Hội LHPN Việt Nam đóng vai trò nòng cốt trong bảo vệ an toàn cho phụ nữ và trẻ em

22:56 | 25/06/2019;
An toàn cho phụ nữ và trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó Hội LHPN Việt Nam đóng vai trò nòng cốt. Hội hướng đến việc đảm bảo cho phụ nữ và trẻ em an toàn về sức khỏe, dinh dưỡng, tinh thần, không bị bạo lực gia đình, xâm hại, bạo lực học đường…
Sự an toàn của phụ nữ, trẻ em là mục tiêu xuyên suốt trong hoạt động Hội
 
Tại Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam - Hàn Quốc lần thứ 7 diễn ra tại Hà Nội ngày 25/6, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng Ban Gia đình - Xã hội, TƯ Hội LHPN Việt Nam, nhấn mạnh, an toàn là nhu cầu cơ bản của con người, là tiền đề quan trọng cho sự phát triển của cá nhân, là hạnh phúc của mỗi gia đình, là điều kiện không thể thiếu được cho sự phát triển bền vững của xã hội.
 
Được sống trong không gian an toàn vừa là nhu cầu cơ bản, thiết thực, vừa là nhu cầu chiến lược cho sự phát triển toàn diện của phụ nữ và trẻ em. Một không gian thiếu an toàn sẽ hạn chế khả năng tham gia học tập, lao động của phụ nữ và trẻ em, hạn chế sự tiếp cận của phụ nữ và trẻ em với các dịch vụ cơ bản cũng như tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí.
 
Không gian sống không an toàn sẽ tạo ra những tác động tiêu cực đến sự phát triển về thể chất, tinh thần và là yếu tố tiềm ẩn ảnh hưởng  đến an ninh, an toàn và sự phát triển bền vững của toàn xã hội.
 
 
tuyet-mai.JPG
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng Ban Gia đình - Xã hội, TƯ Hội LHPN Việt Nam

 

An toàn cho phụ nữ và trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó Hội LHPN Việt Nam đóng vai trò nòng cốt. Hội hướng đến các nội dung quan trọng sau: An toàn về sức khỏe, dinh dưỡng, tinh thần; an toàn không bị bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, trẻ em; bạo lực học đường; an toàn trong tiếp cận các dịch vụ thiết yếu (nước sạch, vệ sinh, giáo dục); an toàn nơi làm việc; trong không gian mạng; an toàn không bị tai nạn giao thông, tai nạn thương tích; an toàn vệ sinh thực phẩm; an toàn về tín dụng, phát triển kinh tế; an toàn trong quan hệ hôn nhân, an toàn cho phụ nữ và trẻ em  yếu thế; an toàn không bị ảnh hưởng thiên tai, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường…
 
Hội lấy hạnh phúc và sự an toàn của phụ nữ, trẻ em là mục tiêu xuyên suốt trong tổ chức hoạt động. Bên cạnh đó, các địa phương xác định các vấn đề để lựa chọn nội dung an toàn phù hợp, xây dựng kế hoạch thực hiện. Hội cung cấp kỹ năng, kiến thức để phụ nữ, trẻ em tự bảo vệ bản thân; xây dựng mô hình hỗ trợ phụ nữ, trẻ em; tập trung giám sát, lên tiếng bảo vệ các đối tượng yếu thế.
 
Ngoài ra, Hội tham mưu, đề xuất xây dựng chính sách, pháp luật đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em như đề xuất xây dựng Luật phòng chống xâm hại phụ nữ, trẻ em; đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu cho lao động nữ phù hợp với nhóm đối tượng; đề xuất xây dựng quy định về phòng chống quấy rối nơi làm việc; sửa đổi Nghị định xử phạt hành chính…
 
 
an-toan-cho-phu-nu-va-tre-em-1.jpg
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam và các đại biểu cùng các em học sinh Thủ đô Hà Nội tại Lễ phát động “Năm An toàn cho phụ nữ và trẻ em” ngày 6/3/2019

  

Hội còn tổ chức hoạt động truyền thông, các hội thảo/hội nghị/tọa đàm/đối thoại nâng cao nhận thức, huy động sự tham gia của các cấp các ngành, của cộng đồng; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng an toàn cho phụ nữ, trẻ em. 
 
Hội tổ chức Hội thảo Quốc gia “Không gian an toàn cho phụ nữ”; Tọa đàm “Đề xuất chính sách về bạo lực trên cơ sở giới và bình đẳng giới cho phụ nữ khuyết tật; tập huấn kiến thức an toàn cho phụ nữ, trẻ em khi tham gia giao thông cho 500 lái/phụ xe buýt tại Hà Nội.
 
Phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới
 
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai chia sẻ, điều quan trọng khác là Hội tập trung phát hiện, tiếp nhận, tham gia giải quyết và lên tiếng bảo vệ phụ nữ, trẻ em bị xâm hại, bạo lực. Hội thành lập Tổ công tác tham mưu giải quyết các vụ việc, điểm nóng, Tổ Tư vấn pháp luật và tâm lý. 
 
Trong 6 tháng đầu năm 2019, Hội đã tham gia giải quyết 16 vụ liên quan đến bảo vệ phụ nữ và trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại. Hội còn chỉ đạo xây dựng Mô hình thành phố an toàn, làng quê an toàn; xây dựng 500 nhóm cha mẹ trong CSPT trẻ thơ; mô hình làm 4.000 nhà tiêu hợp vệ sinh cho phụ nữ, trẻ em nghèo/khuyết tật…
 
Các mô hình an toàn của Hội đã phát huy hiệu quả, hỗ trợ, cung cấp thông tin, kiến thức, kỹ năng để phụ nữ, trẻ em ứng phó với những nguy cơ mất an toàn, đồng thời đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của phụ nữ cùng chung tay đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em.
 
 
thanh-cam.JPG
Bà Nguyễn Thanh Cầm - Trưởng Ban Chính sách - Luật pháp, TƯ Hội LHPN Việt Nam

 

Còn bà Nguyễn Thanh Cầm - Trưởng Ban Chính sách - Luật pháp, TƯ Hội LHPN Việt Nam, nhấn mạnh, trong giai đoạn 2013 - 2018, các cấp Hội đã giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống mua bán người, Luật Trẻ em, Bình đẳng giới...
 
Theo bà Nguyễn Thanh Cầm, các cấp Hội đã thành lập và vận hành hiệu quả nhiều Mô hình cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực như câu lạc bộ đồng cảm, câu lạc bộ Phụ nữ với pháp luật, câu lạc bộ bình đẳng giới.
 
Mô hình “CLB Nam giới tiên phong phòng chống bạo lực gia đình” của Hội LHPN thành phố Đà Nẵng là mô hình nổi bật trong việc huy động sự tham gia của nam giới đối với việc xoá bỏ bạo lực đối với phụ nữ.
 
Còn Mô hình Ngôi nhà Bình yên được thành lập 2007 đến nay. Tính từ tháng 3/2007 đến tháng 11/2018, Ngôi nhà bình yên đã cung cấp dịch vụ tham vấn về quyền phụ nữ, bình đẳng giới, bạo lực gia đình, mua bán người và xâm hại tình dục cho 8.974 người. Ngoài ra, Ngôi nhà Bình yên cung cấp dịch vụ hỗ trợ toàn diện  cho 1.157 phụ nữ và trẻ em.
 
an-toan-cho-phu-nu-va-tre-em-2.jpg
Lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam cùng lãnh đạo Bộ Công an, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao ký kết chương trình phối hợp vào tháng 3/2019 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn