Kiện toàn từ tổ chức Hội cơ sở
Thực hiện khâu đột phá "Nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động hội cơ sở; đa dạng hóa các hình thức tập hợp, thu hút hội viên, phát huy quyền làm chủ của hội viên phụ nữ", nửa đầu nhiệm kỳ, công tác củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức hội cơ sở được Hội LHPN tỉnh và các cấp Hội quan tâm.
Theo đó, Hội LHPN tỉnh, các huyện, thành phố tập trung hướng dẫn các cơ sở hội thực hiện nhiệm vụ trọng tâm; xây dựng quy định chế độ đi công tác, định hướng nội dung, phương pháp đi cơ sở, yêu cầu tất cả cán bộ hội chuyên trách các cấp dự sinh hoạt hội viên. Khi tham dự tại hội cơ sở, chi hội, các cán bộ kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng, trực tiếp hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ hội cơ sở.
Thông qua ký kết các chương trình phối hợp, các cấp hội đa dạng nội dung, hình thức hoạt động nhằm vận động, tập hợp phụ nữ đặc thù như: Nữ công nhân lao động, nữ thanh niên, phụ nữ cao tuổi, phụ nữ tôn giáo, dân tộc thiểu số, nữ tiểu thương. Các cấp hội đổi mới sinh hoạt theo phương châm đa dạng về hình thức, linh hoạt về thời gian; tăng cường quản lý hội viên qua hệ thống sổ sách theo dõi, quản lý hội viên và hoạt động hội; tập trung các giải pháp tập hợp phụ nữ tham gia tổ chức hội nhất là ở các cơ sở có tỷ lệ thu hút hội viên dưới 50%. Với đặc thù từng địa phương, mỗi đơn vị có cách làm khác nhau.
Ví như Hội LHPN huyện Yên Thế hướng dẫn chị em tổ chức sinh hoạt vào buổi tối hoặc gửi thông báo qua tin nhắn, mạng xã hội; phối hợp huy động các nguồn lực ưu tiên hỗ trợ mái ấm, bò sinh sản cho chị em dân tộc thiểu số. Các cơ sở hội ở huyện Việt Yên tham mưu với cấp ủy, chính quyền tổ chức hoạt động thể thao tập trung vào thứ Bảy, Chủ nhật để thu hút hội viên công nhân. Nhờ đó, đến nay toàn tỉnh có 254 cơ sở hội; hơn 2,5 nghìn chi hội thu hút 64% phụ nữ từ 18 tuổi trở lên tham gia sinh hoạt, tăng hơn 11,2 nghìn hội viên nông nghiệp - đô thị so với năm 2016.
Các cấp hội còn quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao qua việc chủ động tham mưu, đề xuất xây dựng, bổ sung quy hoạch cán bộ hội các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, 2021-2026 và các nhiệm kỳ tiếp theo bảo đảm đủ số lượng, tiêu chuẩn, cơ cấu và tính kế thừa. Tích cực tham mưu sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy của hội tinh gọn, hoạt động hiệu quả; xây dựng vị trí việc làm theo chức danh, cơ cấu ngạch công chức.
Đồng thời nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ qua tổ chức hội thi "Chi hội trưởng giỏi" 3 cấp; phát hành tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ; phối hợp mở lớp bồi dưỡng tin học văn phòng; duy trì lớp trung cấp công tác xã hội chuyên ngành công tác phụ nữ; đưa tiêu chí đạt chuẩn chức danh đối với cán bộ hội và trình độ chuyên môn đại học đối với chủ tịch Hội LHPN cấp xã.
Phát huy quyền làm chủ của phụ nữ
Bà Nguyễn Thị Liên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bắc Giang, cho biết: "Đơn vị đã ban hành hướng dẫn cơ sở hội chủ động lựa chọn đăng ký nội dung giám sát chính sách, pháp luật có liên quan. Các cấp hội kịp thời đề xuất với cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng về những vấn đề có liên quan đến tổ chức, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách tại địa phương".
Theo đó, từ năm 2018 đến nay, Hội LHPN cấp tỉnh, huyện đã tham mưu, đề xuất ban hành 35 chính sách, kế hoạch liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em. Ngoài ra chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng, đời sống cán bộ, hội viên; tổng hợp, lựa chọn các vấn đề có liên quan đến phụ nữ, trẻ em; phối hợp tổ chức "Diễn đàn đối thoại trực tiếp giữa phụ nữ với cấp ủy, chính quyền địa phương".
Đến nay, toàn tỉnh tổ chức hơn 200 diễn đàn đối thoại giữa cán bộ, hội viên với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền với hơn 2 nghìn ý kiến, kiến nghị liên quan đến bình đẳng giới, bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng, lao động, việc làm, vệ sinh môi trường, sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an toàn thực phẩm, an ninh trật tự... Sau các diễn đàn, cấp ủy, chính quyền địa phương đã ban hành văn bản và quan tâm chỉ đạo thực hiện kiến nghị. Các cấp hội còn là kênh thông tin và địa chỉ tin cậy cho nhiều chị em phụ nữ, trẻ em khi gặp phải các vấn đề trong cuộc sống.
Đối với hoạt động phản biện xã hội, các cấp hội tổ chức cho cán bộ, hội viên tham gia đóng góp ý kiến đối với các dự thảo văn kiện của Đảng; dự thảo luật, chính sách của Nhà nước, trong đó tập trung đóng góp những nội dung liên quan đến chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; những vấn đề liên quan đến lợi ích chính đáng của phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới. Chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020-2025, các cấp hội trong toàn tỉnh đã và đang tích cực tổ chức các diễn đàn đóng góp, phản biện đối với văn kiện đại hội, nắm bắt tình hình tư tưởng cán bộ, hội viên và nhân dân; lựa chọn, giới thiệu nhân sự tham gia danh sách bầu và tham gia cấp ủy tại đại hội đảng bộ các cấp.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn