Chương trình nghị sự về giới của Kế hoạch Colombo là ưu tiên của Việt Nam
Tại Diễn đàn, Ủy viên TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh, Việt Nam sớm ký kết và tham gia các cam kết quốc tế về phụ nữ và bình đẳng giới như Công ước CEDAW, Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, Mục tiêu Thiên niên kỷ và hiện nay là Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Việt Nam được đánh giá là quốc gia có hệ thống luật pháp, chính sách tiến bộ về phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới và đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ về bình đẳng giới, xóa bỏ khoảng cách giới, đặc biệt là trong lĩnh vực lao động, việc làm, chăm sóc sức khỏe, giáo dục.
Theo Báo cáo Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ 2015 (MDG 2015), Việt Nam đã có được thành công ấn tượng với việc đạt được tất cả các chỉ tiêu của Mục tiêu số 3 về tăng cường bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế cho phụ nữ. Tỷ lệ phụ nữ tham gia quốc hội khóa XIV (2016 - 2021) đạt 26,7%, đưa Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỷ lệ nữ đại biểu quốc hội cao ở khu vực và thế giới. Về chỉ số khoảng cách giới, Việt Nam có một số chỉ số thành phần khá cao như sự tham gia và cơ hội kinh tế của phụ nữ, thứ 33/149 nước (số liệu 2018).
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn gặp nhiều thách thức trong việc đảm bảo bình đẳng giới thực chất. Khoảng cách giới vẫn còn tồn tại trong nhiều lĩnh vực. Tình trạng bất bình đẳng giới và bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em còn chưa giảm. Lao động nữ chiếm số đông trong những ngành nghề có vị thế thấp, không đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật cao. Còn tồn tại khoảng cách thu nhập giữa nam và nữ và tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh…
Theo Chủ tịch Thu Hà, với tư cách là đầu mối Giới của Việt Nam trong Kế hoạch Colombo từ năm 2017, Hội LHPN Việt Nam rất vinh dự phối hợp với Chương trình Giới của Kế hoạch Colombo tổ chức Hội nghị Đầu mối Giới lần thứ 4. Hội nghị sẽ là diễn đàn để các nước thành viên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, thực hành tốt cũng như những thách thức về nâng cao quyền năng giới, công bằng giới, ứng phó với thảm họa khí hậu, bảo vệ và phát triển trẻ em... Các đầu mối Giới sẽ cùng nhau thảo luận kế hoạch hợp tác trong Chương trình Giới trong thời gian tới, đưa ra các khuyến nghị, đồng thời trao đổi về việc thành lập Mạng lưới đầu mối Giới của Kế hoạch Colombo nhằm hỗ trợ tốt hơn vấn đề giới ở các nước thành viên. Đây là cơ hội tốt để Hội LHPN Việt Nam mở rộng quan hệ hợp tác với đầu mối Giới của các quốc gia thành viên - những tổ chức có cùng chung tôn chỉ mục đích với Hội: Thúc đẩy tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới, đóng góp vào sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia và cộng đồng thế giới nói chung.
Hội nghị Đầu mối Giới lần thứ 4 một lần nữa thể hiện sự đóng góp và cam kết ngày càng mạnh mẽ của Việt Nam và Hội LHPN Việt Nam hướng đến mục tiêu phát triển phụ nữ và bình đẳng giới. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh đặc biệt ý nghĩa khi chúng ta đang rà soát 25 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh và 5 năm thực hiện các mục tiêu Phát triển Bền vững. Hội nghị của chúng ta sẽ đóng góp nhiều bài học ý nghĩa cho quá trình rà soát những cam kết quan trọng nói trên, càng khẳng định thêm một điều mà chúng ta đã nhận thức sâu sắc: Không thể có phát triển bền vững nếu không có bình đẳng giới thực chất, không đảm bảo quyền của phụ nữ và trẻ em.
Còn Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho biết, phụ nữ Việt Nam chiếm 47,8% lực lượng lao động cả nước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của lao động nữ là 71,2%. Tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ là 26,54%. Ngày càng có nhiều gương mặt nữ doanh nhân và nữ giám đốc điều hành tiêu biểu của Việt Nam được các diễn đàn kinh tế thế giới ghi nhận và tôn vinh. Đây là những thành tựu nổi bật đã được bạn bè quốc tế đánh giá cao khi Chính phủ Việt Nam tham dự và chia sẻ tại Hội nghị Bộ trưởng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương kiểm điểm 25 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh về bình đẳng giới và nâng cao quyền năng của phụ nữ tại Bangkok (Thái Lan) vừa rồi. "Chương trình nghị sự về giới của Kế hoạch Colombo cũng đang là những ưu tiên hiện nay của Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi rất coi trọng và sẵn sàng đóng góp, hợp tác chặt chẽ để thực hiện sứ mệnh chung, đồng thời cũng mong muốn nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ của Tổ chức để thực hiện thành công các mục tiêu về bình đẳng giới ở Việt Nam", thứ trưởng nhấn mạnh.
Huy động nguồn lực nâng cao quyền năng giới
Cũng tại hội nghị, Đại sứ Phan Kiều Thu - Tổng Thư ký Kế hoạch Colombo cho biết, kể từ khi Kế hoạch Colombo thành lập Chương trình năm 2014, Kế hoạch đã tích cực tìm kiếm cơ hội hợp tác với các nước trong khu vực và các nước láng giềng về các vấn đề liên quan đến giới, quyền và bảo vệ trẻ em. Hội nghị đầu mối Giới đã trở thành hoạt động thường niên của Chương trình giới, với mục tiêu chính là phối hợp nhằm tăng cường hợp tác toàn cầu và khu vực để giải quyết các thách thức chính hiện nay đối với phụ nữ và trẻ em. Mục tiêu của Kế hoạch Colombo là hỗ trợ để có một tiếng nói chung ủng hộ quyền và bảo vệ phụ nữ, trẻ em trai và trẻ em gái dễ bị tổn thương ở cấp độ toàn cầu, khu vực, quốc gia và địa phương.
Còn theo bà Tooba Mayel - Giám đốc Chương trình Giới, Kế hoạch Colombo, với chủ đề "Nâng cao Quyền năng Giới, Tính bền vững và Huy động nguồn lực", Hội nghị Đầu mối Giới năm nay tập trung vào tính bền vững kinh tế cho những người thụ hưởng của chương trình cũng như duy trì tính bền vững của các tổ chức, sử dụng tốt nhất các nguồn lực của mình có sẵn tại địa phương, khu vực và quốc tế. Sự tham gia và cam kết của mỗi quốc gia thành viên là rất cần thiết và sẽ góp phần vào chiến lược tổng thể để mở rộng và cải thiện việc trao quyền và lồng ghép giới được thúc đẩy bởi Chương trình Giới của Kế hoạch Colombo.
Hội nghị sẽ nêu bật những kinh nghiệm liên quốc gia, chia sẻ về ảnh hưởng của lập pháp đến các chủ đề sau:
-Nâng cao quyền năng giới, bền vững kinh tế và huy động nguồn lực: Huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân, tạo thu nhập và kinh tế hộ gia đình.
-Phòng chống và ứng phó bạo lực trên cơ sở giới: Huy động sự tham gia của nam giới và trẻ em trai vào giải quyết bạo lực trên cơ sở giới; Giải quyết nạn tảo hôn và hôn nhân ép buộc; Công bằng giới – Tăng cường thực thi công lý.
-Bảo vệ và phát triển trẻ em: Chăm sóc toàn diện cho trẻ em khuyết tật; Tội phạm trên mạng: Môi trường thân thiện an toàn cho trẻ em; Sức khỏe và an ninh dinh dưỡng cho trẻ em.
- Ứng phó với thảm họa khí hậu và sự ảnh hưởng tới phụ nữ và trẻ em cũng như phụ nữ bản địa: Tác động của sự phát triển và hoạt động cộng đồng đến môi trường; tầm quan trọng của việc thực hiện lồng ghép giới trong thích ứng biến đổi khí hậu; Làm thế nào để lồng ghép giới trong kế hoạch và hành động ứng phó và thích ứng với khí hậu.
Chương trình Giới (CPGAP) sẽ giới thiệu các sáng kiến mới, bao gồm các chương trình mới ở nhiều nước trong năm nay, bao gồm cả Việt Nam.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn