Tham gia đoàn công tác có đại diện Bộ KH&ĐT, Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới Bộ NN&PTN, Văn phòng giảm nghèo Bộ LĐTB&XH.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo TP Cần Thơ đã báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Các thành viên đoàn công tác đã trao đổi, thảo luận để làm rõ hơn công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện và những bài học kinh nghiệm trong triển khai hai chương trình mục tiêu quốc gia của thành phố.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Đỗ Thị Thu Thảo ghi nhận: Năm 2018, Thành phố Cần Thơ đã đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện chương trình; hoàn thiện cơ chế, chính sách hướng dẫn, triển khai chương trình, ban hành được bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao TP Cần Thơ giai đoạn 2018-2020 để các địa phương phấn đấu thực hiện và thực hiện mô hình điểm xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, giai đoạn 2018-2020.
Trong chỉ đạo và điều phối các hoạt động, Thành phố đã chú trọng công tác phối hợp giữa các cơ quan, phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể, phát huy vai trò nhân dân thông qua các cuộc vận động như ”Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” của MTTQ Việt Nam, Cuộc vận động ”Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” của Hội LHPN Việt Nam, các phong trào của Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Cựu chiến binh... Chú trọng kiểm tra, theo dõi, giám sát, đánh giá các chương trình, thực hiện 146 cuộc kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm và đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn.
Là địa phương thuộc diện không được ngân sách Trung ương hỗ trợ vốn cho các công trình thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia nên Thành phố đã có nhiều nỗ lực cố gắng huy động nguồn lực. Tổng số vốn 02 chương trình trên 2.200 tỷ đồng. Huy động ngoài ngân sách 106.636 triệu đồng. Trong đó, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới huy động từ doanh nghiệp trên 52 tỷ đồng và từ nhân dân đóng góp gần 27 tỷ đồng. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững vận động cộng đồng 27 tỷ đồng.
Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo được thực hiện có hiệu quả thông qua chương trình tín dụng ưu đãi, dạy nghề cho người nghèo, phát triển các mô rộng 50 mô hình giảm nghèo. Làm tốt chính sách hỗ trợ Bảo hiểm y tế, học phí, nhà ở cho các đối tượng chính sách.
Trong kết quả chung của Thành phố, có sự đóng góp tích cực của Hội LHPN thông qua nhiều kết quả thiết thực, đặc biệt là thông qua Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch". Với chủ đề năm 2018 là “Phụ nữ thực hiện an toàn thực phẩm”, Hội LHPN Thành phố đã bám sát chỉ đạo của TƯ Hội LHPNVN, cụ thể hóa phù hợp với đặc thù và nhiệm vụ của Thành phố. Có nhiều sáng tạo, cách làm hay, nhiều mô hình hiệu quả như mô hình: Phụ nữ kinh doanh, chế biến thực phẩm an toàn, Bếp ăn đảm bảo dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm; Trồng rau an toàn; Phụ nữ cam kết thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe gia đình và cộng đồng...
Cùng với việc ghi nhận kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN cũng chỉ ra những tồn tại, khó khăn trong xây dựng Nông thôn mới. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng việc huy động nguồn lực trong nhân dân và các doanh nghiệp chưa cao. Thành phố phải tự cân đối ngân sách địa phương nên chưa đáp ứng đủ nhu cầu, phân bổ vốn về các huyện, tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng có nơi còn chậm.
Một số chính sách, dự án giảm nghèo (như hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo vùng nông thôn; lồng ghép hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật; hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo thuộc Vùng khó khăn; hỗ trợ tiền điện…) triển khai thực hiện còn chậm nên ảnh hưởng đến kết quả thực hiện chương trình.
Một số hạng mục công trình có vốn lớn và lồng ghép nhiều nguồn, liên quan đến nhiều đơn vị nên việc thu thập số liệu báo cáo chưa chính xác, cụ thể. Kinh phí hỗ trợ cho Hội hoạt động trong xây dựng nông thôn mới các cấp quận/huyện cơ sở không có, chủ yếu do các cấp Hội tự vận động, lồng ghép tuyên truyền; cấp Hội một số cơ sở chưa thực sự chủ động nên kết quả Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", xây dựng nông thôn mới chưa được như mong muốn.
Phó Chủ tịch Đỗ Thị Thu Thảo chỉ đạo trong thời gian tới, đề nghị Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG Thành phố Cần Thơ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, phát huy những sản phẩm thế mạnh của địa phương như cây ăn trái, lúa gạo. Tập trung công tác vận động quần chúng, huy động nguồn lực trong nhân dân và huy động doanh nghiệp đầu tư xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.
Ưu tiên bố trí nguồn ngân sách của Chương trình xây dựng Nông thôn mới để thúc đẩy đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; chú trọng nhân rộng những mô hình sáng tạo, hiệu quả các mô hình tại cơ sở.
Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Thành phố cần xác định rõ các tiêu chí trọng tâm để tập trung chỉ đạo, nhất là tiêu chí về đời sống nhân dân, môi trường, văn hóa và an ninh trật tự.
Đối với các xã đạt chuẩn, cần tiếp tục phấn đấu xây dựng nông thôn mới để nâng cao chất lượng các tiêu chí và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Đối với các xã đang phấn đấu đạt chuẩn, phải đảm bảo chất lượng, thực chất, không chạy theo thành tích. Đối với các xã khó khăn, cần tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu và thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, ưu tiên tập trung đầu tư ở cấp thôn/bản.
Cần Thơ đã đạt kết quả tốt về thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của các chương trình năm 2018: Đến cuối tháng 10/2018, 29/36 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới - chiếm tỷ lệ 80,55% tổng số xã. Dự kiến đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2020 là 36/36 xã, đạt 100% tổng số xã. có 1/4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến đến năm 2020: 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. |