HTX nông nghiệp Tuấn Ngọc (phường Phú Hữu, TP Thủ Đức, TPHCM), đơn vị chuyên sản xuất rau sạch công nghệ cao là một trong những HTX tại TPHCM có phụ nữ tham gia vai trò quản lý. HTX có 7 thành viên, trong đó có 2 thành viên là nữ. Chị Trương Ngọc Nhi tham gia quản lý HTX với vai trò là Phó Giám đốc.
"Một trong những lý do HTX ra đời là chúng tôi muốn người dân tại TPHCM được dùng rau sạch, với giá cả phải chăng; phụ nữ tại địa phương có việc làm ổn định. Từ 1 vườn ban đầu với diện tích 1.000m2, đến nay, HTX đã xây dựng thêm nhiều vườn khác với tổng diện tích 10.000m2. HTX đã giải quyết việc làm cho 13 lao động tại địa phương, những lúc đơn hàng nhiều HTX tuyển thời vụ, có thêm nhiều chị em cùng tham gia", chị Nhi chia sẻ.
Việc duy trì, phát triển HTX, ngoài sự nỗ lực của các thành viên, HTX còn được hội LHPN và các ban ngành địa phương tích cực hỗ trợ. "Vì tôi là hội viên hội phụ nữ nên thường tham gia các hoạt động với Hội LHPN ở phường, thành phố. Các chị phụ nữ hỗ trợ tôi vay vốn khởi nghiệp, quảng bá giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ tiêu thụ một phần về đầu ra sản phẩm, giới thiệu tham gia các lớp tập huấn về quản lý HTX, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số…"- chị Nhi cho biết.
Chị Trịnh Thị Mãi, thành viên HTX nông nghiệp Tuấn Ngọc, cho biết: Từ khi trở thành thành viên HTX, chị có được nguồn thu nhập ổn định, các anh chị trong HTX vừa mới hỗ trợ chị thuê mặt bằng để mở cửa hàng bán vật tư nông nghiệp riêng.
"Em là mẹ đơn thân nên gánh nặng về kinh tế luôn là vấn đề lớn. Nhờ có HTX nông nghiệp Tuấn Ngọc, em biết cách làm kinh tế, mẹ con em có cuộc sống ổn định. Ngoài việc tham gia sản xuất, quản lý tại vườn trên địa bàn phường Phú Hữu, em còn được hỗ trợ mở cửa hàng riêng để bán các sản phẩm rau sạch, giá thể trồng rau, đất trồng… Phía Hội LHPN phường đang hỗ trợ em làm hồ sơ vay vốn. Trước đó, các chị đã cho em tham gia các lớp học về khởi nghiệp. Nhờ đó, em học hỏi, giao lưu với các chị đã thành công, em cảm thấy mạnh dạn hơn, giao tiếp tốt hơn", chị Mãi chia sẻ.
Không chỉ hỗ trợ phát triển kinh tế cho các thành viên trong HTX, hiện nay, HTX nông nghiệp Tuấn Ngọc còn liên kết với Hội LHPN để tạo công việc cho các chị em trên địa bàn.
Chị Lê Thị Hòa, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ khu phố 8 (phường Phú Hữu, TP. Thủ Đức) cho biết: "Hiện nay, Chi hội phụ nữ khu phố 8 chúng tôi đang tổ chức bán rau sạch của HTX Tuấn Ngọc để gây quỹ giúp đỡ các hội viên có hoàn cảnh khó khăn cũng như trẻ em lang thang, cơ nhỡ. Ngoài ra, các chị hội viên khác cũng có thể mua rau về bán. Chị em được mua rau giá sỉ, như vậy sẽ có lợi nhuận nhiều hơn, góp phần phát triển kinh tế gia đình".
Hội LHPN TPHCM đang tích cực triển khai Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030" (Đề án 01), với mong muốn hỗ trợ được nhiều chị em phụ nữ tham gia phát triển kinh tế tập thể, HTX, tạo việc làm cho lao động nữ vượt qua những ảnh hưởng của thoái kinh tế hiện nay.
HTX Đồng nhất.vn (quận Tân Phú, TPHCM) là HTX đầu tiên trên địa bàn TPHCM được thành lập theo Đề án 01. HTX thành lập nhằm "hợp sức" các thành viên, hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh, mang lại lợi ích vật chất và tinh thần cho tất cả các thành viên, tập thể và cộng đồng. Sau hơn 1 năm hoạt động, HTX bắt đầu nhận thấy một số khó khăn.
Chị Lê Thị Xuân Thủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX Đồng nhất.vn, cho biết: "HTX chúng tôi chuyên kinh doanh các sản phẩm về đặc sản vùng miền. Hàng hóa được bán từ HTX có sự uy tín nhất định, tạo được lòng tin với người dùng. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện nay là sức mua của thị trường giảm xuống, người dân khó khăn, chi tiêu thắt lưng buộc bụng, nên đầu ra hơi khó. Sắp tới, tôi sẽ nhờ bên Hội LHPN kết nối các phường với nhau, kết nối với các chị em khởi nghiệp để bán hàng chéo nhau, nhằm tăng thêm đầu ra".
Chị Trương Ngọc Nhi, Phó giám đốc HTX nông nghiệp Tuấn Ngọc, cũng đề xuất: "Hiện nay, HTX có thể cung cấp cho thị trường được 800-900 kg rau/ngày, tuy nhiên chúng tôi chỉ bán được tầm 400-500 kg rau/ngày. Do kinh tế khó khăn nên người dân thường nghĩ rau thủy canh sẽ đắt hơn, họ tiết kiệm hơn trong việc chi tiêu. Tuy nhiên, giá bán rau của HTX khá vừa túi tiền, chị em rất dễ mua. HTX mong muốn được hỗ trợ thêm về đầu ra, giới thiệu HTX vào các kênh siêu thị, kênh bán lẻ tại địa phương; hỗ trợ thêm về vốn để nhập thêm máy móc, nguyên liệu đầu vào…".
Để giúp chị em vững tin với mô hình kinh tế tập thể, thời gian qua, các cấp Hội LHPN TPHCM đã tích cực xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ Hội và Đề án 01, phát huy vai trò của chị em, phụ nữ trong tham gia, phát triển kinh tế tập thể, HTX.
Theo Hội LHPN TPHCM, trong giai đoạn đầu, Hội duy trì tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức nâng cao năng lực hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX cho cán bộ Hội không chuyên trách và thành viên lãnh đạo HTX, tổ hợp tác; truyền thông giới thiệu một số điểm mới của Luật HTX năm 2023 (sửa đổi); các chính sách của nhà nước, địa phương về phát triển kinh tế tập thể, HTX. TP Thủ Đức và 21 quận, huyện trên địa bàn năm nào cũng phối hợp với Liên minh HTX thành phố tổ chức ít nhất một lớp để truyền thông về nội dung liên quan đến Đề án 01. Trong năm 2023, Hội LHPN TPHCM đã hỗ trợ thành lập được 6 HTX theo Đề án 01.
"Thực hiện Đề án 01 là một trong những nội dung quan trọng mà Hội LHPN TPHCM quan tâm. Hội đã lên kế hoạch, tổ chức truyền thông, đi sâu đi sát để nắm thông tin những chị em đang sản xuất hay có dịch vụ kinh doanh cùng ngành nghề để liên kết lại với nhau, thành lập mô hình HTX để cùng nhau phát triển. Hội vừa động viên tinh thần, vừa hỗ trợ cho chị em kết nối với doanh nghiệp, các chuyên gia để học hỏi kinh nghiệm, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh".
Bà Trần Thị Phương Hoa, Phó Chủ tịch Hội LHPN TPHCM
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn