Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp tham gia công tác cán bộ nữ góp phần thực hiện khâu 'then chốt' trong công tác xây dựng Đảng

07:00 | 08/03/2019;
Sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về Chiến lược cán bộ, cùng với sự phát triển của đội ngũ cán bộ nói chung, đội ngũ cán bộ nữ đã không ngừng tăng cả về số lượng và chất lượng, ngày càng khẳng định vai trò và sự đóng góp quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Tỷ lệ nữ cấp ủy nhiệm kỳ 2015-2020, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV và tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021 cơ bản đều tăng. Tỷ lệ nữ cấp ủy cấp tỉnh đạt 13,3%, cấp huyện 14,3%, cấp cơ sở 19,69%. Tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cả ba cấp đều đạt trên 26%; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội sau 3 nhiệm kỳ giảm liên tiếp đã đạt 26,72% (tăng hơn 2%) (1).

Hiện nay, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, 03 Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch nước là nữ; ở cấp tỉnh có 06 đồng chí Bí thư, 13 Phó Bí thư Tỉnh ủy, 07 Chủ tịch và 31 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; 18 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân là nữ (2) cùng nhiều chị đảm nhiệm các vị trí trọng trách ở Trung ương và địa phương.

 

Ủy viên TƯ Đảng, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu tại buổi thảo luận ở tổ, Kỳ họp thứ 2,
Quốc hội khóa XIV

 

Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ nữ lãnh đạo quản lý còn thấp so với chỉ tiêu đề ra, chưa tương xứng với tiềm năng và đóng góp to lớn của các tầng lớp phụ nữ; một số tỉnh, thành phố có tỷ lệ nữ cấp ủy thấp, thậm chí chưa có nữ đại biểu Quốc hội và nữ trong Ban Thường vụ; khoảng 50% các cơ quan bộ, ngang bộ, chưa có nữ lãnh đạo chủ chốt (3).

 

Năm 2019 và những năm tiếp theo là giai đoạn quan trọng để chuẩn bị nhân sự đại hội đảng bộ các cấp hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Thực hiện vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp cần xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên; chủ động xây dựng kế hoạch chỉ rõ những việc cần làm ngay, những việc phải làm thường xuyên và những việc làm theo lộ trình, với một số trọng tâm sau:

 

1. Trước mắt, từ nay đến hết nhiệm kỳ là giai đoạn cấp ủy các cấp tiếp tục giới thiệu, bổ sung cán bộ vào quy hoạch cấp uỷ, các chức danh lãnh đạo, quản lý; kiện toàn nhân sự để chuẩn bị cho nhiệm kỳ tới. Vì vậy, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp phải bám sát tình hình thực tiễn, xác định một số việc cần làm ngay. Khẩn trương đánh giá lại thực trạng cán bộ nữ lãnh đạo quản lý ở địa phương, đơn vị, rà soát, phát hiện nguồn để kịp thời tham mưu, đề xuất bổ sung nhân sự cán bộ nữ vào qui hoạch cũng như khi kiện toàn, chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ tới.

 

Tích cực tham gia, đề xuất ý kiến liên quan đến công tác cán bộ nữ trong quá trình xây dựng các văn bản liên quan đến công tác nhân sự, nhất là chỉ thị, thông tri, phương hướng, đề án nhân sự đại hội đảng các cấp, phương hướng bầu cử Quốc hội khóa XV và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ tới.

 

Căn cứ tình hình thực tế, Đảng đoàn Hội Liên hiệp phụ nữ cấp tỉnh, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ cấp huyện chủ động phối hợp với Ban Tổ chức cấp ủy cùng cấp làm việc với cấp ủy cấp dưới về công tác cán bộ nữ. Trên cơ sở đó đề xuất, kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy đảng các cấp có chỉ đạo, giải pháp cụ thể đảm bảo cơ cấu, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy, tham gia Hội đồng nhân dân và Quốc hội nhiệm kỳ tới, nếu không đảm bảo cơ cấu nữ đề nghị để trống và bổ sung sau theo đúng tinh thần Nghị quyết 26 - NQ/TW về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

 

2. Tiếp tục nâng cao chất lượng các nhiệm vụ, việc làm thường xuyên mà Hội đã thực hiện tốt trong thời gian vừa qua, lựa chọn ưu tiên cho phù hợp với tình hình cụ thể ở địa phương. Chủ động, tích cực phát hiện, giới thiệu nhân sự đủ tiêu chuẩn vào quy hoạch cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo các ngành, giới thiệu phụ nữ ưu tú cho Đảng bồi dưỡng kết nạp, tạo nguồn phát triển cán bộ nữ. Tham gia hiệu quả trong các ban, hội đồng chuẩn bị cho đại hội và bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; Hỗ trợ và tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho các nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; đề xuất chính sách; phối hợp kiểm tra, giám sát, nắm tình hình đội ngũ cán bộ nữ; kết nối, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý...

 

Đồng thời tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, về vai trò và những đóng góp của cán bộ nữ trong các lĩnh vực đời sống xã hội; động viên phụ nữ nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, khắc phục khó khăn, vươn lên khẳng định bản thân. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp; phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu của cán bộ Hội là đảng viên, người đứng đầu, tạo nguồn cán bộ nữ cho các cấp ủy Đảng, chính quyền.

 

3. Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27 tháng 4 năm 2007 về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Kết luận số 55-KL/TW, ngày 18/01/2013 của Ban Bí thư (khóa XI); Chỉ thị 21-CT/TW ngày 20/01/2018 về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới và một số văn bản khác đều khẳng định chỉ tiêu: phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp đạt từ 25% trở lên; nữ đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp từ 35% đến 40%. Các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, phải cơ cấu cán bộ nữ là lãnh đạo chủ chốt. Cơ quan lãnh đạo cấp cao của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ có tỷ lệ nữ phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới.

 

Mới đây nhất, Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 19/5/2018 cũng đã đề ra mục tiêu, đến năm 2030: Phải có cán bộ nữ trong cơ cấu ban thường vụ cấp ủy và tổ chức Đảng các cấp. Tỉ lệ nữ cấp ủy viên các cấp đạt từ 20 đến 25%. Tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp đạt trên 35%.

 

Như vậy, hiện nay ở nhiều nơi, nhiều cấp, tỷ lệ cán bộ nữ còn khoảng cách khá xa so với các chỉ tiêu trên. Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp căn cứ tình hình cụ thể, bám sát kế hoạch và sự chỉ đạo của cấp ủy cùng cấp để chủ động xây dựng lộ trình tham gia công tác cán bộ nữ của Hội, trong đó xác định các việc phải làm, các giải pháp mạnh mẽ, các chỉ tiêu cần đạt được tương ứng với các mốc thời gian cụ thể; đồng thời đề xuất, tham mưu các giải pháp, bước đi phù hợp, hiệu quả, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện và xây dựng nguồn nhân lực nữ chất lượng cao, vừa phải có những giải pháp đột phá của các cấp, các ngành, nhất là ở những nơi hiện tỷ lệ cán bộ nữ còn thấp.

 

Với vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ở các cấp, các địa phương có trách nhiệm nỗ lực, tích cực tham mưu làm tốt công tác cán bộ nữ, trực tiếp góp phần thực hiện khâu “then chốt” trong công tác xây dựng Đảng theo tinh thần của Nghị quyết 26 – NQ/TW, từng bước đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

(1) Báo cáo số 454/BC-CP ngày 17/10/2017 của Chính phủ về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới

(2, 3) Hội LHPN Việt Nam cập nhật số liệu đến tháng 2/2019

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn