Ngày 3/6/2024, Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Luật phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Tham dự hội nghị có đại diện Cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Công an); Đại biểu là các chuyên gia; Đại biểu từ các Bộ ngành, tổ chức chính trị - xã hội. Bà Hà Thị Nga, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam và bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, chủ trì Hội nghị.
Trên 10 nội dung ý kiến của Hội LHPN Việt Nam đã được tiếp thu, sửa đổi
Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, cho biết, nạn nhân của mua bán người có thể là bất cứ ai nhưng một thực tế là phụ nữ và trẻ em gái luôn chiếm đa số. Báo cáo tổng kết thi hành Luật của Bộ Công an cho biết: Từ năm 2012 đến tháng 2/2023, lực lượng chức năng đã giải cứu, tiếp nhận, xác minh khoảng 10.000 trường hợp, trong đó xác định 7.962 người là nạn nhân (phụ nữ, trẻ em chiếm khoảng 90%).
Công tác phòng, chống mua bán người thời gian qua ở Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định, thể hiện những nỗ lực, quyết tâm của Việt Nam trong thực hiện cam kết quốc tế góp phần thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong công tác phòng chống tội phạm mua bán người. Tuy nhiên, những tác động tiêu cực của hậu dịch bệnh Covid-19, nhu cầu việc làm tăng cao... là điều kiện thuận lợi để các đối tượng triệt để lợi dụng lừa gạt, dụ dỗ nạn nhân để lừa bán, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền con người, trong đó có quyền của phụ nữ.
Hiện nay, Luật phòng, chống mua bán người đang trong quá trình sửa đổi, do Bộ Công an chủ trì soạn thảo và được đưa vào thảo luận tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV. Qua thực tiễn triển khai công tác phòng, chống mua bán người những năm qua cũng như tham gia nghiên cứu hồ sơ dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Hội LHPN Việt Nam nhận thấy Dự thảo 5 Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) đã có nhiều tiếp thu sửa đổi, nhất là những nội dung liên quan đến vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, vẫn còn có những vấn đề giới cần tiếp tục được nghiên cứu, trao đổi, thảo luận và hoàn thiện tại Dự thảo.
Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức nhiều Hội thảo góp ý Luật và đã có Công văn số 2686/ĐCT-TG ngày 13/11/2023 gửi Cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Công an). Đối chiếu với Dự thảo lần này, trên 10 nội dung ý kiến của Hội LHPN Việt Nam đã được Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, sửa đổi. Những nội dung tiếp thu này là cơ sở thực hiện bình đẳng giới trong công tác phòng, chống mua bán người.
Để tiếp tục lấy ý kiến của các chuyên gia, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác phòng, chống mua bán người, đảm bảo quyền và lợi ích của phụ nữ, trẻ em gái, Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) trên cơ sở đánh giá tính phù hợp với các chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp và hệ thống pháp luật hiện hành, tính đúng đắn, khoa học, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính khả thi của các quy định liên quan đến bình đẳng giới, quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em trong phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống mua bán người.
Để tập trung các ý kiến, Hội LHPN Việt Nam đề nghị các đại biểu phát biểu thảo luận tập trung vào các vấn đề sau:
Thứ nhất, đánh giá và đề xuất sửa đổi các quy định tại dự thảo Luật phòng, chống mua bán người đảm bảo thực hiện nguyên tắc bình đẳng giới trong phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực mua bán người; các kiến nghị nhằm bảo đảm thực hiện quyền, trách nhiệm của nạn nhân là phụ nữ và trẻ em.
Thứ hai, những vấn đề pháp lý trong tiếp nhận, xác minh, xác định, bảo vệ nạn nhân quy định trong dự thảo luật đã đảm bảo tính tính tương thích, thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính khả thi trong quá trình thực thi luật chưa, việc quy định thẩm quyền tiếp nhận nạn nhân và các căn cứ xác định nạn nhân đã đảm bảo sự rõ ràng, minh bạch hay chưa vì điều này có có ý nghĩa và vai trò quan trọng, tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều chính sách pháp luật, đặc biệt là các quy định về chính sách hỗ trợ đối với nạn nhân bị mua bán.
Thứ ba, đối với các chính sách hỗ trợ dành cho nạn nhân thì cần được quy định cụ thể như thế nào, đặc biệt là chính sách liên quan đến tái hòa nhập cộng đồng nhằm thực hiện nguyên tắc "lấy nạn nhân là trung tâm" trong phòng, chống mua bán người.
Thứ tư, về vai trò của các cơ sở hỗ trợ nạn nhân/Trung tâm trợ giúp xã hội trong công tác hỗ trợ nạn nhân mua bán người đã phù hợp với thực tế chưa? Đặc biệt cần có các quy định như thế nào để khuyến khích việc xã hội hóa trong công tác phòng, chống mua bán người nhằm huy động nguồn lực xã hội để thực hiện hỗ trợ nạn nhân mua bán người mang tính nhạy cảm giới?
Ý kiến của các đại biểu
ThS Vũ Thị Hường, Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp), cho biết, Dự thảo Luật quy định người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân được hưởng một số chế độ hỗ trợ theo quy định. Tuy vậy, có một số điểm cần lưu ý về câu chữ khi áp dụng khoản 3 điều 37 và các điều 38, điều 39, điều 40 và điều 44 của Dự thảo.
Ngoài ra, người thân thích là phụ nữ cao tuổi, bị khuyết tật hoăc bị bệnh nan y đi cùng nạn nhân thì chưa đươc quy định là đối tượng được hưởng các chế độ hỗ trợ này. Theo quy định tại Điều 34 của Dự thảo Luật thì người thân thích của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân cũng thuộc đối tượng được bảo vệ. Vì thế, trong một số trường hợp nhất định, họ cũng cần những hỗ trợ nhất định như về nhu cầu thiết yếu, hỗ trợ y tế, tâm lý, trợ giúp pháp lý…
Bà Hường cho rằng cần có sự điều chỉnh trong lời văn của Điều 37 trong mối tương quan với các điều khác trong Chương V, đặc biệt là từ Điều 38 đến Điều 44 để bảo đảm rõ ràng, thống nhất, đồng bộ trong các quy định về chế độ hỗ trợ tại Chương V “Hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định nạn nhân” của Dự thảo Luật.
Bên cạnh đó, các Điều từ 38 đến Điều 44 quy định các chế độ hỗ trợ cho nạn nhân và người đang trong quá trình xác định là nạn nhân nói chung và không quy định cụ thể đối với nhóm là phụ nữ và trẻ em gái. Theo khoản 4 Điều 37 thì có thể hiểu việc này được giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Do đó, trong văn bản hướng dẫn của Chính phủ cần lưu ý các nhu cầu đặc thù nhóm đối tượng đặc thù này để có những hướng dẫn quy định về các chế độ hỗ trợ cụ thể cho phù hợp.
Trong khi đó, ông Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội, cho biết, tại Khoản 5 Điều 7 quy định: Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục cần được tăng cường đối với phụ nữ, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng, học sinh, sinh viên và những người cư trú tại khu vực biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và những địa bàn xảy ra nhiều vụ việc mua bán người.
"Tôi thấy tư tưởng chính sách luật ở quy định này là tích cực, bảo đảm khía cạnh lồng ghép biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới. Tuy nhiên, đọc toàn bộ Dự thảo Luật, không thấy chủ thể nào có trách nhiệm thực hiện quy định tại Khoản 5 Điều 7. Để quy định này có tính khả thi, xin đề nghị xác định rõ "tăng cường thông tin, tuyền truyền về phòng chống mua bán người" thực hiện ở đâu? Cho đối tượng nào? Hình thức và chủ thể nào thực hiện?", ông Trường cho hay.
Khoản 4 Điều 15 quy định: "Gia đình có trách nhiệm động viên thành viên gia đình là nạn nhân hợp tác với cơ quan có thẩm quyền phòng, chống mua bán người", ông Trường cho rằng chỉ "động viên" thôi là chưa đủ mà gia đình cần "động viên, hỗ trợ, tạo điều kiện" để thành viên là nạn nhân hợp tác với cơ quan có thẩm quyền phòng, chống mua bán người. Thực tế nhiều nạn nhân, nhất là phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật rất mặc cảm, e ngại tiếp xúc sau những sang chấn tâm lý nặng nề, nên rất cần sự động viên, hỗ trợ, tạo điều kiện của gia đình để họ có thể vượt qua những khó khăn của bản thân, hợp tác với cơ quan có thẩm quyền phòng, chống mua bán người.
TS. Lê Thị Vân Anh Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp), cho biết, quy định tại các điểm g và h Khoản 2 Điều 31 Dự thảo Luật về các căn cứ để xác định một người là nạn nhân là thiếu cơ sở và chưa rõ ràng.
TS Lê Thị Vân Anh, Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp), phát biểu ý kiến
"Nếu chỉ căn cứ vào lời khai của người biết sự việc hoặc vào các thông tin, tài liệu hợp pháp khác thì chưa phù hợp và dễ dẫn tới việc lạm dụng chính sách. Do vậy, để đảm bảo sự rõ ràng, minh bạch cũng như tính khả thi, phù hợp với thực tiễn cuộc sống, Dự thảo Luật cần quy định cụ thể, rõ ràng các thông tin, tài liệu hợp pháp khác là những thông tin, tài liệu gì, đồng thời cân nhắc về sự phù hợp, tính khả thi của nguồn chứng cứ là "lời khai, tài liệu do những người biết sự việc cung cấp". Việc quy định nguồn chứng cứ là "lời khai, tài liệu do những người biết sự việc cung cấp" chỉ thực sự phù hợp và khả thi khi có thêm một trong các nguồn chứng cứ khác quy định tại điểm a đến đếm e Khoản 2 Điều 31 Dự thảo Luật.
Bên cạnh đó, điểm e Khoản 2 Điều 31 Dự thảo Luật quy định nguồn tài liệu, chứng cứ chứng minh một người là nạn nhân bị mua bán là "lời khai, tài liệu do người thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này cung cấp" là chưa hợp lý và logic, bởi Khoản 1 Điều 31 Dự thảo Luật không quy định hành vi mua bán người. Do vậy, cần nghiến cứu theo hướng dẫn chiếu sang quy định tại Khoản 1 Điều 2 Dự thảo Luật thì sẽ phù hợp hơn", bà Vân Anh đề xuất.
Kết luận Hội nghị, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga đánh giá cao và đồng tình với các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học. Trước mắt, Hội LHPN Việt Nam sẽ hoàn thiện văn bản soạn thảo để gửi tới các cơ quan có thẩm quyền. Trong thời gian tới, Hội LHPN Việt Nam hy vọng tiếp tục nhận được sự quan tâm và nghiên cứu từ các chuyên gia để Dự án Luật không chỉ được thông qua mà còn áp dụng hiệu quả nhất trong thực tiễn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn