Những ngày qua, dư luận cả nước xôn xao trước vụ em Hoàng Long N., học sinh lớp 6.2 trường THCS xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), bị đội cờ đỏ của trường ghi sổ về lỗi nói tục. Vì sự việc này, cô Nguyễn Thị Phương Thủy - giáo viên chủ nhiệm lớp em N. - đã phạt em bằng cách chỉ đạo 23 học sinh khác trong lớp mỗi bạn tát vào má N. 10 cái. Sau khi các bạn trong lớp tát đủ 230 cái, cô chủ nhiệm tát em N. thêm 1 cái. Em N. đã phải nhập viện trong tình trạng vùng má bị sưng tím, tổn thương phần mềm phía ngoài, há miệng hạn chế, nhai và ăn bị đau.
Chỉ sau đó ít ngày, một vụ việc khác cũng khiến dư luận lên án khi 3 đối tượng đã xông vào tấn công 1 nữ nhân viên ở Sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa).
Cụ thể, vào hồi 14h20 ngày 23/11, 3 đối tượng là Phạm Hữu An (trú phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa), Lê Văn Nhị (trú xã Xuân Quang, Thọ Xuân, Thanh Hóa) và Lê Trung Dũng (trú Thị trấn Thọ Xuân, Thanh Hoas) ra sân bay Thọ Xuân tiễn người quen đi chuyến bay VN1271 chặng bay Thanh Hóa - TPHCM.
Khi hành khách M. đã hoàn tất thủ tục check-in, các đối tượng này đã nhờ nhân viên hàng không là chị Lê Thị G. chụp ảnh tại khu vực sảnh ga đi. Sau đó các đối tượng này tiếp tục đề nghị nhân viên hàng không G. chụp ảnh chung với mình nhưng nhân viên G. đã từ chối do đang làm việc. Do không được đáp ứng yêu cầu, 3 đối tượng trên đã to tiếng chửi bới, hành hung nhân viên hàng không G.
Chiều ngày 26/11, trao đổi với PV Báo PNVN, bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, cho biết: "Qua các phương tiện truyền thông, Hội LHPN Việt Nam đã nắm được thông tin một em học sinh lớp 6 tại trường THCS xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) bị cô giáo phạt vì lỗi nói tục bằng cách để các bạn trong lớp tát vào mặt. Đáng tiếc hơn, chính cô giáo cũng tham gia vào việc tát em học sinh này. Đây là sự việc vi phạm đạo đức nhà giáo nghiêm trọng, đặc biệt lại xảy ra trong dịp Hiến chương các nhà giáo Việt Nam.
Theo quy định tại Khoản 3, Khoản 5 Điều 6, Luật Trẻ em 2016 về các hành vi bị nghiêm cấm, thì: 3. Xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em; 5. Sử dụng, rủ rê, xúi giục, kích động, lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc trẻ em thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác…
Vì vậy, việc cô giáo chủ nhiệm chỉ đạo 23 em học sinh tát vào mặt em N. là vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, Luật Giáo dục 2005 cũng đã có những quy định cụ thể liên quan đến nhiệm vụ và những hành vi không được làm đối với nhà giáo. Cụ thể, Khoản 3, Điều 72 quy định nhà giáo có nhiệm vụ “Giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự của nhà giáo; tôn trọng nhân cách của người học, đối xử công bằng với người học, bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của người học”; Khoản 1 Điều 75 quy định “Nhà giáo không được có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của người học”.
Cho dù xuất phát từ nguyên nhân nào thì hành vi xử phạt của cô giáo đối với học sinh như trên là không phù hợp với đạo đức nhà giáo. Giáo dục học sinh là việc làm cần thiết, tuy nhiên lựa chọn phương pháp giáo dục nào cho hiệu quả là vấn đề đặt ra đối với mỗi giáo viên để đảm bảo một môi trường học tập an toàn, lành mạnh cho trẻ. Chúng tôi bày tỏ sự đồng tình trong việc ngành giáo dục các cấp đã nhanh chóng chỉ đạo làm rõ sự việc.
Qua sự việc này, chúng tôi cũng mong rằng, gia đình cũng cần quan tâm hơn tới con em của mình đặc biệt là các em trong độ tuổi mới lớn. Đây là giai đoạn rất nhạy cảm và các em chưa tự ý thức được hành vi của mình. Do đó, giữa nhà trường và gia đình cần có những liên kết nhất định để việc giáo dục con em đạt hiệu quả và chất lượng. Đồng thời, ngành giáo dục nói chung cần có những biện pháp thiết thực để xây dựng một môi trường giáo dục nhân văn, xây dựng nên những thế hệ trí tuệ, bản lĩnh và đạo đức từ chính những con người trí tuệ, bản lĩnh và đạo đức.
Về vụ nữ nhân viên hàng không bị hành hung, đây là vụ việc mang tính chất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của nữ nhân viên đang trong thời gian làm việc. Đặc biệt, hành vi này lại xảy ra tại cảng hàng không vốn được xem là một môi trường làm việc lịch sự, an ninh và an toàn.
Chúng tôi hoàn toàn lên án hành vi của nhóm thanh niên nêu trên tại sân bay Thọ Xuân, Thanh Hóa. Đó là hành vi côn đồ, thiếu văn minh, lịch sự, nhất là lại hướng tới một nữ tiếp viên trước đó từng giúp đỡ yêu cầu của họ, mặc dù đấy không phải là nhiệm vụ của nữ tiếp viên ấy. Hành vi của nhóm thanh niên có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự 2017. Bên cạnh đó, hành vi của nhóm thanh niên này cũng có dấu hiệu của tội Gây rối trật tự công cộng quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự.
Qua sự việc này, chúng tôi cũng mong muốn các cơ quan chức năng nhanh chóng làm rõ sự việc, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời có các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn lao động tại nơi làm việc, ứng phó với các sự việc tương tự, đặc biệt đảm bảo một môi trường làm việc lành mạnh, an toàn cho phụ nữ. Đây cũng chính là một trong những mục tiêu của Chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030 về Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn, rộng mở và bền vững, tạo việc làm đầy đủ và năng suất và công việc tốt cho tất cả mọi người".
Ngày 26/11, Đại tá Đoàn Thanh Tuyên, Trưởng Công an huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), xác nhận, cơ quan này đã có quyết định khởi tố vụ án "Hành hạ người khác" theo Điều 140 Bộ luật Hình sự để điều tra việc cô Nguyễn Thị Phương Thủy, giáo viên Trường THCS Duy Ninh (xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh), chỉ đạo cả lớp tát một học sinh 231 cái.
Còn Công an huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) đã có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra, xử lý vụ nhóm thanh niên hành hung nữ nhân viên tại sân bay Thọ Xuân.