Dễ hiểu - dễ nhớ - dễ thực hiện
Là địa phương có số hội viên và phụ nữ lớn thứ 3 cả nước, trong nhiệm kỳ qua, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đã mạnh dạn, chủ động thay đổi tư duy, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, xác định mục tiêu hành động "lấy hạnh phúc và lợi ích của phụ nữ làm mục tiêu, lấy sự đồng thuận và tin tưởng của phụ nữ làm thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội".
Từ đó, Hội LHPN đã mạnh dạn đổi mới, nâng cao công tác tuyên truyền, lựa chọn nội dung, hình thức phù hợp, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện như: Phiên chợ truyền thông, phiên tòa giả định, cuộc thi sân khấu hóa, rung chuông vàng, đuổi hình bắt chữ, sử dụng tiếng dân tộc thiểu số để truyền thông tại vùng cao. Đối với các chủ đề năm: "An toàn cho phụ nữ và trẻ em", "Phụ nữ thực hiện an toàn thực phẩm" và cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", Hội LHPN tỉnh đã tập trung chỉ đạo xây dựng nhiều mô hình có hiệu quả thiết thực như: "Chi hội phụ nữ tự quản về vệ sinh an toàn thực phẩm", "Làng quê/khu dân cư an toàn cho phụ nữ và trẻ em", "Nhà sạch - vườn mẫu", "Nhà sạch - vườn đẹp"; "Đường hoa, đường tranh, hàng rào xanh", "Biến rác thành tiền"… Nhiều mô hình được đánh giá cao, được nhiều tỉnh, thành phố học tập, nhân rộng.
Đối với hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bên cạnh hỗ trợ phụ nữ tiếp cận vốn, khoa học kỹ thuật, dạy nghề, tạo việc làm, Hội đã chỉ đạo xây dựng các mô hình phát triển kinh tế tập thể, phù hợp với nhu cầu của phụ nữ và điều kiện phát triển của địa phương, thay đổi phương thức sản xuất truyền thống sang phương thức sản xuất mới, liên kết, hiệu quả và bền vững. Đến nay, toàn tỉnh xây dựng được 323 mô hình kinh tế, trong đó có 83 hợp tác xã, 84 tổ hợp tác, 156 tổ liên kết; giúp cho trên 15 ngàn hộ phụ nữ thoát nghèo.
Hơn 2.000 công trình, phần việc chào mừng Đại hội
Đặc biệt, hướng đến Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã phát động, xây dựng trên 2.000 công trình, phần việc. Trong đó, có 6 công trình triển khai đồng loạt quy mô cấp tỉnh: Công trình "Biến rác thành tiền", (phấn đấu toàn tỉnh đạt 10.000 suất quà trị giá 3 tỷ đồng); "250km Đường hoa - Đường tranh - Hàng cây - Hàng rào xanh" góp phần xây dựng nông thôn mới; "2.250 Nhà sạch - vườn mẫu", "Nhà sạch - vườn đẹp" được gắn biển thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; "500 sản phẩm do phụ nữ sản xuất được giới thiệu trên không gian mạng"; "6.000 bộ áo dài - sắc phục dân tộc ngày Tết" (tặng áo dài hoặc sắc phục dân tộc cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn với nội dung "Ai cần thì lấy, ai có thì tặng" tại các địa phương, đơn vị; vận động, khuyến khích chị em đồng loạt mặc áo dài hoặc sắc phục dân tộc trong 3 ngày Tết cổ truyền); "13.000 bức ảnh gia đình Việt - Sum vầy ngày Tết" (Đăng tải ảnh tuyên truyền trên trang cá nhân, Fanpage của Hội LHPN các cấp, lựa chọn các bức ảnh đẹp, ý nghĩa nhất tham gia cuộc thi bình chọn ảnh trên fanpage của Hội LHPN tỉnh).
Với niềm tin tưởng, kỳ vọng Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII sẽ tạo những bước chuyển biến mạnh mẽ trong phong trào phụ nữ và hoạt động Hội, cán bộ, hội viên, phụ nữ tỉnh Thanh Hoá mong muốn Đại hội sẽ đề ra những mục tiêu đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của phụ nữ. Đoàn Chủ tịch TƯ Hội sẽ sớm tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các đề án, dự án nhằm giải quyết các vấn đề mang tính chiến lược, đột phá của nhiệm kì, khuyến khích phụ nữ chủ động tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Bên cạnh đó, Hội LHPN Việt Nam cần định hướng chiến lược để các cấp Hội tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động Hội, chủ động thay đổi để thích ứng an toàn, linh hoạt, góp phần thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép", vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn