Dự hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.
Dự hội nghị tại đầu cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Bí thư thành ủy, tỉnh ủy; Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết năm 2022, tình hình thế giới biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, khó khăn hơn so với dự báo.
Ở trong nước, hậu quả của dịch bệnh cần thời gian để khắc phục; tác động của nhiều yếu tố bất lợi bên ngoài tạo sức ép lớn đối với điều hành kinh tế vĩ mô, nhất là về lạm phát, tỷ giá, lãi suất; giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào biến động mạnh, chi phí sản xuất kinh doanh tăng cao; nhiều thị trường lớn, truyền thống của ta suy giảm.
Bên cạnh đó, khi khó khăn, những bất cập, yếu điểm bên trong của nền kinh tế lại bộc lộ rõ nét hơn như tín dụng ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản. Mặt khác, các loại dịch bệnh, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp, gây nhiều thiệt hại. Nền kinh tế chịu tác động tiêu cực kép cả từ bên ngoài và bên trong đến cùng một thời điểm.
Trong bối cảnh đó, cả nước đã đoàn kết, "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt," với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
Theo Thủ tướng, bám sát Nghị quyết Đại hội XIII, Kết luận của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội; dưới sự lãnh đạo trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chính phủ đã cùng các cấp, các ngành, các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên tất cả các lĩnh vực, đồng thời góp phần xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả.
Tiếp tục triển khai hiệu quả chiến lược vaccine, cả nước đã kiểm soát được đại dịch COVID-19 và từ giữa tháng 3/2022 đã mở cửa toàn bộ nền kinh tế với tinh thần phục hồi nhanh và phát triển bền vững.
Chính phủ tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tham vấn ý kiến, kiểm tra thực tiễn, đánh giá tình hình, phát hiện, giải quyết những hạn chế, bất cập.
Đồng thời, đổi mới cách làm, không dàn trải, xác định trình tự ưu tiên, tập trung giải quyết những vấn đề trọng tâm, trọng điểm; thành lập các ban chỉ đạo, tổ công tác để đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn, tại các địa phương và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Chính phủ vừa nỗ lực xử lý hiệu quả những nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều, yêu cầu ngày càng cao, nhân dân chờ mong, đòi hỏi ngày càng lớn; vừa ứng phó kịp thời, hiệu quả các vấn đề cấp bách phát sinh diễn biến nhanh, khó lường, khó dự báo; đồng thời phải tập trung giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng, khó khăn, nhạy cảm kéo dài nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ, nhất là 6 ngân hàng yếu kém, 8/12 doanh nghiệp, dự án thua lỗ, các nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Sông Hậu 1, Long Phú I, Trung tâm Nhiệt điện Ô Môn... Quyết tâm, quyết liệt chấn chỉnh, lành mạnh hóa các thị trường tín dụng, ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương; sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và sự quan tâm giúp đỡ của bạn bè quốc tế, tình hình kinh tế-xã hội đất nước phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực; đạt được mục tiêu tổng quát.
Trong số 15 chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu do Trung ương, Quốc hội giao, có 13 chỉ tiêu đạt và vượt, 1 chỉ tiêu xấp xỉ đạt và 1 chỉ tiêu chưa đạt. Có nhiều điểm sáng đáng mừng về quy mô GDP, thu nhập bình quân đầu người, kim ngạch xuất, nhập khẩu; xuất khẩu nông sản; thu ngân sách Nhà nước; vốn FDI thực hiện; số doanh nghiệp thành lập mới.
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng phục hồi nhanh, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,15%. GDP tăng 8,02%, nâng quy mô nền kinh tế lên 409 tỷ USD, bình quân đầu người đạt 4.110 USD. Thu ngân sách nhà nước vượt 27,8% dự toán (tăng 392.000 tỷ đồng).
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 732,5 tỷ USD; xuất siêu 11,2 tỷ USD. Trên 208.000 doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại, tăng 30,3% và gấp 1,45 lần số doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Nhiều tổ chức quốc tế uy tín duy trì, nâng bậc xếp hạng tín nhiệm, đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam.
Cũng theo Thủ tướng, công tác xây dựng pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tinh giản bộ máy, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được quan tâm; các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm chú trọng hơn; quốc phòng, an ninh, đối ngoại được tăng cường.
Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ rõ bên cạnh kết quả đạt được các yếu tố cơ bản, nền kinh tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức như: sức ép lạm phát cả bên trong và bên ngoài còn lớn; giải ngân vốn đầu tư công, triển khai thực hiện một số chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và công tác lập quy hoạch ngành, quy hoạch địa phương còn chậm; các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro; thanh khoản của một số tổ chức tín dụng yếu kém gặp khó khăn.
Thủ tướng Chính phủ cho rằng năm 2023 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025. Tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; những khó khăn, thách thức, yếu tố bất lợi kép từ bên ngoài và bên trong cùng những vấn đề mới phát sinh chưa dự báo được tiếp tục tác động, ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế-xã hội, đời sống nhân dân, an ninh, quốc phòng của đất nước ta.
Thủ tướng cho biết thực hiện Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nỗ lực, quyết tâm cao nhất để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 với phương châm: “Đoàn kết, kỷ cương; bản lĩnh, linh hoạt; chủ động, sáng tạo; kịp thời, hiệu quả”; Tinh thần đã nói là làm; đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả, sản phẩm lượng hóa được cụ thể, rõ ràng; tranh thủ thời cơ, vận hội, “biến nguy thành cơ;” vừa tập trung xử lý hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều, đòi hỏi ngày càng cao; vừa giải quyết những vấn đề khó khăn, bất cập, tồn đọng kéo dài; vừa kịp thời ứng phó những vấn đề mới phát sinh, đồng thời tạo nền tảng mang tính căn cơ, lâu dài cho phát triển bền vững.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hội nghị tập trung thảo luận, làm rõ, thống nhất nhận thức và triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trong năm 2023.
Đó là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng tạo nền tảng cho nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh, góp phần xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa độc lập, tự chủ, hội nhập thực chất, toàn diện, sâu rộng; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, công tác quy hoạch và phát triển kinh tế vùng; đào tạo nguồn nhân lực gắn với phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển văn hóa ngang tầm với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội; thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về quốc phòng, an ninh, đối ngoại để gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi chưa có nguy cơ.
Theo chương trình, hội nghị sẽ đánh giá tình hình kinh tế-xã hội năm 2022; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022; những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023; kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ năm 2022; tình hình thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, năm 2022; tình hình thực hiện chuyển đổi số, cải cách hành chính của Chính phủ.
Tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn