Tại buổi làm việc, bà Rơ Chăm H’Hồng - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Gia Lai - đã báo cáo nhanh một số kết quả nổi bật của công tác Hội và phong trào phụ nữ từ đầu năm đến nay và phương hướng nhiệm vụ đến cuối năm 2023.
Theo đó, từ đầu năm đến nay, Hội LHPN tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ thông qua các phong trào thi đua, các cuộc vận động; triển khai đồng bộ chủ đề năm gắn với thực hiện khâu đột phá "Đồng hành xây dựng chi hội vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới" của Hội LHPN tỉnh; tập trung nguồn lực hỗ trợ phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế; tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới; thành lập và vận hành Uỷ ban kiểm tra các cấp Hội; lồng ghép và thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia,...
Tổ chức 727 buổi tuyên truyền với 306.196 lượt hội viên, phụ nữ tham gia; Xây dựng và cấp phát 1.493 cặp tài liệu cho chi hội trưởng phụ nữ trên địa bàn tỉnh, có 969 lượt cán bộ Hội các cấp đi làm việc tại cơ sở; Trao phương tiện sinh kế, hỗ trợ ngày công, tặng nhu yếu phẩm và xây mới, sửa chữa "Mái ấm tình thương" cho hội viên, phụ nữ nghèo với số tiền trên 2,2 tỷ đồng; 17/17 đơn vị tiến hành bầu và đã được chuẩn y Ủy ban Kiểm tra, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra với 61 ủy viên; Triển khai thí điểm 07 CLB "5 có 3 sạch" với 235 thành viên, xây dựng 07 CLB "Nhà sạch, vườn đẹp"/"Nhà sạch, ngõ đẹp" với 213 thành viên; Các cấp Hội đã đăng ký và vận động nguồn lực giúp 4.420 hộ phụ nữ nghèo, cận nghèo thoát nghèo năm 2023; Thành lập được 129 mô hình "Tổ truyền thông cộng đồng" với 1.198 thành viên; 14 mô hình "Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng" với 112 thành viên; củng cố, duy trì nâng cao chất lượng 12 mô hình "Địa chỉ tin cậy" với 114 thành viên; 19 CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi" với 570 thành viên,...
Cũng tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận làm rõ các gợi ý do đồng chí Phó Chủ tịch Trung ương Hội nêu ra; chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai công tác Hội và phong trào phụ nữ gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Đồng thời đề xuất, kiến nghị với Trung ương Hội LHPN Việt Nam 4 nội dung, cụ thể:
(1) Về cách tính hội viên, thu hội phí đối với các đối tượng phụ nữ cao tuổi, phụ nữ không có mặt tại địa bàn dân cư;
(2) Mở rộng địa bàn và đối tượng thụ hưởng Dự án 8 đối với các xã, thôn, làng có tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên 80% (mà không thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn); bổ sung thêm đối tượng thí điểm và nhân rộng mô hình hỗ trợ phát triển sinh kế cho Phụ nữ DTTS thuộc hộ nghèo, cận nghèo, phụ nữ khuyết tật, nạn nhân mua bán người;
(3) Quan tâm xây dựng Đề án về luân chuyển cán bộ Hội chuyên trách các cấp để tạo kiều kiện để cán bộ được cọ sát;
(4) Trung ương Hội có văn bản đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện để Hội LHPN cấp tỉnh triển khai khâu đột phá Ứng dụng công nghệ thông tin và chủ đề năm 2024.
Kết luận buổi làm việc, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh ghi nhận và đánh giá cao những kết quả của Hội LHPN tỉnh Gia Lai đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời, tiếp thu những đề xuất, kiến nghị của Hội LHPN tỉnh Gia Lai để báo cáo Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội và các Bộ, ngành có liên quan xem xét bổ sung, điều chỉnh phù hợp.
Để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian tới, bà Tôn Ngọc Hạnh đề nghị Hội LHPN tỉnh cần quan tâm triển khai thực hiện một số nội dung sau: Tổ chức Hội thảo chuyên đề để bàn các giải pháp giải quyết những vấn đề cấp thiết cho phụ nữ, trẻ em tại địa phương; Tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội; Rà soát, kiểm tra lại quy chế làm việc của Ban Chấp hành, quy chế chi tiêu nội bộ đảm bảo chặt chẽ, tránh sai sót; Lan tỏa, nhân rộng các mô hình, cách làm hay trong việc hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; Đổi mới nội dung, đa dạng các hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ, trẻ em, nhất là phụ nữ, trẻ em vùng sâu, vùng xa, người dân tộc thiểu số; Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức Hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong việc lên tiếng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho phụ nữ, trẻ em; Chỉ đạo các cấp Hội tích cực tham gia cuộc thi "Sáng tác sản phẩm truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới dành cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi" lần thứ nhất năm 2023 do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức,...
Trong thời gian qua, công tác cán bộ nữ được cấp ủy, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm; đội ngũ cán bộ nữ ngày càng khẳng định vị trí vai trò trong hệ thống chính trị cả về số lượng lẫn chất lượng. Theo đó, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy, đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp tăng so với nhiệm kỳ trước đó, cụ thể:
Về Cán bộ nữ tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025: Cấp tỉnh: 8/53 đồng chí (đạt 15,09%, tăng 0,59% so với nhiệm kỳ 2015-2020); cấp huyện: 119/597 đồng chí (đạt 3,26%, tăng 2,2% so với nhiệm kỳ trước); cấp xã: 739/2662 đồng chí (đạt 27,76% tăng 5,43% so với nhiệm kỳ 2015-2020);
Nữ đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026: 3/8 đại biểu Quốc hội, (đạt 37,5%, tăng 9% so với nhiệm kỳ trước). Nữ đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2026: Cấp tỉnh: 22/71 đại biểu (đạt 30,9%, tăng 2,2% so với nhiệm kỳ trước); cấp huyện: 161/571 đại biểu (đạt 28,2% , tăng 0,3% so với nhiệm kỳ trước); cấp xã: 1.423/4.997 đại biểu (đạt 28,48%, tăng 1,8% so với nhiệm kỳ trước).
Bên cạnh đó, các cấp Hội quan tâm đến công tác bồi dưỡng, giới thiệu kết nạp đảng viên nữ, hiện nay (tính đến tháng 6/2023) số lượng đảng viên nữ trong toàn tỉnh 23.428/64.695 đảng viên (đạt tỷ lệ 36,2%).
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn