Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Sau 05 năm triển khai thực hiện đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025" (Đề án 939) đã giúp cho doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nữ nói riêng phát triển cả về số lượng và chất lượng, tạo thêm nhiều việc làm, góp phần cải thiện đời sống cho nhân dân, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội.
Tại tọa đàm Phụ nữ khởi nghiệp: Cơ hội, thách thức và bài học thành công do Hội LHPN Việt Nam tổ chức, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa, Ngô Thị Hồng Hảo đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm thực tế hữu ích trong 5 năm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp.
+ Xin chị cho biết những nguồn lực quan trọng mà Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đã huy động được để thực hiện Đề án 939 tại địa phương trong thời gian qua?
Nhìn lại cách đây 5 năm khi chưa có đề án 939, thực hiện chương trình quốc gia khởi nghiệp và bám sát sự định hướng của Trung ương Hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khởi sự kinh doanh, thành lập doanh nghiệp và hợp tác xã (HTX) do nữ làm chủ.
Tuy nhiên, hoạt động này cũng gặp không ít khó khăn do nhận thức của xã hội, gia đình và bản thân người phụ nữ về cơ hội tham gia kinh doanh còn hạn chế; phụ nữ thiếu kiến thức và kỹ năng kinh doanh; khó khăn trong tiếp cận chủ trương, chính sách, tài chính, khoa học kỹ thuật; thiếu thông tin về thị trường và cơ hội nâng cao kiến thức; phần lớn cán bộ, hội viên, phụ nữ còn hiểu rất mơ hồ về kinh tế tập thể và các vấn đề thị trường nên chưa thấy được vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân, gia đình để chủ động khai thác các tiềm năng, lợi thế.
Ngoài ra phụ nữ do những hạn chế về giới nên thiếu thông tin cũng như khả năng kết nối, mở rộng các mối quan hệ, vì vậy khó khăn trong việc hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh và thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã...
Nhận thấy hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh, thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã là việc làm mang tính cấp thiết, đáp ứng nhu cầu của hội viên phụ nữ và yêu cầu của nền kinh tế thị trường nên Hội rất trăn trở. Chính vì vậy, ngay từ khi TƯ Hội LHPN Việt Nam dự kiến xây dựng đề án 939 trong dự thảo văn kiện Đại hội Đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đã đón đầu, chủ động nghiên cứu, tiếp cận các văn bản quy phạm pháp luật về Luật Hợp tác xã, luật Doanh nghiệp, khảo sát nhu cầu thực tiễn, phân tích khó khăn hạn chế, bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, lồng ghép thực hiện các chủ trương của Tỉnh có liên quan đến thành lập doanh nghiệp và hợp tác xã để xây dựng đề án triển khai trên địa bàn tỉnh nên đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ, thống nhất của Tỉnh ủy.
Đặc biệt, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Hội LHPN tỉnh đã đề xuất chủ trương và được Tỉnh ủy quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện để Hội phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh và các ban, ngành liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện đề án. Ngay sau khi Tỉnh ủy có chủ trương, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Đề án trên cơ sở đề xuất kế hoạch thực hiện của Hội. Theo đó, hàng năm Hội LHPN tỉnh đã được cấp nguồn kinh phí ổn định là 1,2 tỷ đồng để triển khai thực hiện các hoạt động đề án.
+ Chị đánh giá như thế nào về vai trò của những nguồn lực này trong việc góp phần tạo nên sự thành công của Đề án?
Với nguồn kinh phí được phê duyệt hàng năm, Hội LHPN tỉnh xác định đây là nguồn lực để kích cầu triển khai các hoạt động. Để thực hiện có hiệu quả Đề án, Hội LHPN tỉnh đã tăng cường vận động, lồng ghép vào các chương trình của tỉnh. Đồng thời tích cực khai thác các nguồn lực thông qua việc nghiên cứu, viết 22 đề xuất dự án, kế hoạch, đề án trình Sở, ban, ngành để xây dựng mô hình; tăng cường hoạt động phối hợp với các tổ chức quốc tế, dự án phi chính phủ, công ty, nhãn hàng, vận động xã hội hóa để tạo điều kiện giúp phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn, nâng cao năng lực, hỗ trợ kỹ thuật, giống cây, con giống, kết nối thị trường tìm đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời phối hợp chặt chẽ các ngành liên quan huy động nguồn lực hỗ trợ các ý tưởng đang có sản phẩm, thực hiện hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất, kinh doanh theo tiêu chuẩn an toàn.
Với sự nỗ lực của các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh trên con đường hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, kể từ khi đề án 939 đi vào cuộc sống, đã có 11.000 hội viên phụ nữ được truyền thông về khởi nghiệp kinh doanh; hơn 4.000 chị được hỗ trợ khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh, trong đó thành lập 699 doanh nghiệp nữ; 85 Hợp tác xã do nữ làm chủ được thành lập với gần 2.200 thành viên tham gia sản xuất, kinh doanh, tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như: Trồng trọt và chăn nuôi, thủ công mỹ nghệ,...
Đến nay, các doanh nghiệp, các mô hình Hợp tác do phụ nữ làm chủ đều phát huy hiệu quả, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế của địa phương, từng bước giải quyết những khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm tại chỗ cho nhiều lao động, nhất là lao động nữ.
+ Xin chị chia sẻ những hoạt động cụ thể của các cấp Hội phụ nữ tỉnh Thanh Hóa để đồng hành, hỗ trợ chị em khởi nghiệp?
Xác định công tác tuyên truyền, thay đổi nhận thức, thay đổi tư duy cách làm cho cấp ủy, chính quyền, cho cán bộ, hội viên phụ nữ và đặc biệt là cho cán bộ Hội là việc làm quan trọng quyết định đến hiệu quả của đề án. Hội đã duy trì thường xuyên công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, năng lực cho cán bộ Hội, hội viên, phụ nữ để cán bộ, hội viên, phụ nữ hiểu biết và nắm vững chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước, của Tỉnh và của Hội, từ đó phát huy vai trò của tổ chức Hội trong thúc đẩy thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã; vai trò, trách nhiệm của phụ nữ đối với sự phát triển kinh tế của địa phương; vận động hội viên phụ nữ phát huy sức mạnh nội lực, tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp, tích cực tham gia mô hình hợp tác xã và thành lập doanh nghiệp.
Các cấp Hội đã phối hợp tổ chức các "diễn đàn hướng nghiệp", hội thảo "chia sẻ cơ hội nghề nghiệp", tổ chức các sự kiện truyền thông tạo sân chơi cho chị em được giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong phát triển kinh doanh; nâng cao chất lượng chuyên mục "Phụ nữ khởi nghiệp" trên Trang thông tin điện tử và cuốn thông tin Phụ nữ Thanh Hóa; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa truyền thanh, trang mạng xã hội như facebook, zalo, fanpage của Hội; giới thiệu các tấm gương phụ nữ khởi nghiệp tiêu biểu, các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả của phụ nữ tại các địa phương trong tỉnh; xây dựng 458 tin, bài, phóng sự đăng tải trên các ấn phẩm báo chí tuyên truyền hoạt động của các cấp Hội trong thực hiện Đề án, mô hình kinh tế tiêu biểu trong khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, qua đó góp phần động viên, cổ vũ phụ nữ thi đua khởi nghiệp, làm giàu chính đáng.
Song song với công tác tuyên truyền, Hội tập trung rà roát, tìm kiếm, phát hiện ra những phụ nữ đã có ý tưởng khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp để hướng dẫn, hỗ trợ thành lập doanh nghiệp thông qua việc hàng năm tổ chức các lớp tập huấn về xây dựng ý tưởng, khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; phát động cuộc thi "Ý tưởng, sản phẩm sáng tạo, khởi nghiệp", tổ chức "Ngày phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp" để phát hiện ra những nhân tố có ý tưởng khởi sự kinh doanh, từ đó giúp đỡ, tư vấn, đồng hành, hỗ trợ; đồng thời phối hợp với Hiệp hội doanh nhân nữ để hỗ trợ những nhân tố này thành lập doanh nghiệp nữ.
Đối với HTX, Hội chú trọng phát hiện những nơi đang có điều kiện để phát triển kinh tế tập thể như: Tổ hợp tác, tổ liên kết đang hoạt động hiệu quả, những địa phương có làng nghề truyền thống, có điều kiện phát triển chăn nuôi, trồng trọt và đang có chủ trương thành lập hợp tác xã để phối hợp với chính quyền địa phương kích cầu, hỗ trợ thành lập hợp tác xã.
+ Trong thời gian tiếp theo, hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp được Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa triển khai như thế nào?
Khởi nghiệp là con đường để phụ nữ vươn lên, phát huy khả năng, sức sáng tạo để đạt đến sự phát triển bền vững. Trong thời gian tới, để góp phần thực hiện các mục tiêu đề án 939 đã đề ra, các cấp Hội trong tỉnh sẽ tiếp tục làm tốt vai trò tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền, làm tốt hơn nữa sứ mệnh đồng hành và là cầu nối để phụ nữ tiếp cận thông tin thị trường, kiến thức về quản lý tài chính, khoa học kỹ thuật, vốn vay ưu đãi; hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm do chị em trực tiếp sản xuất, kinh doanh. Ðồng thời biểu dương, tôn vinh các điển hình làm kinh tế giỏi, khởi nghiệp thành công, tạo điều kiện để phụ nữ tự tin làm chủ tương lai, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội.
+ Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn