Bà Phạm Thị Thanh - Phó Trưởng ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Hội LHPN Việt Nam -trao đổi cùng báo PNVN những thông tin hữu ích liên quan đến các hoạt động hỗ trợ phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp kinh doanh được các cấp Hội phụ nữ triển khai theo Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025.
- PV: Xin bà cho biết Hội LHPN Việt Nam đã có những hoạt động gì để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh bình thường mới hiện nay?
Bà Phạm Thị Thanh: Thời gian qua, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch Covid-19 bùng phát, để giúp phụ nữ ứng phó với đứt gãy chuỗi tiêu thụ, đồng thời thích ứng với nền kinh tế số, các cấp Hội phụ nữ đã tổ chức hơn 800 khóa đào tạo cho hơn 87.000 phụ nữ về mô hình kinh doanh khởi nghiệp, quản trị kinh doanh, ứng dụng công nghệ công nghệ số trong bán hàng và kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. Kết quả đã có những phụ nữ nông thôn, những doanh nghiệp nữ có doanh số bán hàng trên các nền tảng số tăng lên đến 30 % so với trước đó.
Với tình hình bình thường mới sau đại dịch, thời gian tới, TƯ Hội LHPN Việt Nam sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội phụ nữ cả nước thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, vận động phụ nữ phát huy nội lực, hỗ trợ giúp nhau phát triển kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ phát triển, vận động phụ nữ phát huy nội lực hỗ trợ giúp nhau phát triển kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc tiến bộ văn minh mà Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII nhiệm kỳ 2022-2027 đã đặt ra.
- PV: Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm Hội LHPN được giao chủ trì thực hiện. Bà có thể chia sẻ kỹ hơn về chương trình này?
Bà Phạm Thị Thanh: Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025 được Thủ tướng Chính phủ giao cho Hội LHPN Việt Nam chủ trì thực hiện tại Quyết định số 939 ngày 30 tháng 6 năm 2017. Đây cũng là nội dung 3 thuộc nội dung thành phần số 9 của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. TƯ Hội LHPN Việt Nam sẽ tập trung để thực hiện các nội dung, chương trình trong Đề án. Đồng thời với đó là các nội dung hỗ trợ phát triển mô hình sinh kế cho phụ nữ nghèo, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp phát triển sản xuất thông qua mô hình kinh tế tập thể hợp tác xã, tổ hợp tác.
Đây là những nhiệm vụ trọng tâm mà Hội LHPN được giao chủ trì và tham gia thực hiện trong chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Theo đó, TƯ Hội LHPN Việt Nam sẽ hướng dẫn các cấp hội lồng ghép tập trung nguồn lực của Đề án của 3 chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án khác để thực hiện.
- PV: Cụ thể hơn, bà có thể chia sẻ về các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp Hội LHPN Việt Nam sẽ triển khai trong thời gian tới?
Bà Phạm Thị Thanh: Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các nội dung cụ thể như sau:
Thứ nhất là tiếp tục tổ chức cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp hằng năm tại các cấp Hội địa phương và cấp trung ương. Trên cơ sở đó sẽ lựa chọn những ý tưởng các đề án kinh doanh khởi nghiệp tiêu biểu khả thi để hỗ trợ hiện thực hóa giúp phụ nữ khởi nghiệp thành công.
Thứ hai là sẽ tập trung hỗ trợ theo chiều sâu cho các doanh nghiệp nữ mới thành lập có khả năng thâm nhập và đứng vững trên thị trường trong thời gian sớm nhất thông qua việc hỗ trợ từ các cố vấn, các chuyên gia, các doanh nghiệp đã thành công. TƯ Hội LHPN Việt Nam sẽ hỗ trợ để thành lập mạng lưới cố vấn khởi nghiệp từ hoạt động tư vấn, huấn luyện và để phụ nữ khởi nghiệp có khả năng nhận biết các vấn đề hạn chế mà bản thân hay chính doanh nghiệp của họ đang gặp phải, từ đó họ biết cách giải quyết vấn đề hoặc có thể có sẽ có những trợ giúp để giúp họ giải quyết các vấn đề của họ và vững bước thành công trên con đường khởi nghiệp phát triển kinh doanh.
Thứ ba, TƯ Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp tục nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ hội thông qua thành lập, duy trì cơ sở hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của các cấp hội mà trong đó vai trò của cán bộ hội sẽ là người kết nối, là người tổ chức, là người hướng dẫn các hoạt động cố vấn khởi nghiệp tư vấn cho các doanh nghiệp nữ mới thành lập và phụ nữ khởi nghiệp.
Thứ tư là các cấp Hội sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và phát triển kinh doanh. Trước mắt, trong năm 2022 chúng tôi sẽ tập trung làm tốt việc giám sát thực hiện Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ và giám sát việc thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam theo yêu cầu của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Cuối cùng, các cấp Hội tiếp tục làm tốt hoạt động được coi là thế của Hội, đó là các hoạt động tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp và phát triển kinh doanh, về vai trò và vị trí của phụ nữ trong phát triển kinh tế và khởi nghiệp trên các trang thông tin điện tử của Hội, của báo phụ nữ Việt Nam, các trang mạng xã hội… Đồng thời sẽ tuyên truyền các gương phụ nữ khởi nghiệp kinh doanh thành công nhằm lan tỏa tinh thần khởi nghiệp tới phụ nữ cả nước và cộng đồng.
PV: Xin cảm ơn những chia sẻ hữu ích của bà!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn