động, tổ chức Hội đã phủ kín 100% địa bàn cấp tỉnh và huyện, trên 98% cấp xã. Số hội viên tăng lên hơn 21 triệu người, bình quân mỗi năm tăng hơn 850 nghìn hội viên.
Hội Khuyến học Việt Nam đã xây dựng được các mô hình học tập hiệu quả trên địa bàn hành chính cấp xã như Gia đình hiếu học, Dòng họ hiếu học và Cộng đồng khuyến học. Theo kết quả Điều tra xã hội học về lợi ích, tác dụng và điều kiện xây dựng các mô hình học tập do Trung ương Hội và nhiều Hội Khuyến học địa phương tiến hành: 92,80% người lao động cho biết, nhờ được học tập mà họ có thêm nghề hoặc việc làm của họ ổn định; 93,70% các hộ gia đình đều thừa nhận nhờ học tập mà họ thoát nghèo, nhiều gia đình có thu nhập cao hơn trước nhiều, có một số hộ trở nên giàu có; 69,20% hộ gia đình cho biết, họ đã làm ra nhiều sản phẩm hàng hoá ở địa phương, được bao tiêu đầu ra, góp phần tạo ra những giá trị mới.
Giai đoạn 2021-2026, Hội Khuyến học Việt Nam tập trung đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình học tập với các chỉ tiêu cụ thể như: 50% số người trong độ tuổi lao động đạt danh hiệu "Công dân học tập"; 70% số gia đình được công nhận danh hiệu "Gia đình học tập"; 65% số dòng họ được công nhận danh hiệu "Dòng họ học tập"; 65% số cộng đồng (thôn, bản, tổ dân phố và tương đương) được công nhận danh hiệu "Cộng đồng học tập"...
Theo kế hoạch, Đại hội đại biểu khuyến học toàn quốc lần thứ VI, nhiệm kỳ 2021-2026, sẽ diễn ra trong ngày 30-11 và 1-12-2021, tại Hà Nội, theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn