Hội LHPN Thanh Hóa: Nhiều hoạt động thiết thực ngăn chặn rác thải nhựa

20:27 | 21/05/2019;
Bằng các việc làm cụ thể, phong trào “Chống rác thải nhựa” do Hội LHPN Thanh Hóa triển khai đã dần nâng cao nhận thức, hình thành thói quen của cán bộ, hội viên trong việc sử dụng các sản phẩm dễ tiêu hủy, có thể tái sử dụng, thân thiện với môi trường.

Những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa ngày càng trở nên trầm trọng. Không chỉ ở các thành phố lớn, tại nông thôn, tình trạng này cũng là hồi chuông cảnh báo.  Theo thống kê, Việt Nam hiện đứng thứ 4 trên thế giới về khối lượng rác thải nhựa với khoảng 730.000 tấn rác thải nhựa ra biển. Trong khi đó, theo các chuyên gia, các sản phẩm nhựa và túi nilon dù mang lại các tiện ích, nhưng nó cũng chính là tác nhân gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người.

Theo bà Phạm Thị Thanh Thủy, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa, để hạn chế những tác hại do rác thải nhựa gây ra, thời gian qua, các cấp Hội phụ nữ tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực “chống rác thải nhựa”. Cụ thể, Hội phát động các cấp không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần. Thay vào đó, sử dụng cốc thủy tinh, cốc sứ hoặc bình/chai nước uống dùng nhiều lần khi hội họp, tiếp khách. Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 6 “Phiên chợ truyền thông nói không với thực phẩm bẩn” tại các địa phương trong tỉnh, qua đó tuyên truyền tiểu thương hạn chế sử dụng túi nilon, vận động người dân mang làn, hộp nhựa đựng thức ăn khi đi chợ.

htx-mi-truong-sm-sn.jpg
Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh trao xe trở rác cho HTX dịch vụ môi trường xã Quảng Vinh (TP. Thanh Hóa)

Bên cạnh đó, hưởng ứng tháng hành động vì môi trường năm 2019, Hội LHPN tỉnh thành lập 5 mô hình hợp tác xã dịch vụ thu gom rác thải do phụ nữ làm chủ tại TP. Thanh Hóa, Sầm Sơn, huyện Thọ Xuân (nâng tổng số mô hình do Hội thành lập đến nay là 17 mô hình); hỗ trợ xi măng cho 20 hộ gia đình phụ nữ nghèo tại xã Hiền Kiệt (huyện Quan Hóa) để xây dựng nhà vệ sinh, các công trình nước sạch; tổ chức các chiến dịch truyền thông, phổ biến đến hội viên, phụ nữ về nguy cơ ô nhiễm nhựa và nilon nhằm thay đổi thói quen, tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa dùng một lần. Chỉ đạo các cấp Hội duy trì, nhân rộng các mô hình tái chế rác thải nhựa như làm thiết bị giáo dục, đồ chơi cho học sinh từ lốp xe cũ (tại huyện Mường Lát), làm đèn trang trí từ hộp sữa chua, hộp chè (tại huyện Cẩm Thủy), làm chậu hoa, cây cảnh từ quần áo, khăn mặt cũ; làm làn đi chợ từ dây buộc kiện hàng bỏ đi của các khu công nghiệp (TP. Thanh Hóa)…

Tại các cấp Hội, các hoạt động phòng chống rác thải nhựa cũng được đẩy mạnh. Tổ chức ra mắt mô hình “Chi hội giảm thiểu túi nilon” tại phường Đông Cương (TP. Thanh Hóa); CLB phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon khi đi chợ (huyện Cẩm Thủy, Hà Trung, Đông Sơn); ra mắt chi hội kiểu mẫu 5 không, 3 sạch; Tổ hợp tác thu gom rác thải xã Quang Lộc (huyện Hậu Lộc) phân loại rác thải, tận dụng vỏ nhựa làm thành các bình hoa, chậu trồng cây cảnh. Hội LHPN huyện Thạch Thành đã có sáng kiến lấy vải vụn, quần áo rách bỏ đi chèn xung quanh gốc cây ăn quả để khi tưới nước vải vụn sẽ thấm nước và giữ ẩm cho cây giúp cây hấp thụ nước, phân tốt hơn, tiết kiệm được lượng nước thất thoát đất đồi nhờ giữ ẩm mà tơi xốp, giảm rửa trôi và xói mòn. Nhiều gia đình hội viên, phụ nữ và các trang trại trên địa bàn huyện đã áp dụng và mang lại hiệu quả rõ rệt, giảm được chi phí sản xuất, tăng năng suất cây trồng và góp phần bảo vệ môi trường.

ti-s-dng-rc-thi-thnh-bnh-hoa-cy-cnh-hulc.JPG
Thành viên Tổ hợp tác thu gom rác thải xã Quang Lộc (huyện Hậu Lộc) tái sử dụng rác thải thành bình hoa, chậu cây cảnh

Đặc biệt, Hội LHPN TP.Thanh Hóa tổ chức ký kết chương trình phối hợp với Công ty TNHH Tân Nam Phong thực hiện chương trình phối hợp “Thu gom nilon phế liệu đã qua sử dụng trên địa bàn TP. Thanh Hóa”. Theo chương trình ký kết, các cấp Hội sẽ tổ chức tuyên truyền vận động hội viên, phụ nữ và nhân dân thu gom nilon phế liệu tại hộ gia đình rồi nhập cho Chi hội. Phía công ty sẽ hỗ trợ kinh phí thu gom cho hội viên, phụ nữ là  5.000đ/kg; hỗ trợ cho cán bộ Chi hội trực tiếp thu nhận từ hội viên và bàn giao cho nhân viên công ty là 1.500đ/kg. Số phế liệu thu được, Công ty TNHH Tân Nam Phong sẽ tái chế phế liệu thành các sản phẩm sử dụng thân thiện với môi trường. Hội LHPN huyện Như Thanh đã xây dựng mô hình thùng rác gia đình, Hội LHPN huyện Hà Trung tổ chức hội nghị tập huấn phân loại, xử lý rác thải đầu nguồn…

Bà Phạm Thị Thanh Thủy cho rằng, bằng các việc làm cụ thể, phong trào “Chống rác thải nhựa” đã dần nâng cao nhận thức, hình thành thói quen của cán bộ, hội viên trong việc sử dụng các sản phẩm dễ tiêu hủy, có thể tái sử dụng, thân thiện với môi trường. Thời gian tới, các cấp hội tiếp tục chỉ đạo, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân tích cực thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” gắn với phong trào “Vì môi trường trong sạch". Những mô hình hay sẽ được các cấp hội nhân rộng, qua đó giảm thiểu rác thải nhựa và thay thế bằng cách sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn