Hội LHPN Việt Nam tổ chức chương trình truyền thông về giảm nghèo đa chiều năm 2022 tại An Giang

11:34 | 15/11/2022;
Chương trình trang bị thêm thông tin, kiến thức về các chính sách, chủ trương hỗ trợ xóa đói giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, đồng thời khuyến khích chị em hội viên, phụ nữ nỗ lực vượt qua hoàn cảnh khó khăn, tìm kiếm các cơ hội thoát nghèo, xây dựng kinh tế bền vững tại địa phương.

Giảm nghèo là một trong những vấn đề mà Đảng và Nhà nước đang hết sức quan tâm và đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng miền, các nhóm dân cư.

Với mục tiêu đó, trong thập kỷ qua, Đảng và Nhà nước ta đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ cho các hộ nghèo và cận nghèo như chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế, chính sách hỗ trợ giáo dục và đào tạo, chính sách hỗ trợ về nhà ở, vệ sinh, nước sạch và nhiều chính sách hỗ trợ giảm nghèo khác như về pháp lý, đất đai, hỗ trợ cho vay vốn… Nhờ vào những chính sách này, thành tựu về giảm nghèo ở Việt Nam hiện nay rất ấn tượng, đặc biệt, nghèo đa chiều đã giảm liên tục và đáng kể, từ 18,1% năm 2012 xuống 10,9% năm 2016 và 4,4% năm 2020.

Hiện nay, Chương trình Mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đang được thực hiện trên phạm vi cả nước. Mục tiêu tổng quát của Chương trình là thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện, xã nghèo, đặc biệt khó khăn.

Hội LHPN Việt Nam tổ chức chương trình truyền thông về giảm nghèo đa chiều năm 2022 tại An Giang - Ảnh 1.

Giảm nghèo là một trong những vấn đề mà Đảng và Nhà nước đang hết sức quan tâm

Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn nhiều địa phương chưa thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Các hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc các địa phương này phần lớn vẫn còn thiếu sinh kế, việc làm, thu nhập thấp, không ổn định; thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản; thiếu kỹ năng nghề nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực thấp, khó tiếp cận việc làm.

Nhằm cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức về việc tiếp cận, thụ hưởng các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ về phát triển kinh tế góp phần khơi dậy ý chí của hội viên, phụ nữ và nhân dân nỗ lực vượt qua hoàn cảnh và vươn lên trong cuộc sống, sáng ngày 15/11/2022, tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức chương trình truyền thông về giảm nghèo bền vững. Chương trình có sự tham gia của 250 đại biểu là đại diện của các ban, ngành, đoàn thể, hội viên, phụ nữ và nhân dân trên địa bàn TP Long Xuyên.

Các cấp Hội đẩy mạnh tuyên truyền giảm nghèo bền vững

Khai mạc chương trình trình tọa đàm, bà Đặng Hương Giang, Phó trưởng Ban Tuyên giáo, TƯ Hội LHPN Việt Nam chia sẻ: Tính dễ bị tổn thương liên quan tới giới và chênh lệch trong tiếp cận công nghệ, tiếp cận thông tin là hai trong số những vấn đề mà Việt Nam đang phải đối mặt trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, đặc biệt, những vấn đề này càng được khắc sâu hơn bởi đại dịch Covid-19.

Hội LHPN Việt Nam với vai trò là tổ chức chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em, trong năm 2022, là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII nhiệm kỳ 2022- 2027, đã đề ra chỉ tiêu "hằng năm giúp 33.500 hộ có phụ nữ thoát nghèo, thoát cận nghèo" và khẩn trương thực hiện tiêu chí "Không đói nghèo" trong thực hiện Cuộc vận động xây dựng gia đình "5 không 3 sạch".

Hội LHPN Việt Nam tổ chức chương trình truyền thông về giảm nghèo đa chiều năm 2022 tại An Giang - Ảnh 2.

Phó trưởng Ban Tuyên giáo, TƯ Hội LHPN Việt Nam Đặng Hương Giang chia sẻ về công tác tuyên truyền giảm nghèo bền vững của các cấp Hội

Trong công tác tuyên truyền giảm nghèo bền vững, các cấp Hội đã đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau như pano, tờ rơi, sinh hoạt chi hội, các sự kiện sân khấu hóa... để chuyển tải kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thông tin về kiến thức, kỹ năng, mô hình, kinh nghiệm lao động sản xuất.

Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng xác định rằng vai trò của hội viên, phụ nữ trong việc tuyên truyền, vận động hỗ trợ, giúp đỡ nhau thoát nghèo là vô cùng quan trọng.

Hội viên, phụ nữ đã trở thành những thành phần nòng cốt trong công tác tuyên truyền, trong việc thực hiện các mô hình, các tổ hùn vốn, vay vốn ở các địa phương để cùng giúp nhau thoát nghèo bền vững.

Hội LHPN Việt Nam tổ chức chương trình truyền thông về giảm nghèo đa chiều năm 2022 tại An Giang - Ảnh 3.

Chương trình tọa đàm giúp phụ nữ có thêm kiến thức về tạo dựng sinh kế bền vững

"Tại sự kiện truyền thông hôm nay, thông qua hình thức sân khấu hóa, tọa đàm về tạo dựng sinh kế bền vững và các hoạt động diễn ra trong sự kiện, chúng tôi mong muốn các quý vị đại biểu, hội viên, phụ nữ và nhân dân sẽ được trang bị thêm thông tin, kiến thức về các chính sách, chủ trương hỗ trợ xóa đói giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, đồng thời khuyến khích chị em hội viên, phụ nữ nỗ lực vượt qua hoàn cảnh khó khăn, tìm kiếm các cơ hội thoát nghèo, xây dựng kinh tế bền vững tại địa phương", bà Đặng Hương Giang nhấn mạnh.

Theo Báo cáo nghèo đa chiều quốc gia năm 2021 với chuẩn nghèo đa chiều mới (được phê duyệt năm 2021), tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của nước ta là 9,35%. Báo cáo cũng cho biết, các hộ gia đình thuộc tỷ lệ trên hầu hết đều là hộ nghèo kinh niên, khó có cơ hội thoát nghèo và tập trung chủ yếu ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Riêng tại tỉnh An Giang, theo Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh, số hộ nghèo toàn tỉnh cuối năm 2021 là 3,81%, tương đương với hơn 20 nghìn hộ; số hộ cận nghèo toàn tỉnh cuối năm 2021 là 5,89%, tương đương với hơn 31 nghìn hộ, trong đó, số hộ nghèo dân tộc thiểu số cũng chiếm một phần rất lớn trên tổng số hộ nghèo.

Có thể nói, tình trạng nghèo còn tồn tại ở nhiều địa phương trên cả nước là một thách thức đối với Việt Nam trong việc đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn