Hội LHPN khu vực đồng bằng sông Cửu Long cần quyết liệt hơn trong công tác cán bộ nữ

17:59 | 14/07/2019;
Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị đối với các tỉnh/thành ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có tỉ lệ cán bộ nữ cao thì cần cố gắng giữ, không để giảm; còn đối với các tỉnh có tỉ lệ cán bộ nữ còn thấp thì cần quyết liệt hơn nữa.
Chiều ngày 14/7, tại tỉnh Bạc Liêu, Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức Hội thảo về kết quả thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW của các cấp Hội trong khu vực ĐBSCL. Tại hội thảo, lãnh đạo Hội LHPN các tỉnh/thành đã trình bày những khó khăn, thuận lợi liên quan đến việc thực hiện vấn đề thu hút hội viên, công tác cán bộ nữ... tại địa phương.
 
 
dsc_5999.jpg
Bà Nguyễn Thị Thu Hà (phải), Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, phát biểu chỉ đạo tại hội thảo
 
Bà Diệp Thị Thu Hồng, Chủ tịch Hội LHPN TP Cần Thơ, cho biết, đối với Cần Thơ, việc thực hiện thuận lợi, cấp Ủy có văn bản chỉ đạo, kế hoạch thực hiện, Hội LHPN các cấp trên địa bàn tỉnh cũng luôn chủ động tham mưu. Thành ủy TP Cần Thơ luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với Hội phụ nữ. Qua đó giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Tỉ lệ cán bộ nữ đạt từ cấp Thành phố đến quận huyện, xã phường.
 
Tuy nhiên, theo bà Hồng, tình trạng nhiều phụ nữ trên địa bàn TP Cần Thơ di cư đến các thành phố lớn như TPHCM, Bình Dương… cũng gây ra nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó ảnh hưởng đến việc thu hút, tập hợp hội viên; việc chăm sóc cho con em ở quê, gia đình.
  
Bà Lâm Lệ Hà, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Kiên Giang, cho biết, công tác bộ nữ trên địa bàn luôn được Tỉnh ủy quan tâm, tỉ lệ nữ tham gia cấp ủy, HĐND các cấp đạt tỉ lệ cao. Tuy nhiên, nguồn cán bộ nữ ở Kiên Giang trong nhiệm kỳ tới được đánh giá sẽ gặp nhiều khó khăn.
 
Theo Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Kiên Giang, cũng giống như các tỉnh ở khu vực ĐBSCL, hiện nay, Kiên Giang điều kiện còn khó khăn, giao thông chưa thuận tiện. Các công ty, nhà máy xí nghiệp trên địa bàn phát triển chậm, người dân chủ yếu là lao động nông thôn. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho lao động nữ di cư lên thành phố làm ăn xa rất đông, có cuộc sống vất vả. Khi quá tuổi lao động thì số lượng lao động này lại quay trở về quê gắn bó với ruộng vườn.
 
 
dsc_5979.JPG
Đại biểu phát biểu tại hội thảo

 

Chủ tịch Hội LHN nhiều tỉnh/thành khu vực ĐBSCL cho biết, việc tập hợp, thu hút hội viên ở nhiều tỉnh/thành trong khu vực hiện nay gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, tại nhiều địa phương, tỉ lệ cán bộ nữ cấp ủy thấp, nguyên nhân là nguồn cán bộ nữ bị thiếu hụt do điều kiện, năng lực. Ngoài ra, ở nhiều tỉnh/thành như Long An, Trà Vinh…, số vụ ly hôn những năm qua có chiều hướng tăng nhanh.
 
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, ý kiến của các đại biểu tại hội thảo đặt ra rất nhiều việc phải làm cho Hội LHPN các cấp hiện nay. Đối với các tỉnh có tỉ lệ cán bộ nữ cao thì cần cố gắng giữ, không để giảm; còn đối với các tỉnh có tỉ lệ cán bộ nữ còn thấp thì cần quyết liệt hơn nữa.
 
Chủ tịch Nguyễn Thị Thu Hà cũng bày tỏ sự tin tưởng đối với Hội LHPN các tỉnh/thành khu vực ĐBSCL và lưu ý Hội LHPN các tỉnh/thành trong khu vực cần chủ động, tâm huyết, có cách tiếp cận mới hơn trong hoạt động. Đặc biệt cần cố gắng đi đầu trong việc thực hiện các mô hình, hoạt động. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn